Hội chứng tự kỷ ở trẻ em: Phát hiện sớm để điều trị kịp thời

Hội chứng tự kỷ là bệnh lý khá phổ biến xảy ra đối với trẻ em trong xã hội hiện đại. Hiện nay, chưa có phương pháp nào được cho là điều trị hiệu quả đối với hội chứng này. Tuy nhiên, phát hiện sớm sẽ phần nào khắc phục được những hậu quả mà chứng tự kỷ gây ra cho trẻ.

 

Gia tăng số trẻ tự kỷ


Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh của não, bắt đầu từ trẻ nhỏ và phát triển kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến cách giao tiếp và quan hệ đối với người xung quanh. Ở Việt Nam, hàng năm có trên 3.000 lượt trẻ bị bệnh bại não và tự kỷ đến điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Số trẻ được đưa đến các bệnh viện, các cơ sở y tế và phát hiện mắc chứng tự kỷ ngày càng tăng. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ở nước ta trẻ tự kỷ và bại não chiếm khoảng 40%.


 

Trung tâm Hy Vọng (Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội) điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Ảnh: Dương ngọc – TTXVN

 

Chứng tự kỷ liên quan đến rối loạn phát triển tâm lý khiến người mắc bệnh có những biểu hiện bất thường trong quan hệ giao tiếp xã hội, sống thu mình và ngại tiếp xúc. Nếu không được phát hiện kịp thời, chứng tự kỷ sẽ gây ra những tổn hại về tâm lí cho trẻ và khó phục hồi. Chị P.M ở Thanh Xuân - Hà Nội là một trường hợp. Chị P.M cho biết: “Con trai tôi lên 3 tuổi mà vẫn chưa biết gọi bố, mẹ, chỉ ngồi một chỗ nghịch đồ chơi. Tình trạng đó tái diễn trong 2 năm, không có gì tiến triển, thậm chí cháu ngày càng có những hành động khó hiểu, hay cáu giận, la hét, không thích gần gũi bất kỳ ai. Khi tức giận điều gì đó, cháu lại ôm mặt khóc thét, cào cấu hoặc rứt tóc mẹ. Bất lực, tôi đành đưa con đi khám tại một bệnh viện đầu ngành, bác sĩ kết luận cháu mắc chứng tự kỷ”.


Trường hợp như chị P.M không phải là hiếm. Nhiều phụ huynh do ít tìm hiểu bệnh lý này nên khó phát hiện ra những dấu hiệu con mắc chứng tự kỷ và khi phát hiện thì thường đã muộn. Do vậy, theo lời khuyên của bác sĩ, các phụ huynh cần trang bị cho mình vốn kiến thức về chứng tự kỷ để sớm phát hiện ra những biểu hiện bất thường ở con, đưa đến các bác sĩ để chữa trị kịp thời. “Những năm 1900 trở về trước, trẻ mắc chứng tự kỷ được cho là bệnh nhân tâm thần và được khám chữa tại các bệnh viện tâm thần. Hầu như ngành y tế và giáo dục đều không biết rằng trẻ tự kỷ cần can thiệp bằng giáo dục. Đặc biệt, chúng cần được phát hiện sớm, can thiệp sớm, cần có sự phối hợp giữa giáo dục và y tế để đưa trẻ ra học tập, hòa nhập trong điều kiện có thể của từng trẻ” - bác sĩ Đỗ Thúy Lan, chuyên khoa II tâm thần, nguyên Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương khẳng định.

 

Điều trị sớm sẽ hiệu quả


 

Trung tâm Hy Vọng (Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội) điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Ảnh: Dương ngọc – TTXVN

 

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn tranh luận về nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ. Theo nghiên cứu về y tế, tâm lý, giáo dục đưa ra nhận định: Chứng tự kỷ có thể do yếu tố sinh học hoặc môi trường gây nên, cũng có thể do cả hai yếu tố trên. Đó là các yếu tố nhiễm khuẩn khi người mẹ mang thai, khiếm khuyết của hệ thống miễn dịch hoặc gen. Phát hiện sớm hội chứng tự kỷ có ý nghĩa rất quan trọng trong trị liệu. Khi được phát hiện và can thiệp sớm, sẽ khắc phục những khuyết điểm ở trẻ và được sự trợ giúp của các bác sĩ để trẻ hình thành các kĩ năng về ngôn ngữ, xã hội và nhận thức. Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ thường tập trung vào: Luyện tập, giáo dục cho trẻ các kĩ năng ngôn ngữ, nhận thức, tư duy, giao tiếp, xã hội và kĩ năng tự phục vụ bản thân.


Cho đến nay, chúng ta mới chỉ dùng những phương pháp điều trị can thiệp sớm thông qua y học cổ truyền (châm cứu) hay những phương pháp của y học hiện đại (chiếu đèn hồng ngoại, đèn tử ngoại...) nhưng ít nhiều đã mang lại hiệu quả nhất định. Cha mẹ có trẻ mắc chứng tự kỷ có thể điều trị cho con cái bằng liệu pháp ngôn ngữ, liệu pháp trò chơi. Theo GS Lawrence Scahill, Trung tâm Nghiên cứu và điều dưỡng trẻ em, Đại học Yale (Mỹ), cho rằng: “Sự huấn luyện, chăm sóc của cha mẹ là một trong những biện pháp can thiệp điều trị tốt nhất nhằm cải thiện bệnh tâm thần của trẻ cũng như những điều kiện bệnh lý khác”.


Ngoài ra, phương pháp trị liệu hành vi cũng mang lại hiệu quả tích cực. Trẻ em mắc chứng tự kỷ thường cảm thấy thất vọng, thiếu tự tin, dễ hiểu lầm, có khó khăn trong giao tiếp, mẫn cảm với ánh sáng, âm thanh và chạm vào da. Khi thấy trẻ có bất thường về tâm lý, vận động các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có các chuyên khoa thần kinh, tâm thần, chuyên viên tâm lý lâm sàng... để được tư vấn, có phương hướng giáo dục đặc biệt. Không chủ quan trước những hành vi khác thường của trẻ, nếu để lâu sẽ làm bệnh ngày một trầm trọng và thiệt thòi cho sự phát triển của trẻ sau này.


Quỳnh Như

Kết hợp đông y chữa bệnh cho trẻ bại não, tự kỷ
Kết hợp đông y chữa bệnh cho trẻ bại não, tự kỷ

Tự kỷ và bại não đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực phục hồi chức năng nhi khoa. Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã xây dựng mô hình điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại, giữa y học với giáo dục, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN