Kế sách của sinh viên trong thời bão giá

“Các bạn ơi ghé mua giùm mình đi, kẹp tóc vừa rẻ vừa đẹp nè...”, Phạm Thị Linh Chi, sinh viên đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM tươi cười mời chào khách ghé mắt đến "chiếu" hàng đơn sơ của mình.


Ngồi trên ghế nhựa, cạnh chiếc nệm màu xanh trải bên lề đường làng đại học Thủ Đức (TP HCM), Linh Chi và cô bạn chung phòng cho biết, với số vốn khoảng một triệu đồng được trích ra từ chính tiền gia đình gửi hàng tháng, các bạn bàn nhau mở một gian hàng nhỏ chuyên bán các loại dây cột tóc, móc điện thoại, khẩu trang…với giá bình dân từ 1.000 đến 10.000 đồng một chiếc, chủ yếu bán cho sinh viên.


Linh Chi. Ảnh: Bằng Hữu.


"Chiếu hàng" của Linh Chi bày ở ven đường làng đại học Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Bằng Hữu




“Bọn mình chọn mặt hàng này vì ở đây có rất đông sinh viên nữ nên nhu cầu rất lớn, với lại vốn liếng cũng không nhiều. Vậy mà lắm khi hàng ế ẩm, bọn mình chỉ bán với giá gốc mong lấy lại vốn”, nữ sinh có khuôn mặt tròn trịa, nước da ngăm đen kể. Trước đây cô từng đi làm thêm ở công ty làm kẹo bánh, tuy thu nhập nhiều hơn nhưng ngày phải làm đủ 8 tiếng, mệt và nhất là không có thời gian cho việc học tập. Từ khi chuyển sang kinh doanh thì thu nhập có ít hơn một chút, nhưng đổi lại Chi chủ động được thời gian làm việc của mình.

Ngày nào cũng vậy, cứ 19h tối Chi và cô bạn lại bày hàng ra bán, đến 21h thì gom đồ trở về phòng trọ. Mỗi buổi như vậy nếu gặp khách cũng bán được vài chục cái, một bạn lời được 12.000 đến 15.000 đồng. Nhưng cũng có hôm trời mưa, cố gắng ngồi cả buổi mà không bán được cái nào, rồi hàng tồn động mà tiền ăn không còn, hai bạn lại chạy vạy mượn bạn bè, đắp chỗ này bù chỗ kia. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng các cô gái vẫn quyết tâm bám trụ với công việc vừa việc học hỏi những kinh ngiệm, vừa để kiếm thêm tiền xoay sở phí sinh hoạt.


“Tiền phòng trọ đầu năm có 600.000 đồng giờ tăng lên 750.000 đồng, rồi tiền điện, nước cũng tăng, thức ăn đắt đỏ. Hồi trước đi chợ chỉ 35.000 đến 40.000 đồng có thể mua thức ăn đủ cho 3 người ăn trong một ngày, nhưng giờ phải tới 50.000 đồng, rồi tiền mua sách vở giáo trình học nữa, nếu không đi làm thêm chỉ dựa vào số tiền hàng tháng ba mẹ gửi lên thì rất khó mà xoay sở”, cô bạn cùng phòng với Linh Chi thở dài tiếp lời.


Hiện Linh Chi và các bạn trong phòng một mặt lo kiếm tiền thêm, một mặt lên kế hoạch tiết kiệm chi tiêu bằng mọi cách. Hàng ngày các nữ sinh này thường tập kết quần áo giặt đồ chung một lần, vì như vậy sẽ đỡ tốn nước, còn nước sau khi giặt đồ không đổ đi mà tận dụng để dội nhà vệ sinh. Mỗi tháng nhóm chỉ đi “shopping” một lần để mua mắm muối, đường, bột giặt…và tranh thủ sắm luôn một thùng mì tôm để ăn sáng. Mỗi buổi sáng thay vì ăn ổ bánh mì phải tốn từ 8.000 đến 10.000 đồng thì chỉ cần pha một gói mì chừng 3.000 đồng cũng xong.


Với “thành quả lao động” là hơn chục vai diễn trong tay, Nguyễn Mạnh Dũng (sinh viên đại học Kinh tế Luật TP HCM)
cũng có nhiều điều đáng để “tự hào” khi nói về công việc làm thêm của mình. Trong bộ trang phục thủy quái chuẩn bị cho một vai diễn trong vở “truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh” của khu du lịch Suối Tiên, Dũng tâm sự: “Đây là một công việc khá thú vị, mặc dù hơi tốn thời gian". Mỗi buổi Dũng làm từ khoảng 9h đến 13h thì được trả 45.000 đồng cộng thêm bữa ăn trưa. Cứ ngày nào được nghỉ học là cậu sinh viên lại đi làm, tuy số tiền không nhiều nhưng cũng đỡ phần nào chi tiêu.


Còn đối với Phan Vương (sinh viên đại học Văn hóa), từ một anh chàng phục vụ nhà hàng tiệc cưới chỉ biết khui bia, gắp đá… đã không ngừng học hỏi, rèn luyện để làm một “cú đột phá” ngoạn mục trở thành MC đám cưới chuyên nghiệp.


Nam sinh viên này chia sẻ: “Hồi đầu mình chỉ phục vụ bàn, nhưng trong lúc bưng bê để ý thấy người ta làm MC cũng không khó lắm, chỉ cần tự tin và có chút khả năng ăn nói là được”. Thế là từ đó Vương quyết định thử sức với công việc này. Cứ mỗi chủ nhật cậu làm MC cho một đến hai đám cưới được từ 250.000 đến 300.000 đồng, số tiền tuy không lớn nhưng lại là một khoản thù lao hậu hĩnh đối với một chàng sinh viên mới chân ướt chân ráo bước vào nghề như Vương.


Trong cơn bão giá hiện nay, đời sống sinh viên gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh minh họa.


Không chọn cách tìm việc để kiếm tiền thêm nhưng với Nguyễn Văn Minh (sinh viên đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM) cho biết, trước tình hình hiện nay bạn luôn đề cao việc tiết kiệm, chống lãng phí. Sau một hồi lòng vòng qua lại khu chợ, cậu sinh viên quyết định mua 5 con cá nục nhỏ và một bó rau muống về làm thức ăn cả ngày dành cho 4 nhân khẩu trong phòng.


Minh tâm sự: “Với túi tiền sinh viên chỉ biết ăn vậy thôi, mà như vậy cũng sang lắm rồi, bữa cơm bọn mình chỉ cần có cá, rau muống luộc lấy nước làm canh. Trước đây thì một tuần ít nhất cũng có bữa cơm thịt nhưng giờ thì chịu”. Nhờ dè xẻn chi tiêu mà phòng Minh tiết kiệm được khá nhiều để dành tiền đóng học thêm Anh văn và mua giáo trình.


Đề cập đến kinh nghiệm "thắt lưng buộc bụng", một bạn chung phòng Minh cũng không ngại ngần cho biết: “Để giảm bớt chi phí, phòng mình cứ 23h là tắt đèn, ai học thì dùng đèn cá nhân, nước sôi thì dùng bình điện chứ bếp gas rất tốn, rồi buổi sáng đi học mang theo chai không lên trường lấy nước về uống. Nhiều hôm đi học tụi mình nhịn luôn bữa sáng cho đỡ tốn".


Theo VnExpress

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN