Hệ lụy phụ nữ bỏ nhà qua biên giới - Kỳ cuối: Bài học của người trở về

Chị em phụ nữ do không hiểu biết, bị lừa qua biên giới giờ trở về, được chính quyền, đoàn thể giúp đỡ, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, ổn định tâm lý, chịu thương chịu khó làm ăn. Từ bài học của bản thân trong các buổi sinh hoạt thôn bản, các chị em nói cho mọi người biết về một thế giới phồn hoa, sung sướng, hưởng thụ nơi đất khách quê người chỉ là giả dối, không có thật.

Chị Hàng Thị Ganh (ngồi giữa) ở bản Chù Khèo thấp, xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) giúp cho nhiều chị em tránh bị kẻ xấu dụ dỗ.

Chị Hàng Thị Ganh, dân tộc Mông, 29 tuổi ở bản Chù Khèo thấp, xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) sau gần 5 năm lầm lũi, vất vả ở bên kia biên giới, không chịu được cảnh cả gia đình nhà chồng chửi bới, đánh đập nên mang đứa con nhỏ trốn, may mắn gặp người tốt mang đến công an Trung Quốc trình báo rồi được trả về nước. Bé Lò Thị Hoa, 3 tuổi, bố Trung Quốc, mẹ Việt Nam giờ đây một chốn đôi quê lại không có tình cha yêu thương, săn sóc. Chồng cũ của Ganh cũng đã lấy vợ khác nên chị đành về ở với bố mẹ đẻ. Nhớ lại mình bị kẻ xấu lừa gạt, Hàng Thị Ganh không khỏi bàng hoàng kể: “Tôi đi xuống chợ huyện và bị một người đàn ông dân tộc Mông rủ rê chở đi thị xã chơi, vì thiếu hiểu biết cả tin nên nghe theo. Chở đến cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) họ giao tôi cho 2 người đàn ông khác và đe dọa không đi theo thì sẽ giết chết. Sợ quá, tôi đành chấp nhận nghe theo”.


Về được quê hương, Hàng Thị Ganh vui mừng, rút ra bài học: “Mình không biết bị người xấu lừa bán sang Trung Quốc, ở đó khổ hơn ở nhà nhiều. Giờ mình về được rồi không đi nữa đâu, chồng không thương mình bỏ đi lấy vợ khác thì mình ở với bố mẹ đẻ, yên tâm làm ăn, nuôi dạy con cái. Từ bài học của tôi, chị em trong bản đừng nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ để bỏ nhà đi”.

Trở về nhà, chị Hầu Thị Lử ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu) lại tiếp tục chịu khó làm ăn, chăm sóc gia đình.


Ở bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, chị Hầu Thị Lử, 29 tuổi, dân tộc Mông bị kẻ xấu lừa sang bên kia bên giới và bị công an Trung Quốc bắt giam rồi được trả về nước. Vợ đi khỏi nhà, tìm kiếm không được, để có người chăm sóc các con nhỏ nên anh Giàng A Sinh, 29 tuổi đã lấy vợ khác. Sáu tháng sau vợ về, 2 người đàn bà chung chồng vẫn sống dưới một mái nhà. Khi vợ hai sinh con, đứa bé còn đỏ hỏn trong tay mẹ thì cô để lại cho vợ chồng Sinh chăm sóc, bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở. Hầu Thị Lử biết chồng tốt bụng chấp nhận mình trở về, vẫn dành tình cảm quan tâm nên cô xem con chồng như con ruột của mình để yêu thương như tình mẫu tử. Giờ gia đình sống hạnh phúc, đầm ấm, rộn rã tiếng cười nói vui vẻ.


Chị Hàng Thị Mai, 30 tuổi ở bản Ngài Thầu Thấp (xã Khun Há) là một trong những người bỏ nhà sang bên kia biên giới lấy chồng, mong muốn có một cuộc sống sung sướng, lao động không mệt nhọc như ở quê. Chị bị lừa bán làm vợ một ông già hơn 70 tuổi. Bị gia đình chồng giam cầm, hành hạ, không chịu được nên bỏ trốn. Trong thời gian lưu lạc nơi đất khách, Mai sống chui sống lủi, bơ vơ đói khát.

 

May mắn, Mai gặp một gia đình tốt bụng mang chị đến công an Trung Quốc trình báo và được trả về nước. Trở lại quê hương được hơn 4 năm, chị Mai hiện đã lấy chồng, có cuộc sống ổn định. Gặp chúng tôi, chị kể: “Nghe người xấu rủ rê bảo sang bên ấy lấy chồng sướng lắm, không phải làm vất vả, có tiền nhiều để mua sắm, nghe thế tôi rất thích rồi đi theo. Qua biên giới bị bán cho một ông già gấp đôi tuổi mình, cuộc sống nhà chồng khổ cực nên mình biết bị lừa nên tìm mọi cách bỏ trốn. Nhiều lần, tôi bỏ trốn bị nhà chồng bắt được thì họ đánh đập hành hạ, nhốt kín trong phòng vài ngày không cho ăn uống. Có lần, chồng và mọi người đi ăn cưới xa, tôi đã tìm cách phá cửa mới bỏ trốn được ra ngoài, cứ thế cắm đầu theo đường rừng mà chạy. Về được nhà, tôi mới thấy mình được sống và may mắn hơn nhiều người ở bản vẫn chưa có tin tức”.


Về công tác hòa nhập cho chị em phụ nữ trở về, bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Đường nêu giải pháp: Chính quyền, các đoàn thể địa phương cần gần gũi, giúp đỡ để những phụ nữ trở về ổn định tâm lý, không có suy nghĩ bị người khác xa lánh, kì thị. Vận động chị em phụ nữ tham gia các câu lạc bộ của hội phụ nữ xã, bản và khuyến khích vay vốn, mạnh dạn làm kinh tế vươn lên thoát nghèo. Kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ dân tộc thiểu số không tin, không nghe lời kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ để yên tâm làm ăn kinh tế, vun vén gia đình no ấm, xây dựng bản làng văn hóa.


Bài và ảnh: Việt Hoàng

Hệ lụy phụ nữ bỏ nhà qua biên giới - Kỳ 2: Những ngôi nhà vắng bàn tay phụ nữ
Hệ lụy phụ nữ bỏ nhà qua biên giới - Kỳ 2: Những ngôi nhà vắng bàn tay phụ nữ

Mẹ bỏ nhà đi không tin tức, các con trở thành những đứa trẻ mồ côi thiếu sự quan tâm yêu thương, chăm sóc. Các em tự bươn chải, đùm bọc lẫn nhau hoặc nương tựa họ hàng để sống qua ngày, chờ mong ngày mẹ quay trở lại gia đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN