Không chủ quan trong phòng dịch gia súc, gia cầm

Dịch cúm gia cầm thời gian qua không lây lan rộng mà chỉ là những ổ dịch nhỏ lẻ. Dịch tai xanh và lở mồm long móng được khống chế kịp thời. Tuy nhiên, điều đáng lo là vẫn còn tâm lý chủ quan, coi thường dịch của một số địa phương.

Tạm thời khống chế dịch

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo về dịch cúm gia cầm chiều 13/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Diệp Kỉnh Tần cho biết: Dịch cúm gia cầm thời gian qua diễn ra chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Từ đầu năm đến nay, cúm gia cầm xảy ra ở 59 xã, phường của 42 quận, huyện thuộc 14 tỉnh, thành phố và tiêu hủy trên 66.000 con gia cầm. Do trời rét đậm kéo dài, mưa phùn và độ ẩm cao, chỉ trong vòng 1 tháng đã xảy ra gần 60 ổ dịch.

Tuy nhiên, tin mừng là hiện nay, cả nước chỉ còn 4 tỉnh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, gồm: Quảng Trị, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Hải Dương. Tại các địa phương này, dịch xuất hiện dưới dạng những ổ dịch lẻ tẻ, mỗi tỉnh có 1 - 2 hộ chăn nuôi có dịch và các ổ dịch đã được địa phương phát hiện sớm, xử lý kịp thời nên chưa có dấu hiệu lây lan.

Nhân viên thú y tiêm vắcxin phòng dịch bệnh cho đàn gia cầm giống bố mẹ của một hộ ở xã Cao Xá, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng (LMLM) cũng đang trong tầm kiểm soát. Hiện nay, cả nước còn 3 tỉnh có dịch LMLM chưa qua 21 ngày, gồm: Hà Giang, Nam Định và Hà Nam. Theo Bộ NN&PTNT, dịch này đang tạm thời được các địa phương kiểm soát và khống chế không cho lây lan rộng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, thời tiết đang ấm dần lên, dịch LMLM và dịch tai xanh vẫn không thể xem thường. Các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên là những tỉnh có nguy cơ cao phát sinh dịch. Còn đối với dịch tai xanh, mặc dù hiện nay chỉ còn tỉnh Lào Cai là có ổ dịch chưa qua 21 ngày và vẫn đang tiếp tục được khống chế nhưng tháng 3 và tháng 4 sắp tới là thời điểm chứa nhiều nguy cơ dễ phát sinh dịch, đặc biệt là tại các tỉnh miền Bắc.

Tăng cường thông tin và kiểm soát

Lo đủ vắcxin cho tiêm phòng Lượng vắcxin để tiêm phòng dịch cúm gia cầm hiện nay vẫn còn dư 3 triệu liều, đảm bảo cho nhu cầu của các địa phương. Còn vắcxin tai xanh hiện nay cả nước chỉ còn chưa tới 200.000 liều. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần yêu cầu: phải có biện pháp nhanh chóng để dự trữ cho được 500.000 liều vắcxin cho cả nước và “500.000 liều vẫn là lượng rất mỏng”.

Mặc dù dịch cúm gia cầm chỉ xảy ra lẻ tẻ nhưng đáng ngại là thái độ và tâm lý chủ quan của người dân.

Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Vẫn còn hiện tượng người chăn nuôi vứt xác gia cầm trôi nổi trên sông”. Còn bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: “tại nhiều địa phương mà đoàn kiểm tra tới làm việc, vẫn có chuyện người nông dân bán gia cầm bị dịch cho thương lái với giá 50.000 đồng/con”.

Trước tình hình đó, đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia khuyến cáo: “Việc tăng cường tiêu độc khử trùng, khoanh vùng dịch và truyền thông cho người dân vẫn là giải pháp tối ưu để ứng phó với dịch cúm gia cầm. Đặc biệt, cần thông tin về chính sách hỗ trợ để người dân tự nguyện báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm nhà mình”.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT lưu ý với bệnh LMLM thì công tác chống dịch thời gian tới cần chú trọng vào việc giám sát chủ động trên địa bàn, phát hiện kịp thời ổ dịch khi mới xuất hiện để xử lý triệt để. Cần tiếp tục tiêm phòng vắcxin LMLM đợt I/2012; các địa phương không thuộc vùng khống chế và vùng đệm của chương trình quốc gia thì cần yêu cầu tiêm phòng tại các ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ cao.

Còn đối với bệnh lợn tai xanh, Bộ NN&PTNT khuyến cáo tăng cường kiểm tra phát hiện sớm, khi có dịch cần quyết liệt áp dụng các biện pháp: tiêu hủy lợn bệnh, công bố dịch, tổ chức tiêu độc khử trùng, sử dụng vắcxin tai xanh dự phòng để bao vây ổ dịch...

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN