Hàng rào đường sắt, bài học đắt giá

Hơn 124 km hàng rào ngăn cách đường bộ và đường sắt ở nhiều địa phương đã xây dựng xong nhưng không phát huy tác dụng như mong muốn trong đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), gây lãng phí.


Bất cập chồng bất cập


Cách đây ít lâu, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh thực trạng các vị trí hàng rào ngăn cách giữa đường bộ và đường sắt để đảm bảo trật tự ATGT ở nhiều địa phương đang bị người dân địa phương tự ý cắt ra để làm lối đi. Sự việc này đã gây lãng phí đầu tư, thậm chí gia tăng nguy cơ TNGT tại các điểm cắt.


Bên cạnh đó, theo nhiều cuộc khảo sát mới đây của Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), thiết kế thi công các hàng rào cũng đang bộc lộ nhiều bất cập dễ gây che khuất tầm nhìn và mất ATGT.


Đường gom tại đường Mạc Thị Bưởi, TP Nam Định.


Hàng rào hộ lan ngăn cách đường sắt và đường bộ trên QL 1A cũ qua thị trấn Văn Điển, huyện Thường Tín và Phú Xuyên (Hà Nội), cứ đến đoạn đường ngang dân sinh vào nhà dân thì... để trống, chỉ rào những đoạn không ai đi đến. Tại khu vực này, các đường ngang dân sinh san sát, thậm chí cứ khoảng 5 m lại có một đường ngang, nên tỷ lệ thuận với nó là những “lỗ thủng” hàng rào để người và phương tiện qua lại.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi thi công đoạn hàng rào này, đơn vị thi công đã vấp phải sự phản đối của các hộ dân sinh sống bên kia đường sắt vì họ sợ mất lối đi. Thậm chí ngay sau khi rào xong, nhiều đối tượng đã phá rào, làm lối đi qua đường sắt vào nhà.

Trích Thông tư số 33/2012/TT-BGTVT ngày 15/8/2012

Thông tư quy định về đường ngang

Chương V

QUY ĐỊNH VỀ GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG NGANG

Điều 41. Giao thông trên đường ngang

Người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang phải thực hiện quy định sau đây:

1. Phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt;

2. Phải chấp hành hướng dẫn của người gác đường ngang hoặc tín hiệu phòng vệ đường ngang:

a) Hiệu lệnh của người gác chắn, cờ đỏ, biển đỏ, đèn đỏ;

b) Chắn đường bộ;

c) Tín hiệu đèn, tín hiệu chuông.

3. Khi có báo hiệu dừng (hiệu lệnh của người gác chắn, cờ đỏ, biển đỏ, đèn đỏ, còi, chuông kêu, chắn đã đóng), người và tất cả các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước báo hiệu dừng (trước “vạch dừng” nêu tại Điều 21 của Thông tư này).

4. Nghiêm cấm người không có nhiệm vụ tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng.

5. Cấm người không có trách nhiệm leo trèo, xê dịch, động chạm vào các tín hiệu, thiết bị đường ngang; vào nhà gác đường ngang.

6. Đối với đường ngang quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 của Thông tư này, người đi bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi sắp đi vào đường ngang phải dừng lại, chú ý quan sát biển báo, lắng nghe còi tàu, quan sát trên đường sắt từ xa ở 2 phía đường ngang, nếu thấy tàu hoặc phương tiện giao thông đường sắt đang đến gần đường ngang thì phải dừng trước đường ngang cách má ray ngoài cùng trở ra ít nhất 5 m và phải tự chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn.

Điều 42. Dừng, đỗ xe trong phạm vi đường ngang

1. Trong phạm vi đường ngang, cấm quay đầu xe và dừng, đỗ xe.

2. Khi cần phải đỗ xe gần đường ngang, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải chấp hành biển chỉ dẫn giao thông đường bộ, nơi không có biển chỉ dẫn thì phải đỗ xe cách xa chắn đường bộ ít nhất 10 m ở nơi có chắn hoặc đỗ cách xa má ray ngoài cùng ít nhất 20 m ở nơi không có chắn nhưng không được ảnh hưởng đến tầm nhìn của người quan sát hệ thống báo hiệu đường ngang.

Điều 43. Phương tiện đặc biệt khi qua đường ngang

Xe bánh xích, các loại xe lu bánh sắt, các phương tiện vận tải chuyên chở hàng siêu trường, siêu trọng, quá khổ giới hạn lưu thông trên đường bộ, trước khi đi qua đường ngang phải báo trước với nhân viên gác chắn để người đó bố trí và hướng dẫn đi qua đường ngang. Nơi không có nhân viên gác chắn thì phải báo trước cho đơn vị quản lý trực tiếp đoạn đường sắt đó để cử người phòng vệ và hướng dẫn đi qua đường ngang.

Điều 44. Xử lý khi có trở ngại trên đường ngang

Khi phương tiện giao thông đường bộ bị hư hỏng, bị tai nạn hoặc hàng hóa rơi đổ tại đường ngang không có nhân viên gác chắn mà điểm gần nhất của xe hoặc của hàng hóa cách ray ngoài cùng nhỏ hơn 1,7 m thì người điều khiển phương tiện giao thông đó phải tìm biện pháp để báo hiệu cho tàu dừng trước chướng ngại theo quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này.

Điều 45. Xe thô sơ, súc vật qua đường ngang

Đoàn xe thô sơ, đàn súc vật khi qua đường ngang phải được chia ra từng tốp nhỏ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Đối với súc vật qua đường ngang, người coi dẫn súc vật phải dẫn dắt chúng.

Thực trạng này cũng xảy ra tại các đoạn hàng rào qua đường sắt qua các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Phú Thọ... Tại tuyến đường sắt lý trình km 79+ 612, km 90+931 và km91+600 qua tỉnh Nam Định, chúng tôi cũng ghi nhận những đoạn hàng rào bị cắt nham nhở theo kiểu “cài răng lược”.


Nguy hiểm hơn cả là những cọc đỡ hàng rào vẫn được để lại chắn ngang lối đi rất nguy hiểm cho các phương tiện qua lại vào ban đêm khi những điểm này không có đèn chiếu sáng. Và tất cả những điểm này đều chưa có đường gom.


Một bất cập nữa đối với hàng rào hộ lan hiện nay là rào quá cao, khoảng 1,5 m đã che tầm nhìn người đi đường, thậm chí che mất biển báo hiệu đường sắt.


Theo quy định, cách 50 m vào đến đường ngang, các hàng rào phải được hạ dần độ cao về không, nhưng tất cả đều không thi công đúng quy trình và thiết kế, vừa gây lãng phí lại mất ATGT. Đặc biệt tại vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt ra đường bộ và tại phạm vi đường cong của đường bộ, nhiều biển báo đường bộ cũng đã bị hàng rào che khuất, gây khó khăn rất lớn cho người tham gia giao thông.


Bài học thực tế


Tác dụng của đường gom đã được minh chứng tại thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục, Hà Nam. Đầu năm nay, Tổng Công ty ĐSVN và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã khánh thành công trình đảm bảo ATGT đường sắt, hàng rào đường gom từ km 67+520 đến km 68+150 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.


Đây là địa phương có số đường ngang qua đường sắt cao nhất cả nước (9,95 đường ngang/1 km đường sắt). Năm 2011, Hà Nam xảy ra 36 vụ TNGT đường sắt, làm chết 19 người và bị thương 26 người, đứng thứ 3 về số vụ TNGT đường sắt trong 34 tỉnh, thành có đường sắt đi qua, trong đó có nhiều vụ xảy ra tại đường ngang bất hợp pháp.


Khi công trình đường gom được đưa vào sử dụng, TNGT tại những đường ngang ở Hà Nam đã giảm đáng kể, không có tình trạng người dân phá rào để làm lối đi. Và một đường gom tại đường Mạc Thị Bưởi, TP Nam Định cũng đang phát huy tác dụng rất tốt, xử lý triệt để nạn phá hàng rào.


Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Tổng cục ĐBVN và TCT ĐSVN với chức năng chủ đầu tư các dự án xây dựng hàng rào ngăn cách đường sắt và đường bộ, phải sửa chữa những tồn tại trên.


Tại những đoạn đã thi công xong, đơn vị chủ đầu tư phải khảo sát hạ thấp độ cao hàng rào. Dịch chuyển hàng rào cách mép thảm nhựa 0,5 m theo đúng thiết kế. Hiện còn hơn 165 km chưa thi công hàng rào, Bộ yêu cầu dừng thi công. Tại những vị trí qua khu dân cư chưa đóng được đường ngang dân sinh, cần nghiên cứu đề xuất bổ sung xây dựng đường gom và thực hiện theo nguyên tắc làm đường gom trước, rào hộ lan sau.


Khi chưa làm được đường gom thì không đầu tư làm hàng rào. Đây là một động thái tích cực, đảm bảo hiệu quả đầu tư.



Thành Hiển

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN