Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam

Trước thông tin của một số báo cho rằng Hàn Quốc đã ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Xơun đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hải Nam, Tham tán, Trưởng ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về vấn đề này.


Lao động Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc tại sân bay Incheon ngày 27/9/2011.

´Ông có thể cho biết một số nét khái quát về tình hình lao động Việt Nam tại Hàn Quốc thời gian gần đây?

- Thực hiện thỏa thuận giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động Hàn Quốc về chương trình cấp phép lao động nước ngoài (EPS), từ năm 2004 đến nay đã có trên 60.000 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Trong tổng số 15 nước gửi lao động sang Hàn Quốc, Việt Nam luôn là nước đứng đầu về số lượng lao động với khoảng 25% tổng số lao động diện EPS đến Hàn Quốc. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đưa được trên 12.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc, tiếp tục duy trì vị trí số một và vượt xa nước thứ hai là Xri Lanca với 4.463 lao động nhập cảnh.

Nhìn chung, lao động ta được chủ sử dụng Hàn Quốc đánh giá cao về sự cần cù, sáng tạo, tiếp thu kỹ thuật nhanh, tay nghề khá và đặc biệt được chủ xí nghiệp Hàn Quốc ưa thích nhất hiện nay. Tuy nhiên, lao động Việt Nam có trình độ ngoại ngữ yếu, ý thức tổ chức kỷ luật kém... Đặc biệt, thời gian gần đây tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ra làm việc bất hợp pháp và xin chuyển xưởng không có lý do chính đáng diễn ra liên tục buộc phía Hàn Quốc phải tạm dừng kỳ thi tiếng Hàn (dự định tổ chức vào ngày 7/8 vừa qua).

´Báo chí Hàn Quốc và Việt Nam có đề cập rất nhiều đến vấn đề lao động VN hết hợp đồng trốn ở lại làm việc bất hợp pháp và tỷ lệ lao động VN bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc ngày một tăng. Ông có thể cho biết thực trạng của vấn đề này?

- Tính đến nay, tổng số lao động nhập cảnh theo chương trình EPS của Việt Nam là 64.603 người, trong đó số lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp là 9.520 người, chiếm 14,7%. Trong khi đó, tỷ lệ bỏ trốn của lao động nước ngoài khác ở Hàn Quốc chỉ là 8,4%. Trong năm 2011, trong số 8.000 lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng về nước thì số bỏ trốn ở lại làm việc bất hợp pháp đã tăng lên mức 49,5%.

Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến việc lao động trốn ở lại làm việc bất hợp pháp nhưng chủ yếu vẫn là muốn kiếm tiền nhiều hơn. Bên cạnh đó, một số khác thì vì lý do cá nhân, gia đình, tình cảm. Thực tế là, nếu lao động về nước sẽ phải đối mặt với vấn đề tìm việc làm và thu nhập cũng thấp hơn.

´Chính sách của chính phủ Hàn Quốc đối với lao động nước ngoài nói chung và lao động Việt Nam nói riêng có gì thay đổi?

- Để khuyến khích người lao động hết hợp đồng về nước, chính phủ Hàn Quốc tổ chức các khóa học dạy nghề miễn phí cho người lao động nước ngoài như: Vi tính, cơ khí, lái xe, tiếng Hàn, khởi sự doanh nghiệp... đồng thời xây dựng trang web về tìm việc làm tại các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại nước ngoài, giúp người lao động khi hết hạn hợp đồng về nước có thể tìm việc làm mới. Đối với những lao động có nguyện vọng trở lại Hàn Quốc thì theo quy định hiện hành, sau 6 tháng về nước họ có thể đăng ký thi tiếng Hàn và làm các thủ tục để đến Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, thời gian tới phía Hàn Quốc sẽ trình Quốc hội sửa đổi luật, cho phép người lao động nước ngoài về nước sau 3 tháng sẽ được quyền quay lại làm việc tại Hàn Quốc mà không phải thi lại tiếng Hàn.

Đối với người lao động cư trú bất hợp pháp, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thường xuyên tổ chức truy quét và trục xuất về nước. Những người thuộc diện bị trục xuất sẽ bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc trong thời hạn 5 năm. Ngoài ra, các chủ sử dụng lao động bất hợp pháp cũng bị cấm tiếp nhận lao động nước ngoài trong thời hạn 3 năm và bị phạt tiền lên tới 20 triệu won (khoảng 200 triệu đồng).

Ngày 29/9, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Ngọc Quỳnh khẳng định, Hàn Quốc vẫn tiếp tục nhận lao động Việt Nam và hàng tuần, vẫn có các chuyến bay đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS). Những lao động khác đã được phía doanh nghiệp Hàn Quốc đồng ý tiếp nhận đang tham gia các khóa giáo dục định hướng trước khi đi và làm các thủ tục xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc trong thời gian tới. Theo ông Quỳnh, để khắc phục tình trạng lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp để đưa người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn hợp đồng như tăng cường công tác quản lý lao động của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động về trách nhiệm phải về nước đúng hạn. TTN

Thời gian tới, nếu chúng ta có những biện pháp hữu hiệu giảm thiểu tình trạng bỏ trốn thì phía Hàn Quốc sẽ nối lại kỳ thi tiếng Hàn. Nếu thất bại, Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 9.000 hồ sơ để phía sử dụng lao động Hàn Quốc tuyển chọn. Điều hiển nhiên là sau số này sẽ không có thêm lao động Việt Nam nào được sang Hàn Quốc nữa. Trường hợp xấu nhất, nếu tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ra làm việc bất hợp pháp vẫn tiếp tục gia tăng thì phía Hàn Quốc có thể sẽ buộc phải áp dụng biện pháp là tạm ngưng tiếp nhận lao động Việt Nam như báo chí đã nêu.

´Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề lao động bỏ trốn?

- Ban quản lý lao động thường xuyên phối hợp với phía Hàn Quốc trực tiếp đón lao động tại sân bay, hướng dẫn các thủ tục nhập cảnh, tham gia đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động tại trường đào tạo nghề của Hàn Quốc. Ngoài ra, Ban chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh đối với lao động Việt Nam tại Hàn Quốc như: Tranh chấp khiếu nại, tai nạn lao động, tử vong và tư vấn cho người lao động về các chế độ chính sách của Việt Nam và Hàn Quốc. Định kỳ hàng tháng, cán bộ Ban đều đi thăm các Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài, trực tiếp đến nơi làm việc và ăn ở để gặp gỡ nói chuyện, khuyên bảo, thuyết phục người lao động tuân thủ các quy định và phân tích rõ tác hại của việc bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp.

Xin cảm ơn ông!

Anh Nguyên - Việt Cường (P/v TTXVN tại Hàn Quốc)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN