Hiên ngang đảo Trần

Lên trạm rađa 480 trên đỉnh đảo Trần phóng tầm mắt ngắm nhìn một vùng trời biển quê hương, có thể cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ của vùng biển đảo đông bắc của Tổ quốc. Những ngày quang đãng, có thể trông thấy cả đảo Vĩnh Thực phía Móng Cái (Quảng Ninh).

Vượt sóng ra đảo

Trên bản đồ Việt Nam, đảo Trần chỉ là một dấu chấm nhỏ trong hàng ngàn hòn đảo phía đông bắc. Có người ví nó như một hạt vừng trên chiếc bánh đa khổng lồ. Cái tên đảo Trần có lẽ vì thế mà ít người biết đến. Đảo Trần cách đất liền khoảng 40 hải lí, thuộc huyện đảo CôTô của tỉnh Quảng Ninh nhưng nó lại nằm tách biệt khỏi huyện đảo này.

Các chiến sĩ trạm rađa 480 canh giữ vùng biển Tổ quốc.

Tàu đưa chúng tôi ra đảo Trần xuất phát từ cảng Cái Rồng (Vân Đồn). Có lẽ chúng tôi gặp may mắn khi trời tuy mưa nhưng biển lặng. Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân cùng nhóm phóng viên các báo đài cảm thấy yên tâm hơn. Trước đó một tuần, chuyến ra đảo Bạch Long Vỹ đã bị hoãn vì sóng quá lớn.

Trời âm u khiến cho tầm nhìn của chúng tôi bị hạn chế. Tuy nhiên chúng tôi vẫn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của hàng trăm hòn đảo khu vực vịnh Bái Tử Long. Vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ không kém là bao so với vịnh Hạ Long, hứa hẹn nơi đây sẽ là một địa điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai. Sau 7 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, bóng dáng của đảo Trần đã hiện ra.

Khi tàu lại gần, cảm giác đầu tiên của tôi là choáng ngợp trước sự kì vĩ của hòn đảo, không như những gì tôi tưởng tượng lúc trước về một hòn đảo bé nhỏ chơ vơ giữa biển cả mênh mông.

Biển khá sạch. Bãi cát trắng và bằng phẳng, có một vài con sứa dạt vào. Các chiến sĩ trên đảo đi thuyền nhỏ ra đón chúng tôi bởi tàu lớn không thể cập vào tận bờ, phải có thuyền nhỏ ra tăng bo. Lũ chó trên đảo cũng tỏ ra rất mừng rỡ khi có những vị khách từ đất liền xa xôi ra thăm. Được biết, đây là giống chó thuần chủng trên đảo. Những lần có tàu ra, nhiều chiến sĩ lại mang một vài con vào đất liền để nuôi như một món quà đặc biệt của đảo Trần.

Thuyền của các chiến sĩ trên đảo Trần ra đón khách.

Cũng như biết bao hòn đảo khác của Tổ quốc, đảo Trần thừa nước mặn mà khan hiếm nước ngọt. Đến mùa khan hiếm nước, các chiến sĩ phải chia nhau từng thau nước sinh hoạt. Quanh năm chỉ có tiếng sóng vỗ rì rầm, gió biển thổi lồng lộng, mùa đông thì rét buốt. Song thời tiết khắc nghiệt không thể khuất phục ý chí của các chiến sĩ trên đảo.

Các chiến sĩ đảo Trần nô nức đón chào chúng tôi. Những ánh mắt rạng ngời, những câu hát rộn ràng xua tan cái giá lạnh của vùng hải đảo xa xôi. Là một chiến sỹ đã nhiều năm “trụ” trên đảo, chiến sỹ Lê Văn Dũng, Trạm rađa 480, tiểu đoàn rađa đối hải 151 Vùng 1 Hải quân vẫn như nguyên vẹn cái náo nức của người chiến sĩ năm đầu đón xuân trên đảo. Chiến sĩ Dũng nói: “Tôi ra công tác tại đảo Trần từ năm 2000. Mặc dù núi cao đảo xa nhưng được sự quan tâm của các cấp nên chúng tôi cũng an tâm tư tưởng công tác, chắc tay súng bảo vệ đảo”.

Thời tiết đảo Trần khắc nghiệt nhưng các chiến sỹ trên đảo vẫn tăng gia sản xuất. Cả trạm rađa như một trang trại thu nhỏ. Họ tự đảm bảo cuộc sống cho mình bằng cách tổ chức trồng rau, chăn nuôi lợn, gà, bò. Có người còn mang cây sắn từ đất liền ra đảo trồng. “Chúng tôi có đàn bò 35 con, 3 con lợn, gần 100 con gà, 4 ao thả cá đảm bảo tăng cường dinh dưỡng cho anh em”, Thượng úy Nguyễn Trọng Tài, Chính trị viên trạm rađa 480 cho biết.

Với những người lính đảo, biển đảo là cuộc sống, là gia đình, là cả niềm hi vọng, trách nhiệm với Tổ quốc được đặt lên hàng đầu. Dù còn nhiều thiếu thốn về vật chất và tinh thần nhưng những chiến sỹ nơi đây vẫn luôn vững vàng, đoàn kết vượt qua khó khăn, chung tay bảo vệ biển đảo. Họ cùng hướng về đất liền trong bình yên và coi đó là hạnh phúc lớn nhất của mình.

Dấn thân “cắm dùi” trên đảo

Trên đường từ trạm rađa 480 trên đỉnh núi đảo Trần xuống bến tàu để rời đảo, chúng tôi ghé qua đồn Biên phòng đảo Trần. Tại đây, tôi tình cờ được nghe câu chuyện về một gia đình duy nhất dám rời bỏ đất liền để ra “cắm dùi” trên đảo. Dựa lưng vào vách núi vững chắc, hướng ra biển khơi mênh mông, ngôi nhà bé nhỏ của đôi vợ chồng ngư dân này vẫn vững chắc sáu năm nay.

Anh Hoàng Văn Hiển, quê ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cùng vợ là Nguyễn Thị Cảnh, người ở huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh nên duyên vợ chồng từ ngày đánh bắt hải sản thuê cho các chủ tàu. Ban đầu họ cứ đi đi về về giữa đảo và đất liền, lấy thuyền là nhà. Năm 2005, họ quyết định đưa nhau ra đảo Trần cắm chốt, mưu sinh lập nghiệp lâu dài. Bạn bè, họ mạc có người bảo anh chàng này có vấn đề. Nhưng ông bố vợ lại ủng hộ. Ông bảo: Cứ kệ chúng nó, bốn bàn tay, ở đâu mà lập nghiệp được cũng quý!

Anh Hiển, “trụ cột” của gia đình duy nhất sống trên đảo Trần.

Ban đầu khi mới ra đảo, vợ chồng anh Hiển sống trong ngôi lều dựng tạm bằng cót ép của bộ đội Biên phòng Đảo Trần cho mượn. “Nơi đầu sóng ngọn gió, những ngày giông bão, các anh bộ đội ra bảo cả nhà vào đơn vị để tránh bão, tránh mưa”, chị Cảnh nói. Sau đó, một ngôi nhà tạm được dựng lên với sự giúp đỡ của các đơn vị quân đội bảo vệ đảo Trần. Từ đấy trên mảnh đất thừa sóng biển này đã có thêm tiếng khóc, tiếng cười, tiếng bi bô tập nói của trẻ con.

Những lần chồng ra khơi dài ngày, chị Cảnh ở nhà một mình nuôi con. Chị nhờ người về quê mua sách tranh ảnh để dạy con học chữ. Trong khi nhiều người trẻ lên thành phố để mưu sinh thì cặp vợ chồng thế hệ 7x này lại dấn thân ra đảo để mưu sinh. Vượt qua biết bao khó khăn của những ngày đầu tiên, cuộc sống của anh chị nay đã khá ổn định.

Vì là gia đình duy nhất sống trên đảo nên bộ đội chính là “hàng xóm, láng giềng” để vợ chồng chị Cảnh quây quần. Đêm giao thừa, gia đình chị Cảnh cũng làm mâm cơm để cúng trời đất rồi mời các chiến sỹ sang xông nhà. Mọi người quây quần bên nhau quanh mâm cơm đầu năm và uống rượu cho đến sáng.

Theo Đề án đến năm 2013, tỉnh Quảng Ninh sẽ vận động từ 12 - 15 hộ ra định cư trên đảo; thành lập xã đảo Trần thuộc huyện Cô Tô với 2 thôn, thành lập Chi bộ Đảng và vận động thành lập một số tổ chức đoàn thể. Khi ấy, gia đình duy nhất trên đảo Trần này sẽ có thêm những láng giềng mới, và cuộc sống ắt hẳn sẽ thêm nhiều niềm vui.

Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN