Hỗ trợ người dân về từ Campuchia ổn định cuộc sống

Hiện các hộ trở về từ Campuchia trên địa phương dọc tuyến biên giới của tỉnh Long An còn gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp lại giấy tờ tùy thân, hưởng chính sách hỗ trợ.

Sau khi rời Biển Hồ, Campuchia, nhiều hộ Việt kiều hồi hương đang sống rải rác theo tuyến biên giới của tỉnh Long An. Cuộc sống của họ đang gặp nhiều khó khăn. Tại xóm Việt kiều Campuchia hồi hương ở ấp 1, xã Hưng Điền A thuộc huyện Vĩnh Hưng (Long An), chị Nguyễn Thị Muội (28 tuổi) cho biết: Chị sinh ra và lớn lên tại Biển Hồ với nghề truyền thống của gia đình là đánh bắt cá. Cách đây hơn 4 năm, chị cùng cha mẹ về sinh sống tại ấp 1, xã Hưng Điền A, trong một căn nhà sàn chưa đầy 60m2. Sau đó, vợ chồng chị Muội đi làm công nhân tại khu công nghiệp Bình Dương, gửi 2 đứa con ở lại quê cho cha mẹ nuôi dưỡng. Thế nhưng, việc đi làm của chị gặp trở ngại vì giấy tờ tùy thân không có do chưa có hộ tịch. Vợ chồng chị phải mượn tạm giấy tờ của người khác đứng tên mới vào làm được cho công ty, xí nghiệp. Tuy nhiên, mọi quyền lợi về bảo hiểm y tế, xã hội… chị đều không có nên người đứng tên trên giấy tờ đều đã thụ hưởng quyền lợi này. Sau thời gian làm công nhân, chị đành quay về bám víu cùng cha mẹ còn chồng chị vẫn đi làm, gửi tiền dành dụm hàng tháng về nuôi cả gia đình.

Ông Trần Văn Cường, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Điền A cho biết: Hưng Điền A là một trong 5 xã biên giới của huyện Vĩnh Hưng có đường biên giới gần 10 km và là một trong những xã có Việt kiều từ Campuchia về sinh sống. Theo thống kê, toàn xã có 40 hộ với 123 nhân khẩu, đa số các hộ có hoàn cảnh hết sức khó khăn, trình độ học vấn không có, chủ yếu làm lao động phổ thông. Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp trên cùng với sự đóng góp của các "mạnh thường quân", một số vấn đề khó khăn của đồng bào đã được giải quyết như: khám bệnh, phát thuốc miễn phí, vận động các vật dụng sinh hoạt hàng ngày… Tuy nhiên, hiện địa phương còn gặp nhiều khó khăn, mong các cơ quan chức năng nghiên cứu sớm cấp hộ tịch để các hộ trở về từ Campuchia có giấy tờ tùy thân. Ngoài ra, cần có những chính sách hỗ đặc thù cho các hộ Việt kiều như cấp bảo hiểm y tế hoặc các chính sách hỗ trợ giải quyết khó khăn trong vấn đề an sinh xã hội; cần có quy hoạch để bố trí cho các hộ Việt kiều sinh sống ổn định, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội dân cư khu vực biên giới.

Đến xã biên giới Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, chúng tôi đã gặp gia đình anh Nguyễn Văn Tèo (29 tuổi) có 3 thế hệ chung sống trên một chiếc thuyền ở kênh 61, ấp Bình Châu, xã Tuyên Bình. Anh Tèo bày tỏ mong muốn được các cấp chính quyền cấp các giấy tờ cần thiết để trẻ em thuận lợi trong việc làm thủ tục đến trường và có mảnh đất để ổn định cuộc sống.

Theo ông Huỳnh Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình, trên địa bàn xã có 31 hộ với 162 nhân khẩu trở về từ Campuchia. Các trường hợp này không có giấy tờ tùy thân, do đó việc tạo điều kiện cho họ phát triển kinh tế rất khó khăn. Trong những năm qua, địa phương đã thể kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ, cứu trợ, tặng quà, vật dụng, gạo... Phó Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình kiến nghị cấp trên có chính sách tạo điều kiện để các trường hợp này được cấp giấy tờ tùy thân. Ngoài ra, ở địa phương hiện nay quỹ đất công không còn, cấp trên cần có quy hoạch để tạo điều kiện cho các trường hợp này có đất ở và sản xuất.

Ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc Sở Tư pháp Long An, cho biết: Được sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Long An, thời gian qua Sở Tư pháp Long An đã phối hợp với một số ngành và địa phương tiến hành ra soát số Việt kiều từ Campuchia về sinh sống tại 2 huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng của tỉnh Long An. Tính đến ngày 15/8/2016, toàn tỉnh có 1.443 người trở về từ Campuchia và ngành đang tiếp tục khảo sát. Trong số này, ngành Công an đã giải quyết hộ khẩu tạm trú tại một số địa phương, con em của những trường hợp này được sinh ra ở Việt Nam thì ngành Tư pháp cơ bản giải quyết được vấn đề hộ tịch, khai sinh, bảo hiểm y tế… Tuy nhiên, cái khó hiện nay là một số trường hợp trở về chưa có chỗ ở ổn định; sống nay đây mai đó trên sông nước nên ngành chức năng chưa có cơ sở giải quyết được vấn đề tạm trú, vì vậy ngành Tư pháp cũng chưa thể giải quyết vấn đề hộ tịch.

Cũng theo ông Trần Minh Mẫn, hiện nay, với số Việt kiều về nước trước năm 1989, tỉnh Long An cơ bản đã giải quyết xong vấn đề hộ tịch. Cuộc sống của những hộ này hiện rất ổn định. Riêng số Việt kiều về nước sau năm 1989 nhiều, hiện chưa giải quyết được vấn đề quốc tịch dẫn đến quyền công dân và các quyền lợi khác bị ảnh hưởng. Sở Tư pháp Long An kiến nghị, cần có chính sách ổn định cuộc sống cho các trường hợp này, tạm thời hỗ trợ họ định canh định cư ở tại địa phương để làm cơ sở cấp hộ khẩu, giải quyết hộ tịch.

Thanh Bình (TTXVN)
Cứu trợ bà con người Việt và người Campuchia bị hỏa hoạn
Cứu trợ bà con người Việt và người Campuchia bị hỏa hoạn

Tổng Hội người Campuchia gốc Việt Nam tại Campuchia đã tổ chức cứu trợ cho 96 gia đình người Việt và Campuchia ở phường Chak Angre Krom bị hỏa hoạn hôm 8/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN