Hội thảo về biến động tín ngưỡng tôn giáo ở ĐBSCL

Ngày 28/3, tại TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp Viện Nghiên cứu tôn giáo (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và Sở Nội vụ TP Cần Thơ đã tổ chức hội thảo khoa học “Biến động tín ngưỡng tôn giáo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) ở đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL)”.
 
Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện UBND, Ban Dân vận, Công an và Ban Tôn giáo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Đây là hội thảo khoa học quan trọng lần đầu tiên được tổ chức nhằm tìm hiểu, cung cấp tổng hợp cơ sở khoa học về biến động tín ngưỡng tôn giáo ở ĐBSCL phục vụ mục tiêu tiếp tục đổi mới chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo theo tin thần nghị quyết lần thứ XI của Đảng. Trong những năm qua, với chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đông đảo chức sắc tín đồ các tôn giáo ở vùng ĐBSCL đã phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, hoạt động đúng luật pháp và luật đạo, tích cực tham gia các phong trào chung tay xây dựng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo đường hướng "sống tốt đời, đẹp đạo".

ĐBSCL hiện có 4 dân tộc chủ yếu cùng chung sống gồm: Kinh, Khmer, Hoa, Chăm. Từ chỗ chỉ có các tôn giáo như: Đạo Phật, Thiên Chúa, Cao Đài, Tin Lành (trong đó Phật giáo, Cao Đài và Tin Lành có nhiều hệ phái khác nhau), đến nay vùng ĐBSCL biến động có đến 12 tôn giáo có pháp nhân cùng hoạt động với khoảng 5,95 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm 34,07% dân số), hơn 47.334 chức sắc, chức việc, 4.646 cơ sở thờ tự và trên 1.196 cơ sở tín ngưỡng dân gian như: đình, miếu, đền, hội quán.

Hội thảo thống nhất nhận định: Trong quá trình CNH, HĐH đất nước hiện nay, cũng như cả nước, tín ngưỡng tôn giáo ở ĐBSCL đã và đang có những chuyển biến lớn, có cả biểu hiện tích cực, lẫn biểu hiện tiêu cực. Ngoài 12 tôn giáo có pháp nhân còn có 25 tổ chức xưng danh tôn giáo như Thanh Hải Vô Thượng Sư, Pháp Luân Công… đang hoạt động trái phép trên địa bàn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Căn cứ tình hình thực tiễn đó, các tỉnh, thành đã đề ra giải pháp cụ thể, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo ở ĐBSCL đạt hiệu quả hơn.

Trần Khánh Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN