'Hãy vững tin sức mạnh Trường Sa'

Thiếu tướng Nguyễn Viết Nhiên, Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã có tới 31 lần đến thăm, làm việc tại quần đảo Trường Sa. Ông cũng là người luôn giành nhiều yêu thương và quan tâm tới Trường Sa. Nhân dịp kỷ niệm 40 giải phóng Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2015), Chuẩn Đô đốc đã có cuộc trải lòng về Trường Sa với phóng viên báo Tin Tức - TTXVN với câu mở đầu là: “Trường Sa hôm nay đã thay da đổi thịt và mang đầy sức mạnh, vì thế cả nước hãy cứ tiếp tục yêu thương và vững tin ở Trường Sa!”.

Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Nguyễn Viết Nhiên và đại đức Thích Pháp Đạt, Trụ trì chùa Trường Sa lớn.


Chuẩn Đô đốc cảm nhận về sự đổi thay của Trường Sa như thế nào sau nhiều lần đến thăm và gắn bó với quần đảo này?

Sau 40 năm giải phóng, thực sự diện mạo Trường Sa đã thay đổi rất nhiều! Cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo đã được nâng lên rõ rệt. Tôi còn nhớ, ngày trước tuy vật chất cũng đảm bảo đủ, nhưng do các phương tiện vận chuyển còn hạn chế nên phải 9 tháng mới chuyển gạo ra đảo được một lần, khiến cho chất lượng gạo không cao.

Nay thì chỉ 3 tháng là chúng ta chuyển gạo và thực phẩm ra đảo. Về nước ngọt cũng vậy, ngày trước chưa có nhiều nước ngọt. Bộ đội sinh hoạt tiết kiệm lắm, nước tắm xong phải để tưới rau, thậm chí nước uống cũng phải tiết kiệm. Nhưng nay, nước ngọt đã nhiều hơn vì đã có bể chứa ngay trên đảo, đảm bảo bộ đội đủ nước sinh hoạt. Câu chuyện về rau xanh cũng là một minh chứng sinh động cho sự đổi thay trên đảo. Ngày trước, rau xanh trên đảo cũng rất hạn chế, nhưng nay ở tất cả các đảo và nhà giàn đã có nhiều rau xanh, có thể ăn nhiều bữa như đất liền. Tại những đảo nổi, cán bộ chiến sỹ và người dân đã tự trồng rau, chăn nuôi, đánh bắt hải sản phục vụ cho bữa ăn gia đình...

Chiến sỹ trên đảo Trường Sa đón đọc báo Tin Tức - TTXVN.


Điện sinh hoạt và phục vụ công tác cũng là một kỳ tích. Trước chưa có điện, thông tin liên lạc với đất liền phải dùng máy nổ để phát điện, những đến năm 2007, chúng ta đã thay thế điện máy nổ bằng điện chạy bằng sức gió, pin năng lượng mặt trời công suất lớn hơn nhiều. Các hộ dân đã có thể dùng tủ lạnh. Đường xá nay cũng đã được xây dựng khang trang, nhà cửa kiên cố... 

Nhân dân trên đảo được trang bị cơ bản, được bộ đội giúp đỡ trong sinh hoạt... nên họ rất yên tâm và gắn bó với đảo. Đời sống tinh thần của bộ đội cũng đã được nâng lên rất nhiều. Hoạt động văn hóa phong phú, mạng internet, điện thoại di động đã kéo tình người giữa đảo gần hơn với đất liền. Các đoàn từ đất liền ra thăm nhiều hơn, động viên kịp thời cán bộ, chiến sỹ nơi đảo xa. Mỗi năm trung bình có từ 15 - 17 đoàn ở đất liền ra thăm đảo, kể cả bà con kiều bào, là nguồn động viên hết sức to lớn với lính đảo.

Chúng ta có các thiết chế, máy bay, tàu thủy hiện đại hơn để nối liền với các điểm đảo. Quan trọng nhất là chúng ta đã tập trung mọi sức lực, vật lực để xây dựng Trường Sa mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường. Trên đảo đã quy hoạch khu trồng cây, chăn nuôi, hệ thống công sự, phòng thủ, bảo vệ đảo. Chúng ta cũng đã phát triển từng bước về kinh tế biển với việc xây dựng các âu tàu tạo điều kiện cho bà con ngư dân ra đánh bắt hải sản ở các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa...

Đến với Trường Sa hôm nay, chúng ta đều nhận thấy dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền ở đất liền mà trực tiếp là Quân chủng Hải quân thì Trường Sa đã “thay da đổi thịt”. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa sẽ đủ khả năng, đủ sức để bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Để có một Trường Sa mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của Quân chủng Hải quân, trong đó có công sức của các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên đảo, thưa Chuẩn Đô đốc?

“Chúng tôi tin tưởng đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài luôn hướng đến Trường Sa, nay tiếp tục quan tâm hơn nữa để tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo làm nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Về phía mình, Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo Cục Chính trị, Phòng Dân vận  bằng những việc làm cụ thể cùng với các địa phương, đoàn thể, doanh nghiệp... tiếp tục đầu tư cho Trường Sa bằng những việc làm thiết thực. Trường Sa đang rất cần thêm nhiều công trình, cơ sở vật chất để bộ đội có chỗ rộng rãi trong sinh hoạt...”,

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Nhiên.

Có thể khẳng định với điều kiện vật chất tinh thần, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước, cán bộ chiến sỹ Trường Sa nói riêng và Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung chắc chắn quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển bảo vệ đất nước. Đã có những cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống vì Trường Sa, và tiếp nối truyền thống đó, các chiến sỹ Hải quân vẫn ngày đêm nắm chắc tay súng, yên tâm làm nhiệm vụ dù có khó khăn, gian khổ hay hiểm nguy rình rập.

Dù khó khăn đến mấy, vất vả bao nhiêu thì quân và dân trên đảo Trường Sa vẫn sẽ luôn bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và giữ vững môi trường hòa bình, xây dựng phát triển đất nước. Nhân dân cả nước cứ yên tâm, lực lượng hải quân và đặc biệt lực lượng phòng thủ đảo sẽ là lực lượng nòng cốt giữ vững biển, đảo của Tổ quốc.
 
Xin cảm ơn Chuẩn Đô đốc!

Ninh Hồng Nga (thực hiện)
Tiếng cười bỏ rơi bão tố
Tiếng cười bỏ rơi bão tố

Không thể có hạnh phúc nào hơn khi giữa sóng gió trùng dương tưởng như chỉ có âm thanh của tiếng sóng ta vẫn được lắng nghe và bắt gặp những giọng nói, tiếng cười yêu đời, rạng rỡ hân hoan trên vùng biển đảo thiêng liêng hai tiếng Trường Sa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN