Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 2, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên địa bàn một số tỉnh phía Bắc có mưa lớn trên diện rộng, làm ngập úng nhiều tuyến đường, gây hư hỏng hoa màu. Hiện các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão, ổn định đời sống người dân.

Phú Thọ: Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nước dồn về các sông, suối nhanh, chảy xiết, vượt qua đập tràn; một số xã và các khu dân cư lẻ bị tạm thời cô lập. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ cũng đã ra lệnh báo động số II cho các huyện: Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê.

Nước lũ dâng cao vượt khỏi đập tràn tại Phú Thọ. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN.

Tại huyện vùng cao Tân Sơn, một số xã có đập như: Xuân Sơn, Kim Thượng, Kiệt Sơn, Lai Đồng, Tam Thanh, Vinh Tiền và một số khu lẻ của các xã khác tạm thời bị cô lập. Từ 12 giờ ngày 17/7 đến 20 giờ cùng ngày, nước lũ vẫn có chiều hướng dâng cao. Hiện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện và các xã đã bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ tại các ngầm, tràn và nghiêm cấm người dân qua lại. Mưa, lũ cũng làm gần 300 ha lúa và hoa màu bị ngập, đổ; 2,2 ha ao thủy sản bị tràn, trong đó, thiệt hại nặng nhất là các huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì.

Công ty TNHH Một thành viên và khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ chủ động vận hành các trạm bơm tiêu, đảm bảo tiêu úng kịp thời để bảo vệ sản xuất; tăng cường tuần tra, canh gác, phát hiện mọi sự cố, hư hỏng của đê, kè, cống và có biện pháp xử lý kịp thời; huy động lực lượng tổ chức đóng mở kịp thời các cống dưới đê, sử dụng mọi biện pháp để tiêu thoát nước nội đồng, tiêu úng cho lúa và hoa màu, đồng thời, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh…

Đập tràn Đống Cả, khu Đống Cả, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn được đặt biển cảnh báo nguy hiểm. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN.


Lực lượng phòng chống lụt bão huyện Tân Sơn ra vớt rác để khơi thông cống ngầm. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN.

Hòa Bình: Theo tin nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên phạm vi toàn tỉnh Hòa Bình đồng loạt có mưa vừa, mưa to đến rất to. Mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã gây ngập úng nhiều tuyến đường giao thông Quốc lộ và đường 229 do Sở Giao thông Vận tải quản lý vẫn bị ngập sâu, các phương tiện chưa lưu thông được. Nhiều tuyến đường bị bong tróc, xói lở.

Ngoài ra, tại huyện Cao Phong, diện tích mía trắng, lúa bị ngập úng 40 ha; công trình Bãi thu gom rác thải thị trấn hiện bị nghiêng, có nguy cơ đổ khoảng 50m; cầu bê tông xóm Bưng 3 đi xóm Bưng 4 bị sạt lở 1 mố cầu; sạt lở 25 đường bê tông xóm Nam Thái, xã Nam Phong, khối lượng sạt ước khoảng hơn 20 m3; 1 hộ dân bị nước tràn vào nhà do tắc cống và đã được xử lý thoát nước.

Tại huyện Kỳ Sơn, mưa lớn đã làm sạt kè khu 5, thị trấn Kỳ Sơn với khối lượng 250m3 và tiếp tục có nguy cơ sạt lở; cầu ngòi Mới tại điểm tiếp giáp đê Cây Thị, thuộc tuyến đê bao Phú Cường, xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn bị sạt lở khoảng 43m3 có nguy cơ gây mất an toàn cho cầu và các hộ dân sống quanh đê. Hiện, UBND huyện Kỳ Sơn đã di dời dân đến nơi an toàn và cử người trực 24/24 giờ. Tại huyện Tân Lạc, 7 nhà dân bị sạt lở nền và trượt đất gây xiêu vẹo nhà; diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, lũ quét khoảng 400ha; 57 ao cá bị vỡ, tràn bờ thất thoát khoảng 20 tấn cá; sạt lở hơn 30 điểm đường liên xã, xóm.

Để đảm bảo cho các phương tiện và người dân lưu thông trên các tuyến đường ngập úng và vị trí sát lở taluy dương, Sở Giao thông vận tải và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ huy động máy móc, thiết bị, nhân lực dọn nơi sụt lở đất đá; các vị trí ngầm, suối ngập đã được rào chắn, cắm biển cảnh báo, cử người trực gác không cho người và phương tiện qua lại.

Hiện tại, các địa phương bị ảnh hưởng do mưa bão vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê xác định mức độ thiệt hại; đồng thời, chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa bão số 2 và cảnh báo nguy cơ sạt lở đất sẽ còn xảy ra, nhất là đối với những địa hình đồi dốc.

Lào Cai: Ảnh hưởng của bão số 2, từ đêm ngày 16 đến 19 giờ ngày 17/7, mưa lớn kéo dài làm sạt lở ngập úng nhiều tuyến đường giao thông quan trọng của Lào Cai, trong đó huyện Sa Pa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ngày 17/7/, UBND huyện Sa Pa đã tiến hành họp và chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được phân công và trực chỉ huy 24/24h. Huyện thành lập 4 đoàn công tác do các đồng chí thành viên UBND huyện làm Trưởng đoàn cùng các thành viên Ban Chỉ đạo huyện đi kiểm tra thực tế tại các xã trên địa bàn huyện, kiểm tra và nắm bắt tình hình phòng chống nguy cơ sạt lở và thiệt hại do mưa bão gây ra.

Người dân thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai thu dọn đồ đạc sau khi lũ rút. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Theo ông Lê Tân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, các cơ quan chức năng đã khẩn trương đưa người bị thương đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe và sơ cứu kịp thời, đồng thời tổ chức di dời khẩn cấp người và tài sản tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, khắc phục thông đường tuyến đối với các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông trên địa bàn huyện Sa Pa.

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Sa Pa đến 19 giờ ngày 17/7, mưa lớn gây ra sạt ta luy dương làm 1 người bị thương nhẹ, sạt lở đất ảnh hưởng đến 3 nhà dân (tại thị trấn Sa Pa và xã Sa Pả ); 11 điểm giao thông bị sụt sạt; đường DH 92 thuộc địa phận xã San Sả Hồ mưa lớn gây khoét sâu hàm ếch dài khoảng 30m; sâu từ 1-1,5m. Ngoài ra mưa lớn làm sói lở mặt đường nhựa và rãnh thoát nước tại một số nơi trên địa bàn huyện và sạt sụt 30m kè đá của hộ dân, 50 m kênh mương bị sạt lở gây gẫy, bồi lấp 400m2 ruộng lúa (xã Sa Pả, San Sả Hồ), 250m2 diện tích trồng ngô (xã San Sả Hồ), hư hỏng 80 chậu Hoa địa lan Kiếm Hồng Hoàng...

Ngoài huyện Sa Pa với lượng mưa 61mm, từ 19 giờ chiều 16/7 đến ngày 17/7 có một số điểm mưa to, mưa vừa, mưa nhỏ. Bát Xát là huyện có lượng mưa lớn nhất với thiệt hại không nhỏ về hạ tầng giao thông. Hiện nay Bát Xát còn 1 số điểm ách tắc giao thông nghiêm trọng đang xử lý. Tại huyện Bảo Yên, đường tỉnh 160 tuyến Phố Ràng đi Xuân Hòa cách Phố Ràng 1 km, đang xử lý bằng nổ mìn dự kiến đêm nay thông xe.

Yên Bái: Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết: Tính đến 19 giờ ngày17/7, mưa lũ đã làm 23 ngôi nhà tại các huyện Văn Yên và Văn Chấn bị thiệt hại và một người bị lũ cuốn trôi. Trong đó có 3 ngôi nhà bị sập đổ, sạt lở đất và 20 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp do nguy cơ ngập lụt.

Mưa lớn cũng làm hệ thống đường giao thông bị ảnh hưởng. Cụ thể, tại Km 266+900 và Km 267+230 (Quốc lộ 32), đường từ Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải đã xảy ra đá rơi làm tắc đường; tại Km 271+600 (Quốc lộ 32) sạt ta luy dương dài 26 m; Đường tỉnh 166 (Âu Lâu - Đông An) khu vực Ngầm Tràn Km 21+650 và Km 25 +100 bị ngập đường dài 30m, sâu 2,5m và đường tỉnh lộ 174 (Văn Chấn - Trạm Tấu) tại khu vực Ngầm tràn Km 5 +800 nước dâng cao 1 m gây tắc đường.

Vào 14 giờ cùng ngày, chị Hờ Thị Chi, 1982, thôn Khe Kẹn, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn trên đường đi làm đã bị lũ cuốn trôi, đến 19 giờ tối vẫn chưa tìm thấy. Ước tính thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra khoảng 200 triệu đồng.

Hiện tại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã bị thiệt hại đã trực tiếp xuống cơ sở thăm hỏi động viên, hỗ trợ kinh phí gia đình có người bị nạn. Huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục thiệt hại để đảm bảo, ổn định đời sống cho nhân dân. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái chỉ đạo đơn vị quản lý giao thông khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông; phối hợp với chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo khu vực đường bị ngập, phân luồng giao thông, cảnh báo cho người dân.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cũng cảnh báo: Lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các khu vực trong tỉnh, đặc biệt khu vực vùng đồi núi cao, triền dốc lớn phía tây huyện Văn Yên, huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn… Do vậy tỉnh Yên Bái đã yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa, lũ để chủ động phòng, tránh, khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, thống kê tổng hợp tình hình thiệt hại, báo cáo kịp thời về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

TTXVN/Tin Tức
Nhiều địa phương bị ngập nặng sau bão số 2
Nhiều địa phương bị ngập nặng sau bão số 2

Tại các tỉnh như Yên Bái, Thanh Hóa, Hưng Yên đã xảy ra mưa lớn gây sạt lở và ngập úng, làm ách tắc một số tuyến đường giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN