Hiện thực hóa giấc mơ của học trò nghèo

Tín dụng học sinh sinh viên (HSSV) theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà Ngân hàng Chính sách xã hội đang giải ngân ủy thác qua các tổ chức xã hội của mỗi địa phương là một chương trình lớn, mang nhiều ý nghĩa nhân văn.

Có nằm mơ thì người cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiến ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cũng khó tưởng tượng ông có thể chăm lo cho 3 người con ăn, học trọn những năm tháng đại học.

Giải ngân vốn cho học sinh, sinh viên vay tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Lê Phú


Hồi tưởng lại quãng thời gian hơn mười năm trước, người đàn ông gắn bó cả cuộc đời với 3 sào ruộng mà “tài sản gia đình không tăng thêm được gì ngoài tấm thẻ chứng nhận hộ nghèo và cái nghèo cứ đeo đẳng mãi”, đã trải lòng: Năm 2002, đứa lớn Nguyễn Đức Dũng thi đỗ 3 trường đại học. Bà con làng xóm đến chia vui, chúc mừng, nhưng ngày tựu trường, trước cảnh túng bấn của gia đình, Dũng quyết định nghỉ để các em được đi học tiếp. Năm 2003, đứa thứ hai là Thành Chung thi đỗ đại học Xây dựng và Mai Hương thi đỗ Học viện Tài chính. Nhưng rồi Chung phải để Mai Hương đi học trước, năm sau, cháu tiếp tục thi và đỗ đại học Mỏ địa chất. Quãng thời gian này, gia đình ông chắt chiu từng đồng và được hàng xóm giúp đỡ nên duy trì cho cả 2 người con đi học. Năm 2006, khi Hương và Chung vào giai đoạn chuyên ngành thì cả gia đình không gánh nổi chi phí nên định cho con nghỉ học. “Thật may là khi vừa nghỉ được vài buổi, được tin Nhà nước cho các hộ gia đình nghèo có con em đi học đại học, cao đẳng được vay vốn ưu đãi, thế là tôi làm hồ sơ vay và được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thanh Oai cho vay. Nhờ thế mà các cháu tiếp tục được đến trường. Năm 2007, tôi động viên cháu Dũng đi thi đại học và cháu đã đỗ vào trường Đại học Quốc gia. Đến nay, cả 3 cháu đều đã ra trường, xin được việc làm" - ông Chiến bày tỏ. Rồi ông bảo: "Đó cứ như câu chuyện cổ tích vậy. Nhà tôi vẫn ba gian bé nhỏ, tài sản đơn sơ nhưng nhờ những chính sách của Đảng và Nhà nước mà các con tôi đã thực hiện được ước mơ của mình”.

Nếu không có chương trình tín dụng ưu đãi theo Quyết định 157, ông Nguyễn Công Trình ở thôn Trù, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, cũng đành để hai cô con gái Nguyễn Thị Mến, Nguyễn Thị Quyên nghỉ học giữa chừng. "Gia đình tôi 7 người trông vào 8 sào ruộng. Cả nhà quanh năm 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Tôi phải làm đủ mọi việc để nuôi các con ăn học, cháu thứ ba đã phải nghỉ học để giúp bố. Ba đứa sau này lần lượt đỗ vào Cao đẳng Sư phạm, đại học Nông nghiệp 1, đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng vì gia đình lâm vào cảnh quá túng bấn đã tính chuyện thôi học. Đúng lúc đó thì nghe có chương trình tín dụng ưu đãi cho HSSV"- ông Nguyễn Công Trình thổ lộ.

Không chỉ có gia đình ông Chiến, ông Trình được tiếp sức cho các con đến trường, chương trình tín dụng HSSV còn giúp cho hàng vạn gia đình ở Hà Nội tiếp tục chăm lo cho con cái học hành, nhất là những gia đình ở các huyện ngoại thành. Như tại Thượng Đoạn, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa - một vùng quê cách mạng và là đất có truyền thống hiếu học - chương trình 157 đã giúp nhiều hộ dân Thượng Đoạn trang trải chi phí học tập, không để con em phải bỏ học vì không có tiền. "Chương trình này đang phát huy hiệu quả hết sức tích cực, được bà con hưởng ứng. Tính đến cuối quý I năm nay, dư nợ của Tổ tiết kiệm và vay vốn Thượng Đoạn là 286,8 triệu đồng với 18 hộ gia đình vay cho 20 HSSV", bà Vũ Thị Lan, tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Thượng Đoạn, Hòa Xá, Ứng Hòa cho biết.

Là người tham gia trực tiếp giải ngân chương trình tín dụng mang nhiều ý nghĩa nhân văn, Giám đốc Ngân hàng CSXH thành phố Hà Nội Bùi Quang Vinh phấn khởi cho biết, trong 3 năm qua, Hà Nội đã, đang triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 157. Ngân hàng đã phối hợp với Sở GD&ĐT, các hội, đoàn thể tổ chức quản lý, sử dụng vốn tín dụng cho HSSV vay tại 29 quận, huyện của thành phố và các cơ sở đào tạo. "Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các trường, các huyện đã triển khai nghiêm túc Quyết định 157. Tiền vay được sử dụng minh bạch, đúng mục đích và hỗ trợ chi phí học tập, nguồn vốn được giải ngân kịp thời, không để tồn đọng. Năm 2011 tiếp tục có hơn 7,5 vạn lượt hộ gia đình HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay tín dụng ưu đãi" - ông Vinh nhấn mạnh.

Anh Tùng

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN