Một điểm ngập trong nội thành Hà Nội trước cơn mưa lớn vào cuối tháng 5/2018. Ảnh: Lê Phú |
Trước nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng của hầm thu nước nhân tạo, ông Võ Tiến Hùng cho biết, hầm thu nước có dung tích 2.000m3, theo công nghệ Nhật. Về kinh phí của công trình này thì 2/3 là giá thành vật liệu; 1/3 là xây lắp và máy bơm. Công nghệ thu nước thải này khá phổ biến tại Nhật, còn ở Việt Nam thì đã triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với lượng mưa dưới 100mm/2 giờ thì sẽ khả thi chống ngập. Còn trên mức này thì cần thêm các biện pháp hỗ trợ khác.
“Trong nội đô Hà Nội có 15 điểm ngập, trước mắt sẽ triển khai giải quyết 6 điểm ngập, trong đó có một số điểm ngập giải quyết theo các dự án, một số sẽ theo phương án hầm nhân tạo. Công ty đang nghiên cứu 3 điểm ngập cố hữu và sẽ đề xuất phương án xây dựng hầm thu nước nhân tạo”, ông Hùng cho biết.
Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Năm 2017, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội còn tồn tại 18 điểm úng ngập tại các tuyến phố chính, thời gian ngập lụt thường kéo dài từ 1-2 tiếng. Các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn, cuộc sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã giải quyết triệt để được 3/18 điểm ngập, úng tồn tại nhiều năm. Hiện các công trình đang được triển khai tiếp tục thực hiện để giải quyết tình hình úng ngập, khác.
Dự báo tình hình úng ngập năm 2018, với cường độ mưa trong khoảng từ 50-100 mm/2 giờ, Hà Nội vẫn sẽ tồn tại 15 điểm úng ngập. Bên cạnh đó, còn xuất hiện các điểm ngập tại các khu đô thi do chưa được kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước chung.