Kết nối các cơ sở ươm tạo công nghệ

Tại cuộc tọa đàm về hoạt động ươm tạo công nghệ do Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (PTTT&DNKHCN) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm Văn Diễn, Cục trưởng Cục PTTT&DNKHCN cho biết, tính đến thời điểm này, Việt Nam có 47 cơ sở ươm tạo công nghệ. Tuy vậy, hầu hết các đơn vị này vẫn còn đang trong giai đoạn đầu phát triển, chỉ một vài đơn vị bắt đầu có hoạt động hiệu quả.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ hợp giáo dục Topica, Ủy viên Ban chỉ đạo Mạng lưới vườn ươm tạo doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (APIN), tiến trình phát triển vườn ươm công nghệ tại Việt Nam đang ở giai đoạn đầu trong khi trên thế giới trải qua 3 thế hệ vườn ươm. Hiện nay, các vườn ươm tại Việt Nam đang hoạt động riêng lẻ, mỗi doanh nghiệp phải tự tạo nguồn lực để tồn tại và phát triển nên hiệu quả không cao. Thêm vào đó, doanh nghiệp vẫn chưa liên kết để có được những nguồn lực từ sự hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước cho các lĩnh vực, đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp, tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ marketing, phát triển thị trường...

PGS.Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị BK Holding, một doanh nghiệp trực thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, phong trào vườn ươm tại Việt Nam đang thiếu một chương trình hoạt động mang tính quốc gia. Chương trình này phải nhằm mục đích nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của ươm tạo công nghệ, từ đó cải thiện chất lượng nghiên cứu KH&CN; giúp tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp sau ươm tạo cao hơn đồng thời tạo ra việc làm cho sinh viên lập nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách.

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp, TS.Lê Đăng Doanh: Phát triển vườn ươm tạo công nghệ phải gắn với quá trình tái cấu trúc kinh tế Việt Nam hiện nay và phải được đưa lên thành chủ trương lớn, chiếm vị trí then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng cần xây dựng một dự án tái cơ cấu KH&CN nước nhà.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, KH&CN phải được coi là “cứu cánh” cho sự phát triển kinh tế - xã hội. KH&CN không chỉ tập trung cho các lĩnh vực công nghiệp như: Năng lượng, khoảng sản... mà phải chuyển hướng mạnh sang lĩnh vực phát triển nông thôn. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần liên kết, hợp tác với nhau nhằm cắt giảm chi phí, tăng nguồn lợi và tạo sức cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định, để KH&CN phục vụ lợi ích phát triển kinh tế - xã hội thì phải “mở đường” cho doanh nghiệp KH&CN. Hiện nay, Bộ đang xây dựng hình thành một Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN nhằm đào tạo kiến thức quản trị và phát triển doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ, kết nối giữa các vườn ươm trên cả nước.

Thu Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN