Kiểm tra nguồn gốc thực phẩm bằng smartphone

Ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang dần trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể biết được từng mớ rau, cân thịt… được trồng, chăn nuôi, chế biến, vận chuyển như thế nào.

 Minh bạch thông tin

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, sau hơn một năm chuẩn bị, Trung tâm đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho 350 mặt hàng của 5 cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn. Các sản phẩm này sẽ được dán tem truy xuất  nguồn gốc, bán tại các nhà phân phối như: Clever Food, BigGreen, Fivimark… 

Theo đó, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối mạng, khách hàng có thể quét mã QR code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, nơi sản xuất, phân phối, các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm, ngày sản xuất, ngày hết hạn, nguồn gốc xuất xứ, tên sản phẩm, mô tả sản phẩm, đơn vị cung cấp…. Theo ông Chí, muốn được cấp mã code thì các sản phẩm phải được chứng nhận VietGap. 

Một số sản phẩm nông sản đã được dán nhãn truy xuất nguồn gốc. Ảnh: P.V

Ứng dụng này còn giúp DN nhận được phản hồi từ phía người mua hàng, “Dự án sẽ góp phần giúp khách hàng tin tưởng hơn vào các đơn vị sản xuất thực phẩm sạch. Ngoài ra, khách hàng có thể phản hồi ý kiến về sản phẩm bằng chính điện thoại smartphone của mình, giúp nhà cung cấp nhận được các góp ý kịp thời” -Giám đốc Công ty CleveFood Hà Minh Đức cho biết.

Hiện tại, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương đầu tiên triển khai truy xuất  nguồn gốc bằng công nghệ thông tin. Tại TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai cho mặt hàng thịt lợn tại các chợ. Tại Hà Nội, 350 mặt hàng của 5 cơ sở sản xuất sẽ được dán tem truy xuất  nguồn gốc.

Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành của Hệ thống cửa hàng Thực phẩm hữu cơ Oganica cho biết: “Chúng tôi đã triển khai việc truy xuất nguồn gốc nông sản được hơn 1 năm. Công việc này giúp khách hàng biết rõ hơn nguồn gốc của sản phẩm, ví dụ mớ rau đó được reo hạt ngày nào, quá trình canh tác như thế nào, thu hoạch lúc nào, được vận chuyển từ đâu, bán ở chỗ nào…”.  

Theo bà Thảo, mặc dù trang trại của Oganica đã được châu Âu và Mỹ chứng nhận sản xuất hữu cơ an toàn, nhưng Oganica vẫn áp dụng công nghệ truy xuất  nguồn gốc bằng smartphone để tạo sự tin tưởng hơn cho khách hàng. 

Cùng quan điểm này, ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc Chuỗi cửa hàng thực phẩm Bác Tôm cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng phần mềm để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc nông sản, trước tiên sẽ làm với các sản phẩm hữu cơ, sau đó mở rổng ra các sản phẩm khác. Chi phí để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc không lớn, khoảng 15 - 20 triệu đồng, nhưng DN mất khá nhiều thời gian để tích hợp hệ thống phần mềm vào hệ thống chung của các cửa hàng”. 

Truy xuất nguồn gốc không phải là “cây đũa thần”

Mặc dù, việc minh bạch thông tin của các cơ sở sản xuất an toàn sẽ giúp người tiêu dùng biết rõ hơn về các sản phẩm. Tuy nhiên, việc thẩm định những thông tin được truy xuất hay các sản phẩm này có đảm bảo chất lượng như thông tin công bố lại chưa được kiểm chứng.

Chị Phạm Thu Dung, một người tiêu dùng ở phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội băn khoăn: “Kiểm tra thông tin sản phẩm bằng smartphone không khó. Tuy nhiên, để những thông tin này có chính xác thì phải kiểm soát chặt từ nơi sản xuất để ngăn ngừa việc trà trộn, đưa sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.

Thừa nhận những ý kiến trên, theo ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc Chuỗi cửa hàng thực phẩm Bác Tôm, việc truy xuất  nguồn gốc chỉ là phần ngọn của vấn đề. Tức là các đơn vị sản xuất thực phẩm sạch gửi thông tin, số liệu cho các công ty mã hóa các sản phẩm để đưa lên mạng. Nhưng việc các công ty sản xuất thực phẩm  như thế nào, quy trình ra sao thì lại không có ai kiểm tra. Do vậy, truy xuất nguồn gốc không phải là “cây đũa thần”. Quan trọng hơn là cần có các đơn vị độc lập, có chuyên môn giám sát quy trình sản xuất của các đơn vị sản xuất thực phẩm an toàn. 

Đồng quan điểm này, bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc chuỗi Thực phẩm hữu cơ Oganica cho rằng: “Truy xuất nguồn gốc sẽ giúp doanh nghiệp minh bạch thông tin, nhưng đây cũng chỉ là một bước trong quá trình sản xuất thực phẩm an toàn. Do vậy, cơ quan chức năng cần giám sát việc công bố thông tin mới tạo được lòng tin với người tiêu dùng”.  

Theo các cơ sở sản xuất thực phẩm sạch, những đơn vị làm ăn chân chính đều muốn minh bạch thông tin với người tiêu dùng. Truy xuất nguồn gốc sẽ giúp doanh nghiệp cung cấp mọi thông tin nhanh chóng tới khách hàng, nhưng “Thông tin này phải có sự kiểm chứng của cơ quan nhà nước. Như vậy, người tiêu dùng mới cảm thấy tin tưởng hơn với sản phẩm thực phẩm an toàn”, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty BigGreen nói.

 Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng: “Hiện nay, có nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn nhưng thiếu sự liên kết theo chuỗi giá trị. Việc các cơ sở sản xuất sản phẩm an toàn, minh bạch thông tin sẽ giúp xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm an toàn trong cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát chính sách để khuyến khích doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất an toàn, đồng thời tạo ra thị trường ổn định cho thực phẩm an toàn”. 

H.V
Dân Nga dùng smartphone kiểm tra chất lượng thực phẩm
Dân Nga dùng smartphone kiểm tra chất lượng thực phẩm

Người Nga sẽ có cơ hội kiểm tra thành phần sản phẩm đang hiện diện trên thị trường cũng như biết được về nguồn gốc thực phẩm qua chiếc điện thoại thông minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN