“Hai lúa” quê chiếu chế tạo máy

Hai nông dân vùng quê chiếu Nga Sơn (Thanh Hóa) đã tự mày mò sáng chế nên những sản phẩm phục vụ nông dân ngay tại chính đồng đất quê mình. Những chiếc máy bơm được nâng công suất lên gấp hai tới ba lần hay chiếc máy dệt chiếu có thể thay thế đến hai nhân công tiết kiệm sức lao động đã ra đời… làm thay đổi diện mạo một vùng làng nghề lâu nay chỉ quen với lao động thủ công.

Hai “nhà sáng chế” của… xã

Trong tiếng xập xập của chiếc máy dệt chiếu bán tự động, từng sợi chiếu được bắt mép gọn ghẽ như người thiện nghệ. Tay vừa đẩy thanh đòn, anh Trần Văn Phong (47 tuổi) ở thôn 7, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) vừa nói: “ Nó có thể thay thế được 6 lao động lành nghề đấy. Năng suất một ngày có thể đạt từ 10 đến 12 lá chiếu có chiều ngang 1,2m”.

Anh Hưng giới thiệu về chiếc máy bơm vừa sáng chế.


- Huyện Nga Sơn, từ lâu nổi tiếng sản phẩm chiếu cói được mang đi khắp mọi miền đất nước. Người dân Nga Sơn thu nhập chủ yếu cũng là chiếu cói. Để làm ra một lá chiếu phải có từ hai lao động thủ công làm trong khoảng 6 tiếng, trung bình hai người làm chiếu trong một ngày cũng chỉ được 2 đến 3 lá, giá bán ra tính thu nhập mỗi ngày một người chỉ khoảng 30.000 đồng. Huyện Nga Sơn hầu hết làm chiếu nên người dân nơi đây đến 40,50 tuổi là mắc bệnh các bệnh về xương khớp, đau dây thần kinh tọa…

Cái nghề “ngồi chai đít quần” đã ám ảnh anh Phong đến nhói lòng. Bao lần trăn trở, bao đêm vắt tay lên trán suy nghĩ, từ mô hình máy dệt vải, anh thử áp dụng cho… dệt chiếu. Nhưng sợi vải mềm và mỏng hơn rất nhiều so với sợi cói. Ý tưởng đó được một người bạn nữa bắt tay chung sức là anh Đặng Văn Nguyên (55 tuổi) cùng thôn.

Hai anh em quyết định dồn hết gia tài mua một chiếc máy dệt vải để… thí nghiệm. Vợ con hai anh thấy bán đi những con gà cuối cùng thì lo lắng gọi anh em họ hàng đến khuyên can. Bỏ mặc ngoài tai, hai anh vẫn khênh chiếc máy dệt trị giá gần 20 triệu đồng về nhà. Vào năm 1995, số tiền đó đã là một gia tài mà nhiều nông dân ở Nga Sơn ao ước có được.

Anh Phong bên chiếc máy dệt chiếu. Anh bảo: “Nó vận hành đơn giản lắm”.


Thế là hai anh phải tháo tung cái máy dệt vải ra, tính lại từng bộ phận như đòn tay, bánh răng dệt phải to hơn mới được. Khó khăn nhất là mình… chẳng biết gì, không qua trường lớp gì, nên phải tự mày mò mọi thứ. Rồi chiếc máy dệt chiếu đầu tiên do “hai nhà sáng chế” gồm các bộ phận chính như: Lô lăn giữ đay, bàn răng ép cói, bàn đệm cói... Bộ khung của máy được làm bằng gỗ, có chức năng vừa giảm tiếng ồn, vừa giảm độ rung khi máy hoạt động. Đến bây giờ khi đã thử nghiệm ứng dụng thành công ban đầu, hai anh vẫn chưa hài lòng với mình: “ Điều mà anh em trăn trở nhất bây giờ là có thể dệt ra các lá chiếu tự cuốn tự nhả, vắt được các mép chiếu vào trong đẹp như dệt tay và nhanh như dệt vải và dệt được chiếu có chiều ngang 1,5m”.
Giá bán mỗi chiếc máy dệt chiếu này khoảng trên, dưới 20 triệu đồng. Hiện nay xưởng cơ khí của anh Phong và anh Nguyên đang tập trung sản xuất máy dệt chiếu để bàn giao cho 50 khách hàng trong huyện đặt mua đầu tiên.

Cùng con đường với nhà anh Phong, chỉ cách độ chừng vài trăm mét cũng có nhà sáng chế khác. Tuy hai người ở hai xã khác nhau nhưng cùng nằm trên con đường chính của huyện. Anh là Vũ Thái Hưng ( xóm 1, Nga Thủy, Nga Sơn, Thanh Hóa). Với chiếc máy bơm cấu trúc hỗn hợp được công nhận là sản phẩm tiêu biểu địa phương năm 2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Còn trước đó một năm là chiếc máy bơm đa năng, Hưng được nhận giải Nhì (không có giải Nhất) Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa (năm 2004 - 2005).

Khoảng gần 30 năm nay, những sáng chế khoa học của anh Hưng cũng khiến nhiều người ước ao, năm 1978 là chiếc cần ga máy lõi, 2000 là chiếc máy guồng lõi, 2005 là chiếc máy bơm đa năng và 2010 là chiếc máy bơm cấu trúc hỗn hợp.

Hưng chỉ cho tôi sản phẩm mới nhất mà anh vừa sáng chế, đó là chiếc máy bơm dài quá cỡ nhưng vẫn chẳng khác máy bơm bình thường là bao. Nhưng Hưng lại bảo: “ Trông thế thôi, chứ lưu lượng nước gấp ba lần cột áp, tương đương so với máy bơm ly tâm hiện đại. Chiếc máy này có các ưu điểm như trước khi vận hành không phải mồi nước, thân cột nước bơm được kéo dài hơn, cột áp nước cao hơn, công suất ra nước cao gấp sáu lần, tiêu thụ điện năng giảm ba lần và giá thành giảm hai lần so với các loại máy bơm khác đang có mặt trên thị trường”.

Máy bơm cấu trúc hỗn hợp vừa có thể bơm nước, vừa có thể rà hút bùn, dọn đáy ao, bơm hút bể phốt, cống rãnh do máy có bộ phận băm, chém, nghiền rác thành chất lỏng, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân làm kinh tế trang trại vườn rừng, nuôi tôm công nghiệp.

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Ban đầu từ cửa hiệu sửa chữa máy móc nhỏ chỉ phục vụ trong làng trong xã, nay xưởng của Phong đã mở rộng quy mô lên thành xưởng máy với đầy đủ những máy móc. Từ đam mê khám phá mày mò đi đến quyết định thành lập xưởng lớn là cả một gia tài mà không phải ai cũng có được. Hưng bảo: “ Ngày đầu mở xưởng, tôi đã vay ngân hàng lên tới gần 400 triệu đồng, ngay cả sổ đỏ của nhà cũng thế chấp ngân hàng... Nhưng quan trọng nhất vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tôi đang có kế hoạch liên kết với trường đào tạo công nhân kĩ thuật hoặc xí nghiệp cơ khí để những máy móc mà mình sáng chế có thể được sản xuất hàng loạt. Khi đó thì những ứng dụng của mình mới đến được với nhiều người hơn…”. Đến bây giờ, sau 5 năm xưởng của Hưng đi vào hoạt động, anh đã trả hết nợ ngân hàng và bắt đầu làm ăn có lãi. Xưởng của anh đã có hơn 10 công nhân là người địa phương ngày đêm không làm hết việc với thu nhập hơn 2 triệu/ tháng.

Một góc xưởng máy tại nhà anh Hưng.


Trong khi Hưng phải mất đến gần 5 năm để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình thì chiếc máy dệt chiếu bán tự động của Phong có đầu ra may mắn hơn. Ngay từ khi mới cho ra chiếc máy dệt chiếu đầu tiên với nhiều thiếu sót thì Công ty Xuất nhập khẩu Thủ công nghiệp Việt Trang chuyên sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đã đặt hàng và cho đưa vào ứng dụng trong dây chuyền sản xuất. “ Lô chiếu đầu tiên dệt bằng máy đã được xuất khẩu sang Nhật và được thị trường Nhật đánh giá cao và đặt hàng tiếp”, Phong hồ hởi khoe.

Tuy máy dệt chiếu của Phong công suất nhanh hơn rất nhiều so với dệt thủ công nhưng vẫn phải gia công lại mép chiếu và các hoa văn trang trí. “Những thiếu sót này khắc phục được sẽ tạo ra dây chuyền dệt chiếu khép kín. Khi đó thì giá thành của chiếc chiếu sẽ hạ xuống mà không mất nhiều nhân công như bây giờ...”, Phong tâm sự.

Nhưng đó là kế hoạch trong tương lai, và thiết nghĩ cũng cần rất nhiều cái bắt tay của các bên như: Nhà quản lý, doanh nghiệp và các “nhà sáng chế“… Còn hiện tại thì anh Phong vẫn miệt mài làm việc tại cửa hiệu hàn xì nhôm, sắt của gia đình, và chỉ cần bà con trong xã ới một tiếng là hai nhà sáng chế có mặt và phục vụ hết mình.

Bài:Bùi Yến - Ảnh: Hải Thị

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN