Hậu phương vững chắc từ mô hình 'Phụ nữ đảm đang hướng về Trường Sa'

Câu lạc bộ "Phụ nữ đảm đang hướng về Trường Sa" ở tỉnh Khánh Hòa là nơi có nhiều hoạt động gắn kết các gia đình quân nhân đang công tác tại huyện đảo Trường Sa. Các chị trong Câu lạc bộ không chỉ động viên nhau trong cuộc sống mà còn hỗ trợ làm kinh tế, làm hậu phương vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm việc, bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc.

Chú thích ảnh
 Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Phụ nữ đảm đang hướng về Trường Sa”, quản lý mô hình "yến sào hậu phương" giúp đỡ nhiều chị em trong câu lạc bộ có công việc ổn định. Ảnh: TTXVN phát

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (sinh năm 1990), Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Phụ nữ đảm đang hướng về Trường Sa” vào những ngày giữa tháng 10 khi chị vừa bận rộn điều hành sản xuất kinh doanh vừa lên kịch bản chương trình sinh hoạt cho chị em trong Câu lạc bộ nhân ngày 20/10. Chị Ngọc cho biết, Câu lạc bộ ra đời từ năm 2018, đến nay có khoảng 100 thành viên chính thức.

Nói về cơ duyên đưa chị Ngọc đến với Câu lạc bộ, chị chia sẻ đó là một hành trình dài. Trước khi có công việc kinh doanh yến sào cùng nhiều chị em trong Câu lạc bộ, chị Ngọc làm việc ở khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện Cam Lâm, sân bay quốc tế Cam Ranh. Khi lấy chồng là quân nhân, thường xuyên công tác tại các vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận, Trường Sa và có 2 con, chị Ngọc được chuyển vào khu đô thị Vùng 4 Hải quân sinh sống. Từ năm 2019, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên để có thêm thu nhập cho gia đình, chị mạnh dạn xin nghỉ và chuyển sang làm sơ chế, tinh chế tổ yến sào, rồi bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Cũng từ đây chị đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Phụ nữ đảm đang hướng về Trường Sa" .

Quá trình lập nghiệp của một phụ nữ ở ngưỡng tuổi 30 như chị cũng đầy vất vả khiến nhiều người ngưỡng mộ. Năm 2020, do kinh phí eo hẹp chị Ngọc mua máy sấy yến nhỏ và thuê 2 thợ làm sạch tổ yến thô, chị phụ trách khâu quan trọng nhất, đắp khuôn, sấy, đóng hộp và tiêu thụ. May mắn, trong giai đoạn này, chị Ngọc được sự hỗ trợ, đồng hành của các đơn vị nhằm giúp gia tăng thu nhập cho người thân của các quân nhân. Việc làm ăn thuận lợi cũng là lúc chị Ngọc nghĩ đến phát triển mô hình “yến sào hậu phương”. Mô hình này nhen nhóm và phát triển như một hợp tác xã nhỏ tại khu đô thị Vùng 4 Hải quân. Phương châm phải làm ra sản phẩm chất lượng từ sự tỉ mỉ, khéo léo của những người phụ nữ là hậu phương của quân nhân Trường Sa, sản phẩm yến sào sau khi tinh chế hoàn hảo, đảm bảo chất lượng nhất, đẹp mắt nhất khi đến với người tiêu dùng trong và người nước đã giúp chị Ngọc nhận về phản hồi tích cực trên các trang bán hàng trực tuyến.

Đầu năm 2022, nhờ hiệu quả của mô hình, chị Ngọc mạnh dạn phổ biến đến nhiều chị em trong và ngoài Câu lạc bộ cùng tham gia. Đến nay, mô hình “yến sào hậu phương” của chị Ngọc đã có khoảng 30 chị em tham gia, trong đó có 2 chị làm việc cố định, số còn lại làm bán thời gian. Thu nhập bình quân của mỗi chị em từ 6-12 triệu đồng/tháng tùy số lượng thành phẩm được làm ra và sẽ cao hơn nếu bán được sản phẩm.

Chú thích ảnh
 Mô hình “yến sào hậu phương” hiện có khoảng 30 chị em thực hiện các công việc khác nhau như sơ chế, tinh chế, đóng gói yến sào nhằm nâng cao kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Ảnh: TTXVN phát

Cùng là vợ quân nhân, chị Nguyễn Thị Dung, năm nay 29 tuổi cho biết, chị gắn bó với mô hình "yến sào hậu phương" từ ngày đầu khai trương. Công việc của chị là làm sạch tổ yến thô và được trả lương theo tuần, bình quân chị Dung nhận được 10-12 triệu đồng/tháng. Với công việc nhặt lông yến, chị Dung có thể chủ động thời gian đưa đón con đi học, nếu có việc gia đình chị có thể xin nghỉ mà không ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Tham gia sơ chế yến sào, ngoài nâng cao thu nhập gia đình, chị Dung còn có thời gian sinh hoạt Câu lạc bộ, thấy tự tin hơn, gắn kết với các chị em khác như một gia đình.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Phụ nữ đảm đang hướng về Trường Sa" Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho biết rất vui và hạnh phúc vì mô hình đem đến việc làm, niềm vui cho nhiều người. Có chồng là quân nhân nên những lúc đi công tác, mọi việc trong nhà đều một mình các chị gánh vác. Vì vậy, chị Ngọc rất thấu hiểu và muốn lan tỏa mô hình “yến sào hậu phương” đến tất cả chị em là hậu phương của quân nhân cùng tham gia để phát triển kinh tế gia đình.

Bà Trịnh Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cam Ranh thông tin thêm, Câu lạc bộ "Phụ nữ đảm đang hướng về Trường Sa" không chỉ phát triển phong trào cho chị em tham gia mà còn có mô hình kinh tế, giúp đời sống của nhiều thành viên ngày càng đi lên. Quan trọng nhất, việc sơ chế, tinh chế yến sào giúp chị em chủ động thời gian chăm lo con cái, chồng yên tâm công tác, bảo vệ biên giới hải đảo Tổ quốc. Các dịp đặc biệt, Câu lạc bộ còn đến thăm hỏi các mẹ, gia đình quân nhân khó khăn, động viên họ cùng cố gắng vượt qua.

“Đặc thù địa bàn có nhiều gia đình quân nhân sinh sống nên Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cam Ranh cũng có nhiều kế hoạch, chương trình, mô hình, câu lạc bộ để chị em tham gia sinh hoạt. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn mỗi chị em trong gia đình quân nhân luôn có chí hướng phát triển bản thân, thấu hiểu và cảm thông với chồng để cùng nuôi dạy, phát triển gia đình thật tốt. Tổ chức Hội luôn là cầu nối, điểm tựa để hậu phương Trường Sa chia sẻ mỗi ngày”, bà Trịnh Thị Thu Huyền khẳng định.

Phan Sáu (TTXVN)
Phụ nữ Thanh Hóa đỡ đầu hàng nghìn trẻ em mồ côi, khó khăn
Phụ nữ Thanh Hóa đỡ đầu hàng nghìn trẻ em mồ côi, khó khăn

Mặc dù mới được phát động nhưng chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” hỗ trợ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi đã và đang lan tỏa trong các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN