Hồng đặc sản Bắc Kạn chưa tiếp cận được thị trường lớn

Hồng không hạt - đặc sản của tỉnh Bắc Kạn, có vị ngọt dịu, giòn, không có vị chát. Giống hồng đặc biệt này của Bắc Kạn đã được cấp chỉ dẫn địa lý năm 2010. Tuy nhiên, hồng không hạt Bắc Kạn chưa tiếp cận được thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Hồng không hạt - đặc sản của tỉnh Bắc Kạn.


Năm nay, thời tiết rét đậm, rét hại dài ngày, nên hồng không hạt chín muộn gần một tháng. Mọi năm, hồng thường chín rộ vào dịp Tết Trung thu nên bán rất chạy. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên quả hồng chín muộn và không được to như năm trước. Được mùa muộn nhưng mất giá, người trồng hồng đang khá vất vả để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đây mới chỉ là vụ hồng thứ hai từ khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhưng đã bộc lộ những hạn chế về việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Việc xây dựng thương hiệu cho hồng không hạt ở Bắc Kạn, trong đó có việc được cấp chỉ dẫn địa lý chỉ là khởi đầu, để hồng không hạt Bắc Kạn thực sự trở thành thương hiệu hấp dẫn người tiêu dùng, đến được với người tiêu dùng ở những đô thị lớn. Việc quan trọng nhất hiện nay là sự liên kết giữa chính quyền và người dân trong định hướng và xây dựng thương hiệu chung của cây hồng không hạt.

Theo bà Đàm Thị Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Bể, từ trước tới nay, hồng không hạt chủ yếu được tiêu thụ tại địa phương, ngoài ra có một số tiểu thương mua, vận chuyển đi các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang… Hồng không hạt Bắc Kạn đã từng có mặt ở thị trường Hà Nội năm 2010 và được bán vào thời điểm Tết Trung thu với giá rất cao lên đến 50.000 đồng/kg, nhưng cũng không có đủ hồng để bán. Năm nay, hồng chín chậm hơn, quả có nhỏ hơn một chút, nhưng hương vị hồng vẫn giữ được, đặc biệt vị ngọt của hồng còn đậm hơn. Tuy nhiên, hồng Bắc Kạn vẫn chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, các tiểu thương cũng không mua nhiều nên giá thấp hẳn. Mọi năm bán tại vườn cũng được từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, năm nay bán tại vườn chỉ được 8.000 - 10.000 đồng/kg và cũng rất khó bán.

Ông Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Bắc Kạn khẳng định, với chất lượng hồng không hạt như hiện nay, nếu được đóng hộp, mẫu mã đẹp có xuất xứ rõ ràng, cùng với chỉ dẫn địa lý thì có thể bán được giá cao hơn nhiều và chắc chắn sẽ được người tiêu dùng chấp nhận.

Hồng Bắc Kạn bước đầu có được thương hiệu nhưng vẫn chưa có những sản phẩm có nhãn mác, bao bì, để phân biệt với hồng ở những tỉnh khác. Do vậy, dù đã được cấp chỉ dẫn địa lý nhưng giá bán hồng không hạt Bắc Kạn chẳng khác là bao so với những loại hồng có hạt ở các địa phương khác. Đây chính là bài toán cần lời giải của các nhà quản lý, để Bắc Kạn thực hiện mục tiêu mở rộng diện tích hồng không hạt trong tương lai.

Bài và ảnh: Nguyễn Trình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN