Ì ạch cải tạo chung cư cũ

Được triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay Dự án cải tạo nhà A1 và A2 thuộc khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thành chung cư N3 vẫn là một công trường ngổn ngang. Hơn 300 hộ dân chuyển sang các khu tạm cư từ 4- 5 năm trước đều đang mong ngóng ngày về.


Đi cũng dở, ở cũng mệt


Dự án cải tạo khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ là dự án thí điểm của thành phố theo chủ trương của Thành ủy, HĐND và giao cho Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng nhà số 7 làm chủ đầu tư từ năm 2002. Bắt đầu từ năm 2009, các hộ dân nhà A1 và A2 đã trao trả mặt bằng nhưng phải tới tháng 3/2013, tòa nhà N3 mới được khởi công.

 

Công trường xây dựng chung cư N3 ngổn ngang.

“Cuối năm 2009, chúng tôi chấp hành chủ trương của Nhà nước xuống tạm cư tại khu đô thị Vĩnh Hoàng (quận Hoàng Mai), giao lại nhà cho chủ đầu tư với mong muốn sớm được quay trở lại chỗ cũ để ổn định cuộc sống. Nhưng với tiến độ xây dựng hiện tại thì chưa biết đến bao giờ mới được trở về”, ông Dương Phú, một người dân ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ đang đi tạm cư chia sẻ.


Gia đình chị Nguyễn Thị Hảo, tạm cư khu Đền Lừ cách đây hơn 3 năm, cũng đang mong ngóng trở về nơi ở cũ để thuận lợi hơn trong sinh hoạt và kinh doanh. “Gia đình tôi vẫn có cửa hàng ở khu “chợ trời” Nguyễn Công Trứ nên hàng ngày vẫn phải đi đi về về, khá bất tiện trong quản lý hàng hóa. Đó là chưa kể bất tiện khi xin học cho con cái bởi hộ khẩu vẫn chưa chuyển. Học đúng tuyến thì các cháu phải đi xa, còn xin học gần chỗ ở thì phải mất “nhiều phí” tốn kém. Nhiều lần hỏi chính quyền nhưng họ cũng không có câu trả lời chính xác khi nào chúng tôi sẽ được về nơi ở cũ”, chị Hảo cho biết.


Nhìn cảnh công trình xây dựng vẫn ở trong tình trạng ngổn ngang, chị Phương Oanh, chủ quán đối diện với khu nhà N3, cho biết: “Họ mới chỉ khởi công lại gần đây chứ trước đó trông còn ngổn ngang hơn, chẳng thấy động tĩnh”.

Dãy nhà B xuống cấp.

Với tiến độ ì ạch của tòa nhà N3, người dân các dãy nhà khác trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ cho biết rất lo ngại về tiến độ chung của dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Anh Hoàng Anh Dũng, tầng 1 nhà C, khu tập thể Nguyễn Công Trứ, cho biết: "Từ thực tế xây dựng tòa nhà N3, người dân chúng tôi bảo nhau nếu dự án triển khai tiếp thì phải yêu cầu chủ đầu tư đối thoại trực tiếp để có câu trả lời chính xác về các phương án di dời, thời gian thi công và bàn giao nhà".


Dẫn chúng tôi đi thăm khu tập thể, anh Dũng cho biết thêm: “Khi tòa nhà N3 khởi công vài tháng thì chúng tôi được địa phương thông báo cuối năm sẽ triển khai đến dãy C và yêu cầu các hộ dân khai báo, đề xuất kiến nghị. Nhưng từ đó đến nay không thấy cơ quan chức năng có động tĩnh gì. Gần 2 năm nay, chúng tôi đang sống tạm bợ trong chính căn nhà của mình, không dám sửa chữa, cải tạo nhà vì không biết khi nào họ triển khai dự án. Rất mong tòa nhà của mình sớm được xây dựng nhưng thú thực, nhìn tiến độ xây dựng ì ạch của khu nhà N3 thì lại phát sợ, không rõ tới đây gia đình mình có trong hoàn cảnh tương tự không”.


Thiếu cơ chế!?


Ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng:

Quận khó trả lời dân

Để giải phóng mặt bằng khu đất xây dựng tòa nhà N3, quận Hai Bà Trưng đã phải di dời hơn 360 hộ dân. Khi di dời, quận đã hứa với người dân là 36 tháng sau, họ sẽ được tái định cư trở lại nơi ở cũ. Song tới nay, kể từ thời điểm người dân đầu tiên ra đi đã gần 5 năm mà tòa nhà mới xây thô tới tầng 3. Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của nhà đầu tư nhưng thực sự rất lo lắng, người dân lên hỏi bao giờ nhà mới xong, bao giờ chúng tôi được trở lại, quận không sao trả lời được.

Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội:

Hài hòa lợi ích 3 bên

Việc cải tạo các khu tập thể cũ xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước là việc làm cần thiết nhưng khi triển khai gặp nhiều khó khăn. Nhà nước không đủ ngân sách để xây mới những khu tập thể này trong khi người dân cũng không đủ điều kiện để tự xây. Do đó, giải pháp là để doanh nghiệp cùng tham gia, Nhà nước tạo cơ chế chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, những khu tập thể này có thực tế là gần trung tâm đô thị thuận lợi cho kinh doanh nhưng lại vướng việc hạn chế chiều cao để giảm áp lực dân cư quá đông trong nội thành. Do vậy, để tiến hành cải tạo khu tập thể cũ này cần sự hài hòa lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước - doanh nghiệp - người dân để giải quyết những vướng mắc. Có như vậy các dự án cải tạo khu tập thể cũ mới có thể triển khai hiệu quả.

Đại diện chủ đầu tư dự án điểm cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ cho biết, đến nay, dự án xây dựng dãy nhà A1 - A2 thành chung cư N3 (nằm trong dự án tổng thể khu Nguyễn Công Trứ) mới xây thô tới tầng 3 và đang đứng trước khả năng bị âm tới 322 tỷ đồng. Cụ thể, tổng mức đầu tư của dự án nhà N3 là 578 tỷ đồng trong khi tổng doanh thu theo cơ chế chỉ có 256 tỷ đồng. Phần mất cân đối 322 tỷ đồng gồm chi phí xây dựng (247 tỷ đồng) và chi phí thuê quỹ nhà tạm cư (75 tỷ đồng). Một trong những nguyên nhân chính khiến dự án mất cân đối là phải bồi thường theo cơ chế hệ số 1,5 lần (các hộ dân ở chung cư cũ được bồi thường số diện tích căn hộ mới gấp 1,5 diện tích ở cũ mà không phải trả tiền).


Nếu tính toàn bộ dự án cải tạo lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ, con số mất cân đối dự báo lên tới hơn 2.195 tỷ đồng. Để tháo gỡ khó khăn cho dự án nhà N3, chủ đầu tư kiến nghị thành phố cho phép khai thác diện tích sàn ở còn lại của dự án sau khi bố trí tái định cư và có cơ chế tài chính đặc thù để hỗ trợ nguồn lực cho việc hoàn thành nhà N3.


Từ việc thực hiện dãy nhà A, chủ đầu tư cho biết sẽ khó khăn khi triển khai 12 khối nhà còn lại bởi những công trình này nằm ở vị trí thuận lợi hơn nhưng lại tồn tại nhiều đối tượng phải giải phóng mặt bằng như dân cư trong khu tập thể, các hộ cơi nới lấn chiếm, các hộ sở hữu tư nhân, các cơ quan đơn vị, các ki - ốt, chợ… Ngoài ra còn có các công ty kinh doanh nhà nước trước đây đã chuyển đổi cổ phần hóa… rất phức tạp, khó lường hết được các khó khăn phức tạp trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy vậy, lãnh đạo Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch Đầu tư đều cho rằng: Dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ là dự án thí điểm của thành phố và đề nghị thành phố sớm hoàn thiện phương án cơ chế tổng thể đối với dự án.


Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành tập trung nghiên cứu, triển khai phương án cơ chế tài chính đối với tòa nhà N3 thuộc dự án. Sở Tài chính phải gửi cho liên ngành thành phố để xin ý kiến, sau đó thống nhất cơ chế cho toàn bộ dự án. Sau khi có số liệu cụ thể của tòa nhà N3, liên ngành thống nhất báo cáo UBND thành phố để cuối tháng 8 có phương án cụ thể.


“Công trình cải tạo tập thể Nguyễn Công Trứ là công trình thí điểm gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nên các sở ngành liên quan phải tập trung nghiên cứu, hỗ trợ chủ đầu tư bảo đảm dự án đúng tiến độ, không để gây bức xúc trong các hộ dân. Về phần doanh nghiệp, tập trung thi công theo đúng yêu cầu, cam kết với dân về việc bàn giao căn hộ vào quý IV/2015”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo.

Đức Trung - Xuân Minh

Nhiều vướng mắc khi cải tạo chung cư cũ
Nhiều vướng mắc khi cải tạo chung cư cũ

Để đảm bảo an toàn cho người dân và chỉnh trang đô thị, TP Hồ Chí Minh có chủ trương di dời dân cư và tháo dỡ để đầu tư xây mới hàng chục chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, tiến độ di dời và cải tạo các chung cư này đến nay vẫn rất chậm vì nhiều nguyên nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN