Kinh doanh trong bảo tàng, di tích - Cần một cái nhìn tổng thể: Bài 1: Nghịch lý di tích

Lâu nay, việc khai thác các di sản, di tích để kinh doanh vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi và chưa nhận được sự thống nhất giữa những nhà kinh doanh, những nhà nghiên cứu, quản lý và của cả những người dân. Nhưng nếu nhìn từ góc độ kinh tế, làm thế nào để những di tích vừa là di sản, vừa phát huy được ý nghĩa, giá trị trong đời sống đương đại và mang lại lợi ích cho xã hội là một việc cần và nên làm. Nghị định 43 và 130 của Chính phủ cũng cho rằng, các đơn vị sự nghiệp có thu được phép kinh doanh và khai thác cơ sở vật chất của họ. Vấn đề là kinh doanh và khai thác các di tích ấy như thế nào để vừa mang lại lợi ích kinh tế mà vẫn giữ được, thậm chí còn nâng cao hơn giá trị cho di tích là một bài toán khó.

Bài 1: Nghịch lý di tích

Di tích Chùa Dâu (Thuận Thành - Bắc Ninh), ngôi chùa cổ nhất Việt Nam vừa tiêu tốn nhiều tỉ đồng để trùng tu tôn tạo khang trang, đẹp đẽ. Nhưng khách đến tham quan, lễ chùa rất ít. Ngay cả trong những ngày cuối tuần hay kỳ nghỉ lễ, lượng khách đến thăm và vãn cảnh ở di tích này cũng rất thưa thớt. Hàng quán thì hầu như không có gì, ngoài vài ba người bán hương cho khách vào lễ chùa, một hàng bán đồ lưu niệm, là vài bức tranh chữ, mấy cuốn sách giới thiệu sơ lược về di tích chùa Dâu; nếu có muốn mua vài món đồ về làm kỷ niệm hay tặng người thân thì cũng không biết mua gì.

Không gian rất đẹp, nhưng dịch vụ ở chùa Bút Tháp còn kém, đồ lưu niệm cũng không có gì độc đáo.


Cách đó không xa, chùa Bút Tháp - di tích cấp quốc gia, là một trong những ngôi chùa cổ có quy mô kiến trúc lớn ở đồng bằng Bắc bộ cũng trong tình trạng tương tự. Phía ngoài cổng chùa Bút Tháp có khoảng đôi ba quán bán hàng lưu niệm, chủ yếu là mấy bức tranh chữ, một vài cuốn sách về chùa Bút Tháp, có thêm vài bức tượng bằng gỗ, bằng bột đá… và một quán bán nước giải khát sơ sài với vài ba chiếc bàn nhựa kê tạm bợ… Chị Ngọc Hà, một du khách đến tham quan chùa Bút Tháp tiếc rẻ: “Không gian ở đây rất đẹp, chỉ phải cái dịch vụ ở đây còn kém, quán xá tuềnh toàng, muốn mua một vài món đồ lưu niệm về tặng bạn bè và người thân cũng không thấy có gì độc đáo. Một di tích đẹp như thế này, mà dịch vụ quá sơ sài, thật quá lãng phí…”.

Anh Phạm Minh Nghĩa, một du khách từ Hà Nội kể: “Nghe nói tháp Chăm ở Ninh Thuận rất đẹp, nên khi có điều kiện, tôi đã đăng ký theo một tour du lịch đến đây, để được chứng kiến tận mắt ngọn tháp cổ kính ấy. Đi một chặng đường dài đến tháp Chăm, cả đoàn đi một vòng xung quanh để ngắm tháp, xem xong lại lục tục lên ô tô đi về. Ngoài những phần giới thiệu của hướng dẫn viên, tôi không có cơ hội tìm hiểu thêm thông tin về văn hóa Chăm, muốn tìm mua một vài món đồ lưu niệm liên quan đến tháp Chăm về làm quà tặng cho bạn bè cũng không có, tôi thấy thật tiếc…”.

Đó chỉ là một vài ví dụ về việc di tích rất có giá trị văn hóa, nhưng chưa khai thác được thế mạnh của mình để thu hút du khách, chưa phát huy, khai thác được thế mạnh của di tích để tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nhà nghiên cứu văn hóa - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản các nhà khoa học Việt Nam nhận xét: Điểm qua một vài di tích cách mạng như ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang), cũng mới chỉ dừng ở việc Nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo, còn việc khai thác giá trị di tích chưa thực sự đạt hiệu quả. Khách đến tham quan không nhiều, và khi đến cũng không có sản phẩm lưu niệm nào có giá trị, độc đáo để du khách phải móc hầu bao ra chi tiêu. Thậm chí, một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt như Dinh Độc Lập (TP Hồ Chí Minh) cũng không có sản phẩm đặc thù mà vẫn chỉ bán tất cả những hàng hóa như những nơi khác, ngoài cổng còn có 2 kiốt bán tranh, bán đồ mỹ nghệ bằng đá chẳng gắn gì với di tích…

Nhưng ngược lại, cũng có nhiều bảo tàng, di tích, vì quá chú trọng đến việc tăng nguồn thu mà sử dụng di tích để kinh doanh, khai thác một cách bừa bãi, vô lối, dẫn đến thương mại hóa di tích.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, vụ di tích lầu Tứ Phương Vô Sự (nằm trên Bắc Khuyết đài, ngay cổng sau Hoàng thành Huế) thuộc khu di tích Đại Nội Huế vừa được Nhà nước trùng tu với mức đầu tư 9,3 tỉ đồng, thì đến cuối tháng 5/2011 đã được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho thuê mỗi năm 200 triệu đồng để làm... quán cà phê. Việc kinh doanh không phù hợp này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ những người dân Huế, các nhà văn hóa đến giới sử học… Hay một số bảo tàng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng, vốn là những nơi trưng bày những hiện vật quý, có giá trị lịch sử thì lại được dành không gian để cho thuê bán bia hơi, cho thuê tổ chức đám cưới… cũng gây phản cảm và vấp phải sự phản đối của nhiều người.

Một số di tích văn hóa gắn với tín ngưỡng vốn có ý nghĩa rất cao đẹp, lại được thêu dệt nhiều câu chuyện không chính xác và mang tính thần bí để tạo vẻ linh thiêng, thu hút nhiều khách thập phương hơn mà không quan tâm đến yếu tố văn hóa truyền thống, làm sai lệch lịch sử đồng thời tạo điều kiện cho những hành vi trục lợi phát triển. Như câu chuyện ở đền Trần (Nam Định), hay chuyện đến... vay tiền vàng ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) là một ví dụ.

Việc khai ấn đầu năm ở đền Trần (Nam Định) vốn có ý nghĩa rất đơn giản, chỉ là sau kỳ nghỉ Tết, đến ngày 15 tháng Giêng (âm lịch), nhà đền khai ấn để bắt đầu công việc của một năm mới… lại được gắn với việc khai ấn của vua Trần, tạo dựng niềm tin về việc thăng quan tiến chức nhờ ấn thiêng này khiến người dân đổ xô đến lễ hội mua ấn, tạo nên việc chen lấn, xô đẩy gây hỗn loạn trong lễ hội. Rồi nạn “phe ấn” làm ấn giả để bán… làm xấu đi một nét đẹp văn hóa tâm linh rất độc đáo của dân tộc, gây nên nhiều bất ổn và bức xúc cho du khách… Hay như chuyện Bà Chúa Kho, một phụ nữ khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia, bị “biến” thành bà Chúa chuyên cho vay và nếu vay được của bà thì sẽ làm ăn rất phát đạt. Thế là cứ đầu năm, dòng người khắp nơi lại ùn ùn đổ về đền Bà Chúa Kho “vay” tiền làm ăn, và đến cuối năm lại ùn ùn kéo đến để “trả”…

Thêm vào đó, ở những di tích tâm linh này, vì đông khách nên việc kinh doanh trong di tích vô cùng lộn xộn. Hầu hết các hàng quán đều mang tính chất tạm bợ, chủ yếu bán đồ lễ, vàng, mã, còn các mặt hàng lưu niệm khác thì có rất ít. Tại nhiều điểm di tích, ban tổ chức các địa phương lại cho dẹp đường, san đất dựng lều rồi đấu thầu với giá cao các điểm kinh doanh, bán hàng, khiến không thể quản lý được giá cả cũng như tình trạng lộn xộn ở các khu vực kinh doanh này; du khách thập phương về dự lễ hội thường xuyên bị “chặt chém…”, khiến cho môi trường văn hóa của di tích bị vẩn đục.

Phương Lan

Bài 2: Kinh doanh trong di tích - việc cần và nên làm!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN