Không hiện đại hóa di sản

Quá trình trùng tu tôn tạo, quy hoạch di sản trong những năm qua bên cạnh những thành tựu đã đạt được cũng gây ra nhiều hệ lụy, tác động trái chiều. Đặc biệt là xu hướng làm cho di sản "hoành tráng" hơn, sáng tạo, "chế tác", hay sân khấu hóa di sản văn hóa truyền thống hiện nay đã tác động trực tiếp, góp phần hủy hoại, làm sai lệch bản chất di sản, nhất là với di sản phi vật thể.

“Sáng tạo” và “tận thu” di sản

Trong quá trình bảo tồn di sản bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể đã và đang xảy ra tình trạng làm “biến dạng” hoặc “sáng tạo” di sản gây ra rất nhiều tranh cãi trong dư luận. Xu hướng “hiện đại hóa di sản” đã trở thành nguyên nhân chính gây ra rất nhiều những hiện tượng trong bảo tồn di sản hiện nay.

“Sân khấu hóa” di sản

Một thực tế hiện nay là nhiều di sản vật thể đang dần mất đi nét nguyên bản trong quá trình trùng tu, tôn tạo, còn di sản phi vật thể đang bị sân khấu hóa… khiến di sản ngày càng mất đi nét nguyên gốc. Quan điểm bảo tồn chọn lọc và "sáng tạo truyền thống", sân khấu hóa nhiều loại hình di sản văn hóa đã tạo ra những rào cản không mong đợi trong công tác bảo tồn. Tại nhiều lễ hội, việc tham sự của đại diện chính quyền trong lễ dâng hương, bổ sung các hoạt động văn hóa văn nghệ đã làm thay đổi diện mạo, cấu trúc lễ hội.

Cửa Chính Tây (Huế) sau khi đã được trùng tu.


Phương thức “sân khấu hóa” thể hiện rõ nhất ở lễ hội Đền Hùng. Trước đây, lễ rước được tổ chức bởi các làng Cổ Tích, Vi, Trẹo. Sau khi trở thành quốc lễ, thủ tục dâng hương được thực hiện theo kịch bản của ngành văn hóa, có nội dung mới với kịch bản từng chi tiết. Nhiều sáng tạo trong kịch bản được bổ sung vào không gian văn hóa thờ cúng Hùng Vương, làm thay đổi diện mạo và cấu trúc lễ hội địa phương.

Hội Gióng đã được công nhận bằng Di sản của UNESCO nhưng trước và sau thời điểm nhận bằng Di sản lại không trùng thời gian mở hội truyền thống nên người tham gia hội phải “diễn”. Và những lần diễn không đúng dịp hội làng đó, người dân sẽ được trả tiền. Theo đánh giá của các nhà khoa học, tình trạng “sân khấu hóa”, trả tiền cho người dân "diễn hội" phục vụ các sự kiện có mục đích khác đã tạo ra tâm lý làm thuê, thụ động, trái ngược với sự tự nguyện, vốn có trong thực hành lễ hội truyền thống...

Bên cạnh đó, “hội chứng kỷ lục” cũng góp phần làm suy giảm giá trị của các di sản vật thể cũng như phi vật thể. Nhìn từ nhiều sự kiện những năm gần đây có thể thấy chúng ta đang mắc phải “hội chứng kỷ lục”. Nghĩa là với bất kỳ loại di sản nào,tổ chức sự kiện văn hóa nào cũng hướng đến những kỷ lục. Điều này làm cho di sản mất đi giá trị vốn “tĩnh” của nó.

Đơn giản như việc hơn 3.500 liền anh, liền chị tham gia xác lập kỷ lục “Nhiều người mặc trang phục Quan họ và cùng hát dân ca Quan họ Bắc Ninh nhất”. Trong khi người ta thích đến với Hội Lim vì muốn được đắm mình trong cái cảm giác ngọt ngào của những câu hát giao duyên, chiêm ngưỡng những liền anh liền chị tìm đến nhau trong ngày hội hẹn hò thì lại phải chứng kiến một “dàn hợp xướng” hát theo kiểu “trình diễn” cho mọi người xem như bất cứ chương trình văn nghệ nào.

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình: “Người ta nghe quan họ thì phải nghe một cách nhuần nhụy có chiều sâu và tự nhiên như chính bản thân nó chứ không phải tổ chức “hát chợ” như vậy”, nó đã làm méo mó loại hình di sản này”.

Không riêng gì kỷ lục trong Hội Lim vừa qua, các loại kỷ lục được xác lập gần đây như “Bánh chưng to kỷ lục” trong Lễ hội Đền Hùng, rồi ở khu quần thể chùa Bái Đính mới xây dựng còn có tượng Phật to nhất, chuông đồng lớn nhất,... Những cái kỷ lục, những cái “nhất” đang dần dần trở thành mục tiêu phấn đấu của những người thực thi và quản lý di sản. Điều này ngẫu nhiên biến việc bảo tồn di sản trở thành một cuộc chạy đua thành tích và cũng không thiếu những trò giật gân để câu khách.

Nguy cơ thương mại hóa

GS.KTS Hoàng Đạo Kính:
Lựa chọn một chiến lược duy trì và trùng tu phù hợp cho di sản văn hóa vật thể của Việt Nam

“Có những người cho rằng phải mang lại bản sắc dân tộc cho di tích trong trùng tu, trong khi đó bản thân di sản văn hóa đã chứa đựng bản sắc, phản ánh bản sắc. Hãy xây dựng những cái mới của thời đại mới có bản sắc. giữ gìn lại cho di sản tính nguyên gốc, tức là góp phần duy trì bản sắc dân tộc rồi”.

Ông Nguyễn Khắc Khẩn, Ban Quản lý di tích lịch sử Phủ Đổng:
UNESCO chỉ là người vinh danh


“Một số người trong cộng đồng đã thông hiểu rằng Hội Gióng được UNESCO công nhận vì nó là di sản văn hóa có giá trị cần được bảo vệ nhằm nâng cao nhận thức về di sản. UNESCO chỉ là tổ chức vinh danh, còn việc bảo tồn di sản phải là trách nhiệm của người Việt Nam, nhân dân thấy nó giá trị thì cần phải bảo tồn, phát huy, duy trì và trao truyền.
 
GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, chủ tịch Hội di sản Việt Nam:
Cần giữ nét nguyên mẫu trong bảo tồn di sản


Cần phân biệt rạch ròi sự khác biệt về nguyên tắc và bản chất giữa hoạt động bảo tồn di tích với việc dựng mới một công trình tín ngưỡng tôn giáo theo hình thức kiến trúc truyền thống (hình như đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, chùa Bái Đính ở Ninh Bình). Nếu bảo tồn di tích mà biến “chùa Nôm không còn của làng Nôm”, biến “di tích thành công viên”, “ tu bổ tháp Chăm thành…vườn hoa” thì liệu còn di sản nữa hay không? Nên nhớ rằng khi tu bổ, tôn tạo hoặc xây dựng công trình tín ngưỡng tôn giáo, các “trí thức”, những người thợ giỏi của làng, xã xưa kia đều có trình độ, tư duy “khuôn vàng thước ngọc” truyền từ đời này qua đời khác, vì họ sống trong tâm thức của thời đại đó.

Hầu hết ở những nơi có sự hiện diện của các loại hình di sản đang trở thành đất kinh doanh của ngành du lịch. Đến một khu di tích bất kỳ, cái đập vào mắt du khách đầu tiên lại là các dịch vụ buôn bán, từ đồ ăn, uống cho tới các đồ kỷ niệm được bày bán một cách tràn lan ở bất cứ chỗ nào có thể trong khu di tích đó. Nhiều khi nó còn gây phản cảm khi các dịch vụ du lịch át hết vẻ đẹp vốn có của di sản.

Hát quan họ tại Hội Lim.

Trong khâu tổ chức, nhiều lễ hội đua nhau tổ chức đấu thầu các điểm bán hàng, kinh doanh dịch vụ, dẫn đến chủ hàng đẩy giá cả lên để thu lợi nhuận và ban tổ chức không thể kiểm soát được giá cả ở hầu hết các lễ hội lớn; cho tới việc tràn lan các ban thờ, hòm công đức, đĩa đặt tiền, thậm chí một gốc cây với vài nén nhang cũng đặt hòm công đức, dẫn đến việc đặt tiền vung vãi, gây phản cảm đã làm xấu đi phần nào hình ảnh lễ hội truyền thống. Tất nhiên việc làm công đức hay bán vé vào thăm di tích, di sản là việc phải làm và lấy nguồn đó để trùng tu, tôn tạo và làm phí bảo tồn cho di tích. Tuy nhiên thu tiền tùy tiện như vậy nhiều khi gây phản cảm và ấn tượng không tốt, nhất là với khách du lịch nước ngoài.

Xuất phát từ xu hướng “thương mại hóa di sản”, và sự tận thu từ những điểm di sản với khách du lịch, một số di sản sẽ có cơ hội để bảo tồn, xây dựng. Tuy nhiên có ý kiến chuyên gia nhận định: “Văn hóa không có sự phân biệt cao - thấp, chỉ có sự khác biệt”. Việc chạy theo lợi nhuận và những dịch vụ hái ra tiền từ việc tận thu trong các dịp lễ hội phục vụ khách du lịch tới tham quan di tích… như hiện nay đã tạo nên một sự so sánh tương đối giữa các loại hình di sản đang có. Nói cách khác việc bảo tồn di sản văn hóa (chủ yếu là di sản văn hóa vật thể) chỉ được đề cập đến khi các di sản này đem lại lợi ích kinh tế phục vụ du lịch.

Một người Mỹ hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khi đến thăm Việt Nam đã nhận xét rằng: “Nếu du lịch phát triển hay thương mại hóa quá mức có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của các giá trị di sản. Vì vậy, nên khuếch trương giá trị văn hóa hơn là bày bán các sản phẩm cho du khách”. Nhận xét trên rất đáng suy nghĩ trong bối cảnh xu hướng “ thương mại hóa di sản” đang diễn ra mạnh mẽ như ở Việt Nam hiện nay.

Giải pháp bảo tồn di sản


Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản luôn là một bài toán khó, ranh giới giữa bảo tồn và phá hoại di sản khá mong manh. Vì vậy, để công tác bảo tồn di sản văn hóa đạt được hiệu quả, đặc biệt trong quá trình hiện đại hóa, các nhà khoa học đã nhấn mạnh nguyên tắc đảm bảo sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn di sản theo công ước 2003 của UNESCO: “Không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng”.

Sự tham gia chủ động của người dân trong việc thực hành và truyền dạy di sản văn hóa tại các di sản như Hội Gióng ở đền Phù Đổng, cồng chiêng của người Lạch ở Lạc Dương…đã đem lại những ‘thực hành tốt” trong việc bảo tồn di sản văn hóa. “Sự tham gia chủ động và có hiểu biết sâu sắc về di sản của người dân trong việc thực hành, truyền dạy và bảo vệ di sản văn hóa là chìa khóa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa”- ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhận định.

Cùng với đó, cần đầy mạnh sự quản lý của nhà nước. Thực tế công tác bảo tồn di sản ở nước ta đang tồn tại nghịch lý. Trong khi cơ quan văn hóa hầu như là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm bảo tồn di sản thì tiếng nói của cơ quan này lại không được coi trọng trong các lĩnh vực quy hoạch và phát triển kinh tế, xã hội. Điều này dẫn đến sự suy giảm và biến mất của nhiều di sản. Khi di sản văn hóa không đem lại giá trị kinh tế thì dễ có nguy cơ bị loại bỏ hoặc thay đổi chức năng sử dụng. Bởi vậy, cần có những cơ chế đảm bảo quyền hạn và trách nhiệm của các ban, ngành liên quan, đặc biệt là ngành văn hóa trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển.

Ngoài ra, một điểm cần nhấn mạnh trong việc cân bằng bảo tồn di sản và hiện đại hoá là quan điểm bảo tồn có chọn lọc. Cần có chủ trương bảo tồn, trùng tu tôn tạo, phục hồi và phát huy đối với tất cả các di sản văn hóa để đảm bảo tính đa dạng văn hóa của các cộng đồng khác nhau trong quốc gia. Sự bình đẳng trong việc đánh giá và nhìn nhận di sản văn hóa khác nhau sẽ khuyến khích sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa và tránh được tâm lý tự định kiến về các giá trị di sản văn hóa của chính cộng đồng.

Tạ Nguyên- Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN