Hỗ trợ nhà ở cho người có công - Bài cuối: Gỡ khó trong thực hiện chính sách

Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động phối hợp với các địa phương để cụ thể hóa những nội dung cần thực hiện, đồng thời tích cực vận động nguồn lực để kịp thời giúp đỡ các gia đình khó khăn, có nhu cầu bức xúc về nhà ở.

Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 1.355 hộ gia đình đã được tỉnh phê duyệt cần hỗ trợ nhưng chưa có kinh phí thực hiện, đồng thời nhiều căn nhà hỗ trợ trước đó cũng đã xuống cấp cần sửa chữa.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Võ Văn Tám cho biết, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chính sách cho Người có công với cách mạng còn khó khăn về nhà ở, đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân cùng tham gia để tăng thêm nguồn lực. Phấn đấu trong năm 2020, Vĩnh Long sẽ hoàn thành việc xây dựng mới nhà ở cho các gia đình đã được tỉnh rà soát và phê duyệt vào năm 2017.

Còn nhiều gia đình có công với cách mạng có nhu cầu về nhà ở

Chú thích ảnh
Gia đình ông Nguyễn Văn Thảo, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đóng góp công lao động cùng địa phương xây dựng căn nhà. 

Tại xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, hiện còn 38 hộ gia đình chính sách đã được phê duyệt hỗ trợ nhưng chưa có kinh phí thực hiện. Một phần do hoàn cảnh khó khăn, phần do chờ sự tiếp sức của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân còn chần chừ chưa xây mới hoặc sửa chữa nhà. Theo thời gian, các căn nhà dần xuống cấp nên khó khăn trong sinh hoạt.

Ông Nguyễn Văn Điệu (xã Phú Lộc, huyện Tam Bình) cho biết, căn nhà ông đang ở được xây dựng gần 20 năm và đã bị mối mọt ăn mục gần hết. Hiện tại, gia đình ông có 5 người sống chung nhưng chỉ có con trai và con dâu là còn sức lao động nên không có khả năng tự trang trải hết chi phí sửa nhà. Nghe thông tin được hỗ trợ sửa chữa nhà nên gia đình ông rất phấn khởi nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy. Hiện gia đình ông có một khoản tiền và đang chờ được hỗ trợ thêm để sửa chữa nhà.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình Lê Ngọc Đức cho biết, toàn huyện hiện còn 357 căn nhà trong danh sách đã được phê duyệt nhưng chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ. Do khó khăn về nguồn vốn nên gây tâm lý chờ đợi trong người dân. Vì vậy, có một số căn nhà trước đây khi khảo sát ở trong tình trạng cần sửa chữa nhưng theo thời gian đã xuống cấp, cần được xây dựng mới dẫn đến phải điều chỉnh diện đối tượng.

Bên cạnh số nhà trong danh sách đã phê duyệt, trong năm 2019, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát lại, qua đó phát sinh thêm 255 hộ khác khó khăn về nhà ở. Các hộ phát sinh này là những hộ gia đình mới nhận Huân chương, Huy chương, con liệt sĩ nơi khác chuyển đến và một số gia đình xây dựng nhà khá lâu nay xuống cấp, không có khả năng tự thực hiện cần được hỗ trợ.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh còn 1.355 hộ gia đình có công với cách mạng cần được xây mới và sửa chữa. Mặc dù công tác hỗ trợ nhà ở cho Người có công cách mạng được các địa phương tích cực triển khai, tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ.

Trong đó, khó khăn nhất vẫn là kinh phí thực hiện. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, công tác quản lý đối tượng người có công được hỗ trợ nhà ở của địa phương chưa chặt chẽ; việc khảo sát lập danh sách còn sai sót; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách này đến các hộ gia đình người có công được quan tâm thực hiện nhưng vẫn còn nhiều gia đình ngộ nhận đây là chế độ nên có nhiều trường hợp đã có nhà ở kiên cố, đảm bảo 3 cứng vẫn khiếu nại đề nghị hỗ trợ nhà ở.

Tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Võ Văn Tám, trong 1.355 hộ gia đình có công với cách mạng có nhu cầu nhà ở có 259 trường hợp cần xây dựng mới và 1.096 trường hợp cần sửa chữa.

Để tháo gỡ khó khăn về kinh phí thực hiện, tỉnh vận động nguồn đóng góp từ Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết Vĩnh Long. Qua đó, hai đơn vị đã hỗ trợ tỉnh kinh phí để hoàn thành xây dựng mới hơn 200 căn nhà cho các gia đình chính sách huyện Trà Ôn, Vũng Liêm trong năm 2020.

Riêng đối với huyện Tam Bình, hiện còn 22 căn có nhu cầu xây dựng mới và các địa phương còn lại chỉ còn một vài trường hợp cần hỗ trợ xây dựng mới, các địa phương sẽ tự cân đối kinh phí và vận động nguồn lực hỗ trợ. Phấn đấu trong năm 2020, Vĩnh Long sẽ hoàn thành việc xây dựng mới nhà ở cho các gia đình chính sách đã được phê duyệt vào năm 2017. Đối với các trường hợp cần sửa chữa, các địa phương tự cân đối kinh phí và vận động xã hội hóa để thực hiện.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vũng Liêm Nguyễn Thị Tuyết Trinh cho biết, trong năm 2020, huyện sẽ tập trung thực hiện tốt công tác hỗ trợ để hoàn thiện sớm việc xây dựng mới các căn nhà khi được bố trí kinh phí từ tỉnh. Huyện cũng tiếp tục vận động thu quỹ Đền ơn đáp nghĩa và vận động các đơn vị, cá nhân hỗ trợ thực hiện xây mới đối với số lượng nhà chưa được tỉnh bố trí kinh phí và 293 căn nhà có nhu cầu sửa chữa.

Ngoài ra, nếu trên địa bàn có các hộ đã được phê duyệt hỗ trợ hoặc trường hợp mới phát sinh mà hoàn cảnh khó khăn, nhà xuống cấp không thể ở được, đơn vị sẽ tiến hành khảo sát, họp dân, đồng thời kiến nghị xem xét trích từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa của huyện hoặc đề nghị Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh hỗ trợ kịp thời.
      
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình Lê Ngọc Đức, dù năm 2020 tỉnh chưa bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho Người có công nhưng huyện sẽ phấn đấu hoàn thành xây mới 22 căn nhà, đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường vận động các nguồn xã hội hóa, từng bước hoàn thành 335 căn nhà còn đang chờ sửa chữa.

Ông Lê Ngọc Đức nhấn mạnh: Huyện cũng khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho người có công với cách mạng và thân nhân trong gia đình tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định và nâng cao đời sống. Từ đó, hạn chế tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Mặc dù vẫn còn nhiều hộ gia đình người có cộng trên địa bàn còn khó khăn về nhà ở, nhưng nhìn chung công tác hỗ trợ thời gian qua của tỉnh Vĩnh Long đã có kết quả khả quan. Bằng sự nỗ lực của các ngành và địa phương, hầu hết các công trình nhà ở được hỗ trợ xây mới cho người có công đều hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Nhiều hộ gia đình được sống trong căn nhà mới khang trang, yên tâm sinh hoạt và lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Võ Văn Tám chia sẻ: Không phải giải quyết hết các hộ trong danh sách đã được phê duyệt là dừng lại.

Theo thời gian, các hộ đã được hỗ trợ xây mới, sửa chữa cũng dần xuống cấp. Do đó, sau khi hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với các hộ có công với cách mạng theo danh sách đã được phê duyệt năm 2017, ngành sẽ kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục rà soát lại để có phương án hỗ trợ kịp thời đối với những trường hợp gia đình có công cách mạng còn khó khăn về nhà ở nhằm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa tại địa phương.

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Hỗ trợ nhà ở cho người có công - Bài 1: Niềm vui trong những căn nhà tình nghĩa
Hỗ trợ nhà ở cho người có công - Bài 1: Niềm vui trong những căn nhà tình nghĩa

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg và Nghị quyết số 63/NQ-CP về hỗ trợ về nhà ở cho Người có công với cách mạng, tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực, chủ động với nhiều cách làm sáng tạo nhằm giúp các gia đình từng bước cải thiện điều kiện về nhà ở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN