“Hiến kế” cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Nhằm nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, mới đây tại tỉnh Trà Vinh, Trường Đại học Trà Vinh phối hợp cùng Viện Nghiên cứu và hợp tác bảo tồn gen Katti (Hungary) đã tổ chức hội thảo...

Với chủ đề “Nghiên cứu phát triển nông nghiệp bền vững” để lắng nghe các nhà khoa học hiến kế. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 40% GDP về nông nghiệp của cả nước, chiếm 52% sản lượng nông nghiệp, 60% tổng sản lượng thủy sản, 90% lượng gạo xuất khẩu, 75% giá trị xuất khẩu hải sản… Có lợi thế, nhưng đây cũng là khu vực đang bị đe dọa và dự báo ảnh hưởng nặng nề về tình trạng mực nước dâng, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể, từ đầu tháng 2 năm nay, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền từ 60-80 km gây thiệt hại nặng cho lúa, hoa màu, cây ăn trái… nuôi trồng thủy sản ở nhiều tỉnh trong khu vực.  

Một góc làng nuôi cá bè trên sông Châu Đốc (An Giang). Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN


“Phân bón thông minh”

Trước tình hình trên, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty RYNAN AgriFoods Trà Vinh đề xuất, cần xây dựng nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông, nghiên cứu cho thấy phân bón thường thảy xuống ruộng là tan biến. Phân đạm khi tan ra bị vi khuẩn biến thành muối amonium, nếu đất bị kiềm thì thành khí amoniac bay đi, một số chuyển hoá thành khí nhà kính bốc hơi. Khoảng 60% đạm mất đi do bốc hơi, bị trôi rửa, lúa chỉ hấp thu 40%. Phân kali và phân lân cũng tương tự. Muốn giảm lượng khí nhà kính do nông nghiệp gây ra cần phải có phân bón thông minh hơn.  

Qua 3 năm nghiên cứu, tìm hiểu từ Hoa Kỳ và Israel về cách làm phân bón tan chậm có kiểm soát, Công ty RYNA AgriFoods Trà Vinh đã tạo ra loại phân bón thông minh, với số lượng sử dụng bằng một nửa phân bón bình thường. Thuận lợi là chỉ cần bón phân một lần cùng lúc sạ lúa (thay vì 3- 4 lần như trước đây), sau đó phân sẽ hoà tan ra từ từ theo thời kỳ phát triển của cây lúa. Điều này giúp tiết kiệm lao động mà thu hoạch tăng khoảng 20%.  

Hiện phân bón thông minh của công ty được triển khai tại 5 hộ dân của Hợp tác xã Tiến Cường (tỉnh Đồng Tháp) với diện tích 1 ha lúa. Qua thời gian thực hiện, nông dân nhận thấy ưu điểm của ruộng sử dụng phân bón thông minh so với ruộng đối chứng là lượng phân bón tiết kiệm được gần 50%. Cây lúa không bị đổ ngã, tỷ lệ hạt chắc nhiều, năng suất đạt cao, tỷ lệ sâu bệnh giảm, giảm phát thải khí nhà kính. Tới đây, công ty sẽ xây dựng mô hình “cánh đồng thông minh” quy mô lớn và có tổ chức hội thảo đánh giá mô hình. 

Liên kết sản xuất

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đề nghị, trong điều kiện biến đổi khí hậu và hạn, mặn ngày càng khốc liệt thì việc ứng dụng khoa học công nghệ để giảm thiệt hại cho cây ăn trái; lai tạo những giống cây chịu hạn, mặn là rất cấp bách. Thời gian qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu, lai tạo một số giống rau, quả thành công như thanh long ruột đỏ; bưởi đường lá cam ít hạt; cam sành không hạt; nhãn lai LĐ11; xoài châu hạng võ; xoài thơm… Đây được xem là tín hiệu tích cực để tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.  
 
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, cần quan tâm đến việc liên kết sản xuất nông nghiệp, bởi chỉ có việc liên kết mới giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ và phát triển chuỗi cung ứng. Theo đó, Nhà nước quy hoạch, quản lý chất lượng bằng thương hiệu và tiêu chuẩn hoá sản phẩm. các nhà khoa học làm nhiệm vụ nhân giống mới, chuyển giao công nghệ, hạ chi phí sản xuất; nhà nông tăng cường sản xuất theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp; nhà doanh nghiệp sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ và kết nối với nông dân để xây dựng vùng sản xuất lớn.   

Cuộc hội thảo còn tiếp nhận nhiều giải pháp khác của các nhà khoa học về chương trình bảo tồn gen để bảo vệ giống vật nuôi kiểu sinh thái của Hungary; nuôi trồng thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu; bảo tồn gen cho động vật ở Việt Nam; liên kết vùng và thích ứng biến đổi khí hậu... Đây là những tâm huyết “hiến kế” của các nhà khoa học từ các nghiên cứu khoa học chuyên sâu về thực trạng và đã ứng dụng hiệu quả, nhằm giúp cho nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững trước những diễn biến của biến đổi khí hậu
Phúc Sơn
Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN