Kiểm soát lạm dụng máy móc y tế xã hội hóa

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng vọt chi phí khám chữa bệnh, bội chi quỹ BHYT từ đầu năm đến nay là tình trạng lạm dụng chỉ định các máy móc xã hội hóa tại nhiều cơ sở y tế. Ông Lê Văn Phúc (ảnh), Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp cho vấn đề này.

Những vấn đề nổi cộm trong việc sử dụng máy móc xã hội hóa (XHH) mà cơ quan BHXH Việt Nam đã phát hiện thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát tại bệnh viện gần đây là gì, thưa ông?


Trong quá trình kiểm tra, rà soát việc sử dụng trang thiết bị y tế tại các tỉnh, thành, BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều cơ sở y tế (không dưới 50%) chỉ ký hợp đồng mượn trang thiết bị của các công ty trúng thầu hóa chất, vật tư y tế... Để có thể được “mượn” máy như vậy, các cơ sở y tế phải cam kết thực hiện một số điều khoản ràng buộc như: Trong 1 tháng hoặc 1 quý sẽ sử dụng một lượng hóa chất hoặc bao nhiêu lượt xét nghiệm nhất định... Thậm chí, có hợp đồng còn chỉ định rõ, nếu cơ sở y tế không đảm bảo các tiêu chí ràng buộc thì đơn vị đặt máy sẽ rút máy móc về. Như vậy, vô hình chung bệnh viện sẽ sẽ phải thực hiện theo cam kết đã ký, nguy cơ người bệnh không cần nhưng vẫn phải làm xét nghiệm để bệnh viện đạt chỉ tiêu xét nghiệm, chiếu chụp là rất dễ xảy ra.

Thực tế, chúng tôi đã phát hiện nhiều cơ sở lạm dụng chỉ định các máy móc XHH. Đơn cử, kiểm tra một bệnh viện đa khoa tại tỉnh Cà Mau cho thấy bên cạnh 1 máy làm tổng phân tích tế bào máu (cho ra 18 thông số) mua từ nguồn ngân sách, thì bệnh viện này cũng đầu tư 1 máy tương tự từ nguồn XHH (cho ra kết quả 28 thông số). Đáng nói, khoảng 90% số xét nghiệm được làm trên máy XHH và chỉ vẻn vẹn 10% làm trên máy của nguồn ngân sách nhà nước (chênh nhau 10.000 đồng/phiếu xét nghiệm). Vấn đề ở chỗ, các kết quả được in ra (từ cả 2 loại máy) phục vụ công tác điều trị chỉ có 15 thông số, chứ không in đủ 28 thông số. Điều đó phản ánh, việc sử dụng thêm máy móc XHH trong trường hợp này là hoàn toàn không cần thiết, ảnh hưởng đến quỹ BHYT.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh, thanh toán BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Vậy BHXH Việt Nam đã có giải pháp gì để ngăn chặn các hành vi lạm dụng quỹ BHYT thông qua máy móc XHH, thưa ông?

Trước những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực sử dụng máy móc XHH, mới đây, Bộ Y tế cũng đã có thông báo ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ tạm dừng thanh toán BHYT nếu cơ sở y tế lắp đặt máy móc XHH thực hiện không đúng quy định. Cơ quan BHXH cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện theo tinh thần này.

Theo đó, hiện tại, BHXH Việt Nam tạm thời chưa thanh toán các dịch vụ y tế được sử dụng từ trang thiết bị y tế XHH không xây dựng đề án theo quy định và trong hợp đồng có ràng cuộc về mua hóa chất, lượt sử dụng... Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát việc chỉ định các dịch vụ y tế sử dụng máy móc XHH, từ chối thanh toán đối với những chỉ định quá mức, không phù hợp với bệnh lý thể hiện trong hồ sơ bệnh án. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, căn cứ vào các thống kê dữ liệu lịch sử, chúng tôi sẽ phân tích, làm rõ các hành vi có biểu hiện lạm dụng. Ví dụ trước đây, trong 100 lần khám chữa bệnh ngoại trú, bệnh viện chỉ chỉ định làm 30 xét nghiệm tế bào máu, vậy cần phải giải trình hợp lý tại sao năm nay số lượng chỉ định lên tới 50 xét nghiệm trong khi cơ cấu bệnh tật không đổi...

Được biết, Tổng hội Y học cũng đã thành lập đoàn công tác đánh giá việc chỉ định dịch vụ y tế tại các địa phương. Các chuyên gia sẽ lựa chọn bệnh án nội trú ngẫu nhiên; sau đó, sẽ phân tích, đánh giá với mỗi bệnh thì cần làm các loạt xét nghiệm và kê đơn thuốc ra sao, việc chỉ định các dịch vụ là cần thiết hay không... 

Kết nối liên thông hệ thống công nghệ thông tin về giám định BHYT liên ngành y tế - BHXH, cập nhật dữ liệu khám chữa bệnh công khai, minh bạch, được đánh giá là một giải pháp chính trong chống lạm dụng quỹ BHYT, lạm dụng các chỉ định xét nghiệm... Vậy đến nay, tỷ lệ bệnh viện kết nối thông tin với BHXH là bao nhiêu, thưa ông?

Hầu hết các bệnh viện đã thực hiện kết nối thông tin về giám định BHYT nhưng việc đưa thông tin lên cổng thông tin còn nhiều khó khăn, nhất là danh mục dùng chung chưa hoàn thiện. Do đó, hiện chỉ có khoảng hơn 30% số bệnh viện thực hiện được việc chuyển dữ liệu lên cổng thông tin.

Tuy nhiên, ngày 1/1/2017 sẽ là hạn chót để các cơ sở y tế thực hiện kết nối liên thông hệ thống công nghệ thông tin về giám định BHYT; nếu không, như chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan BHXH Việt Nam sẽ thực hiện việc tạm dừng thanh toán BHYT với cơ sở y tế đó.

Xin cảm ơn ông!

9 tháng đầu năm 2016, Quỹ khám chữa bệnh BHYT đã chi 49.300 tỷ đồng, đang âm 3.532 tỷ đồng; tuy nhiên con số này vẫn nằm trong phạm vi dự toán được giao. Nguyên nhân cơ bản gia tăng đột biến chi phí khám chữa bệnh BHYT gồm: Tăng số người tham gia BHYT; điều chỉnh giá dịch vụ y tế; thực hiện thông tuyến đối với các bệnh viện tuyến huyện và các nguyên nhân khác như sử dụng thuốc bất hợp lý, lạm dụng chỉ định máy móc XHH...


Phương Liên (thực hiện)
Muôn cách lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế
Muôn cách lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2016, quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) tại 37 tỉnh, thành phố đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng; trong đó, một phần nguyên nhân là do gia tăng tình trạng lạm dụng BHYT.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN