Hơi ấm cuối năm

Trong những năm qua sự ra đời của nhiều nhóm thiện nguyện trên khắp các tỉnh, thành phố đã giúp cho những cảnh đời bất hạnh vơi đi những khó khăn trong cuộc sống. Họ luôn gần gũi và thường xuyên giúp đỡ, mang hơi ấm đến với những người vô gia cư, đúng như tên gọi của mình “Ấm”, thiện nguyện vì cộng đồng.


Thôi thúc từ trái tim


“Tôi không phải là người muốn làm chuyện gì to tát, đơn giản vì tôi biết trong số những người vô gia cư đang vất vưởng, cuộc sống rất khó khăn, nhiều người vì hoàn cảnh xô đẩy, như những cụ già mất nhà, mất đất, bị con cháu coi rẻ, hay những người quá nghèo khổ, những sinh linh nhỏ bé mồ côi lạc giữa dòng đời không còn nơi nương tựa. Tôi mong sao cho mọi người được “ấm” hơn” - Nguyễn Hoàng Thảo, thủ lĩnh của nhóm “Ấm” chia sẻ trên một trang mạng xã hội. Không chỉ riêng giới trẻ, hoạt động thiện nguyện còn thu hút sự quan tâm và ủng hộ của nhiều phụ huynh, cán bộ nghỉ hưu.

 

Các tình nguyện viên nhóm Ấm trao quà cho người vô gia cư.


Nhóm tình nguyện Ấm ra đời tại Hà Nội cách nay hai năm. Đây là nhóm tình nguyện đầu tiên ở Hà Nội chọn những người vô gia cư là đối tượng chính để trợ giúp. Trên mạng xã hội, Ấm kêu gọi sự góp sức của các bạn tình nguyện viên bằng cách đơn giản, đó là khi đi đường hãy để ý và ghi nhớ những nơi tập trung nhiều người vô gia cư để khi đi tặng đồ, có thể dễ dàng tìm thấy họ. Nhóm Ấm cũng chủ động chia sẻ địa chỉ, thông tin chi tiết của người vô gia cư ở các tuyến phố mà nhóm khảo sát để những bạn trẻ có lòng hảo tâm có thể đến đây làm việc thiện.


Đều đặn cứ 10 giờ tối thứ 7 hàng tuần, các tình nguyện viên nhóm Ấm tập trung tại một quán cà phê nằm trên phố Trần Hữu Tước để chuẩn bị cho hành trình mang hơi ấm đến với những mảnh đời bất hạnh. Những bộ quần áo ấm, thức ăn và đồ dùng cá nhân được quyên góp chủ yếu thông qua trang mạng xã hội Facebook được tập kết lại để phân loại và đóng gói cẩn thận. Sau đó, các bạn trẻ trong nhóm chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm có khoảng 10 người đi khắp các tuyến phố trao cho người vô gia cư. Theo kinh nghiệm mỗi nhóm tặng quà bao giờ cũng xen kẽ giữa nam, nữ để có thể hỗ trợ lẫn nhau, đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra trong đêm khuya.


Mỗi lần đi, trung bình nhóm phát 20 - 50 suất quà trong đêm. Để không làm họ tỉnh giấc, nhóm đỗ xe từ xa, tránh rọi đèn, chụp ảnh có đèn flash khi chưa xin phép... Lúc tiếp cận, chỉ có 2-3 người được cử mang đồ ăn tới, các thành viên còn lại đứng đợi bên đường. Đại diện của nhóm chỉ có vài phút để tặng quà và chia sẻ, động viên những người thiếu may mắn, rồi sau đó cả nhóm lại tiếp tục cuộc hành trình. “Chúng tôi đi tặng quà cho những người vô gia cư từ 23 giờ đêm đến rạng sáng. Bởi chỉ thời gian đó họ mới về chỗ nghỉ, sau một ngày lao động kiếm sống” - Nhóm trưởng Hoàng Thảo chia sẻ.


Trong đêm khuya giá rét, mọi người đã thấm mệt nhưng ai cũng vui và cảm thấy mình đã được một việc có ích. Thu Phương (ĐH Quốc gia, Hà Nội) chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 tôi tham gia hoạt động của nhóm, sau mỗi chuyến đi, tôi thấy mình trưởng thành hơn, biết yêu thương, trân trọng cuộc sống hơn. Hơn nữa, tôi tin công sức nhỏ bé của mình góp phần làm vơi đi nỗi bất hạnh của những người vô gia cư giúp họ có niềm tin vào cuộc sống”.


Bên cạnh đó, nhóm Ấm còn tổ chức các hoạt động để gây quỹ từ thiện giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Gần đây nhất, tại Garage Sale (Hội chợ đồ giảm giá) được tổ chức tại “đại bản doanh” của nhóm, với mục đích gây quỹ từ thiện, hội chợ đã thu hút nhiều bạn trẻ và những người quan tâm tham gia, bởi đây là lần đầu tiên một hội chợ tổ chức theo kiểu “shopping không cần mặc cả”, người mua có thể thoải mái chọn sản phẩm và tự trả giá theo ý muốn. Toàn bộ số tiền thu được sẽ để gây quỹ Ấm. Quỹ này sẽ dùng để mua đồ ăn, đồ dùng, thuốc men hay chăn ấm để tặng những người bất hạnh, góp phần cùng các tổ chức hướng nghiệp giúp đỡ họ về lâu về dài có cuộc sống tốt hơn.


Đã cận kề Tết Nguyên đán, nhóm Ấm đã lên kế hoạch tổ chức gói bánh chưng và tặng quà Tết cho những người vô gia cư. Những chiếc bánh chưng sẽ do chính các em học sinh ở các trường trên địa bàn Hà Nội tự gói. Đây là hoạt động rất ý nghĩa của “Ấm” góp phần phát triển phong trào trong học sinh, sinh viên giúp các em hiểu hơn về truyền thống gói bánh chưng trong ngày Tết của cha ông ta, đồng thời đề cao tinh thần “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc.


Hoàng Thảo chia sẻ: “Mới đầu tôi dự định sẽ tổ chức một buổi đón tất niên sớm dành cho người vô gia cư, nhưng do gặp nhiều khó khăn trong việc tìm địa điểm nên dự định đó đã không thành. Mình nghĩ nếu tất cả tập trung ở một nơi rồi cùng ăn uống, quây quần bên nhau sẽ rất đầm ấm.” Song, các tình nguyện viên nhóm Ấm đã xin được tài trợ và quyết định sẽ tổ chức buổi tặng quà cho những người vô gia cư. Được biết, mỗi gói quà gửi đến họ bao gồm bánh chưng, mứt kẹo và một phong bao lì xì 200.000 đồng để họ mang về quê ăn Tết, những người không về quê thì họ cũng cảm thấy chút ấm áp của mùa xuân.


Làm từ thiện thế nào cho đúng?


Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin về những hoạt động từ thiện của các nhóm tình nguyện, mục đích cuối cùng đơn giản là tăng thêm ý thức quan tâm đến những người xung quanh trong cộng đồng và liên kết giữa những tấm lòng hảo tâm, thiết thực nhất cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, “Của cho không bằng cách cho”, làm từ thiện thế nào cho đúng nghĩa là cả một “nghệ thuật”.


Thanh Vũ, người cùng Hoàng Thảo xây dựng nhóm Ấm chia sẻ: “Chúng tôi nhận được rất nhiều thư của các bạn trẻ muốn tổ chức phong trào, hỏi là những người vô gia cư hay ngủ ở đâu, đi buổi tối nguy hiểm không? Họ gửi đến những bọc quần áo cũ, rách nát, hoặc không phù hợp với người vô gia cư… Điều này làm mất khá nhiều thời gian của chúng tôi trong việc phân loại. Hơn nữa, nếu những người vô gia cư nhận được những món đồ này, họ sẽ cảm thấy ra sao?”.


Muốn làm từ thiện trước tiên phải xuất phát từ tâm mình, các nhóm tình nguyện cần tìm hiểu về đối tượng mà mình muốn giúp đỡ trước khi lên đường. Đó là những người lao động nghèo, số tiền chỉ để thuê một chỗ nằm trong một xóm trọ lụp xụp trong lòng thủ đô, hay những người già không có nhà cửa, không nơi nương tựa hay những đứa trẻ mồ côi sống dựa vào sự giúp đỡ của xã hội... Xung quanh ta còn rất nhiều trường hợp cần giúp đỡ, nếu đã quyết tâm làm từ thiện và tình nguyện, người tham gia hãy nghĩ mình làm vì người khác, đừng vì bản thân, làm cho vui hay có phong trào.


Xã hội đánh giá rất cao phong trào thanh niên tình nguyện và tinh thần đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, để tránh xảy ra những rủi ro ngoài ý muốn, mỗi người tham gia tình nguyện nên chủ động tìm hiểu và chuẩn bị thật tốt trước khi đi làm từ thiện. Vì có lòng tốt là một chuyện, nhưng cũng phải có cả kỹ năng thể hiện “lòng tốt” đó nữa.


Hoạt động từ thiện và tình nguyện là một hành động nhân văn, đây là “liều thuốc” giúp con người nhận ra được giá trị của cuộc sống, biết quý trọng hiện tại và phấn đấu vì một xã hội tốt đẹp. Mỗi chuyến đi từ thiện là một lần làm điều có ích. Trong những chuyến đi đó, không ít những bạn trẻ đã và đang trải nghiệm, nhìn thấy nỗi vất vả của những người bất hạnh, qua đó giúp các bạn trẻ trưởng thành lên. Và chính những chuyến đi đó đã liên kết những con người cùng chí hướng, ước nguyện góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

 

 

Bài và ảnh:Hồng Nhung

Âm thầm làm thiện nguyện
Âm thầm làm thiện nguyện

Say mê các hoạt động tình nguyện, vượt lên sự đau đớn của căn bệnh u não, tấm gương Nguyễn Nguyệt Nga đã khiến không ít bạn trẻ khâm phục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN