Hợp tác bệnh viện công - tư để giảm quá tải

Trong khi các bệnh viện công quá tải, thì các bệnh viện ngoài công lập (bệnh viện do tư nhân đầu tư) lại sử dụng không hết công suất giường bệnh. Do đó, việc tăng cường phối hợp giữa bệnh viện công lập với bệnh viện ngoài công lập sẽ góp phần giảm tải cho các bệnh viện công.

Tuy nhiên, cái "bắt tay" giữa bệnh viện công và bệnh viện ngoài công lập lại "chưa chặt" bởi gặp phải rào cản về giá viện phí.  

Giảm tải cho bệnh viện công

TP.HCM hiện có 68 bệnh viện công lập và gần 40 bệnh viện ngoài công lập. Giữa hai mô hình bệnh viện này luôn có sự đối nghịch nhau như bệnh viện công lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, công suất sử dụng giường bệnh luôn vượt trên 100%, còn bệnh viện ngoài công lập thì lại khá vắng vẻ, dù cơ sở vật chất và trang thiết bị khá hiện đại. 

Để giảm tải cho các bệnh viện tuyến công lập, tăng năng lực của khối y tế tư nhân, trong thời gian qua, ngành y tế TP.HCM đã tăng cường hợp tác giữa bệnh viện công với bệnh viện ngoài công lập. Đến nay, đã có khoảng 6 bệnh viện ký hợp tác phối hợp chuyên môn giữa bệnh viện công và bệnh viện tư như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 ký hợp tác với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế City (quận Bình Tân); Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phúc An Khang với bệnh viện quận 2, Bệnh viện Ung Bướu với Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức, Bệnh viện Nhi Đồng 1 với Bệnh viện Triều An... 

Theo đó, bác sĩ ở bệnh viện công sẽ sang khám và điều trị cho bệnh nhân ở bệnh viện tư khi có phối hợp với nhau. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân ở bệnh viện công đồng ý chuyển qua bệnh viện tư để nằm và điều trị thì bệnh nhân sẽ chỉ phải trả phần tiền chênh lệch giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. Chẳng hạn Bệnh viện Ung Bướu đang kết hợp với Bệnh viện Hồng Đức mở khoa bướu cổ. Bệnh nhân tới khám bướu cổ ở Bệnh viện Ung Bướu, sau khi hỏi ý kiến của bệnh nhân, bệnh viện sẽ chuyển sang điều trị ở khoa bướu cổ tại Bệnh viện Hồng Đức. Bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu sẽ qua Bệnh viện Hồng Đức trực tiếp khám, phẫu thuật còn Bệnh viện Hồng Đức sẽ cung cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị. 

piá viện phí luôn là rào cản trong sự kết hợp giữa bệnh viện công với bệnh viện tư.

Theo đánh giá của ngành y tế TP.HCM, việc kết hợp này đã góp phần giảm tải và rút  ngắn thời gian chờ phẫu thuật tại Bệnh viện Ung Bướu. Sau 6 tháng triển khai, công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện Hồng Đức đã tăng từ 30% lên 90%, thậm chí có khi lên đến 100%. Còn theo ý kiến của nhiều bệnh viện ngoài công lập, sự hợp tác giữa bệnh viện công và bệnh viện ngoài công lập sẽ góp phần giúp bệnh nhân điều trị tốt nhất và giảm được sự quá tải ở các bệnh viện công. “Sử dụng nguồn nhân lực sẵn có ở khối y tế ngoài công lập còn vắng, công suất sử dụng giường bệnh chưa hết để giảm tải cho các bệnh viện công lập; tăng cường sự phối hợp giữa bệnh viện y tế tư nhân và bệnh viện công lập là một trong những giải pháp giảm tải của thành phố. Trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ tăng cường hơn nữa sự kết hợp công tư này”, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết.

Rào cản về giá viện phí 

Có thể thấy, mô hình liên kết này mang lại hiệu quả rất cao, tuy nhiên còn gặp nhiều rào cản về cơ chế tài chính khi chuyển giao bệnh nhân, cách tính tiền cho bác sĩ công làm việc ngoài giờ hay sự chênh lệch giá viện phí giữa bệnh viện công và bệnh viện tư...

Đa số các bệnh viện đang thực hiện đề án phối hợp công - tư đều cho biết, sự chênh lệch giá viện phí giữa bệnh viện công và bệnh viện tư vẫn còn khá cao, nên nhiều bệnh nhân không muốn chuyển qua nằm điều trị ở bệnh viện tư. Do đó, việc hợp tác này vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu, cho biết dù Bệnh viện Hồng Đức đã có mức hỗ trợ giá cho những bệnh nhân từ Bệnh viện Ung Bướu chuyển qua nhưng phần chênh lệch mà bệnh nhân phải chi trả vẫn cao. 

Theo Bệnh viện Hồng Đức, mức viện phí dành cho bệnh nhân hợp tác y tế công - tư chỉ cao hơn giá bệnh viện công khoảng 22% và có chính sách ưu đãi về giá viện phí đối với những bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Ung Bướu qua. “Bệnh nhân chi trả cao hơn một ít nhưng có môi trường, điều kiện chăm sóc về sức khỏe tốt hơn như không phải chờ đợi lâu, không phải nằm ghép và được sử dụng các kỹ thuật hiện đại của y học...”, đại diện Bệnh viện Hồng Đức cho biết. Còn theo bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh viện đã kết hợp với Bệnh viện Quốc tế City nhưng sự hợp tác chưa có cơ chế rõ ràng, bởi bệnh nhân điều trị dịch vụ ở Bệnh viện Nhân dân 115 được áp một giá nhưng ở Bệnh viện Quốc tế City thì giá khác, việc thanh toán bảo hiểm y tế cũng khác…

Theo các bệnh viện tư, họ rất muốn chia sẻ gánh nặng quá tải ở các bệnh viện công, tuy nhiên để tăng cường sự hợp tác thì giữa các bệnh viện phải có sự tính toán, giảm chênh lệch về mức giá viện phí; đồng thời có chính sách mở cho phép bác sĩ từ công lập sang bệnh viện tư khám; chính sách thanh toán bảo hiểm y tế... nhất là chủ trương, cơ chế từ Bộ Y tế để làm hành lang pháp lý.
Bài và ảnh: Đan Phương
Quá tải bệnh viện vẫn “như cơm bữa”
Quá tải bệnh viện vẫn “như cơm bữa”

Nhiều đề án nhằm giảm quá tải bệnh viện đã được triển khai. Ngày 29/3/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng có chỉ thị yêu cầu “hạn chế tối đa tình trạng người bệnh nằm ghép và tuyệt đối không để người bệnh phải nằm ghép quá 48 giờ kể từ khi nhập viện”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN