Hiện nay, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đã hình thành mạng lưới tại các tỉnh thành, tuy nhiên việc kết nối việc làm mới tập trung tại một số thành phố lớn. Trong khi đó, tại các tỉnh thành, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm mới chỉ dừng lại chi trả bảo hiểm thất nghiệp, nên chưa phát huy việc kết nối việc làm trên thị trường lao động.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo: Việc ứng dụng xây dựng hệ thống công nghệ thông tin việc làm qua việc kết nối Cổng thông tin việc làm quốc gia đã có định hình. Tuy nhiên, so với kỳ vọng vẫn chưa đáp ứng thực tế. Qua dữ liệu trên Cổng cho thấy, mới có khoảng 40.000 doanh nghiệp tham gia (tổng số doanh nghiệp cả nước là 600.000 doanh nghiệp), số lao động đăng nhập dữ liệu chỉ có 17.000.
Còn theo bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế - lao động của ILO, Việt Nam vừa hoàn tất thủ tục gia nhập Công ước số 88 về Tổ chức Dịch vụ Việc làm của ILO, đây là bước tiến quan trọng trong phát triển thị trường lao động. Hoạt động dịch vụ việc làm chuyên nghiệp, minh bạch sẽ thúc đẩy sự phát triển, hội nhập và sử dụng lực lượng lao động hiệu quả.
“Công nghiệp hóa, hội nhập vào các thị trường khu vực và toàn cầu, cộng với đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên, đang biến thị trường lao động trở thành nơi mà cơ hội việc làm, yêu cầu về trình độ và kỹ năng trở nên chính thức hơn. Theo đó, Việt Nam sớm áp dụng các phương thức kết nối giữa công việc tuyển dụng với người tìm việc hiệu quả và dễ tiếp cận hơn”, bà Valentina Barcucci cho biết.
Dịch vụ việc làm có thể cung cấp một thông tin thị trường lao động thông qua dữ liệu hành chính từ hồ sơ của người tìm việc, nghề nghiệp theo yêu cầu của người sử dụng lao động và yêu cầu về kỹ năng, thời gian tìm việc theo hồ sơ của người tìm việc, những vị trí khó tuyển nhân sự và những thông tin khác nữa. “Những dữ liệu thông tin này sẽ giúp định hướng chính sách trong đào tạo nghề, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động. Tuy nhiên những dữ liệu này tại thị trường lao động Việt Nam đang rất thiếu”, đại diện ILO nhận xét.
Với việc gia nhập Công ước số 88, ILO cam kết sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động hoàn thiện dữ liệu, xây dựng chính sách phù hợp.