Hải Dương đạt nhiều thành tựu sau 20 năm tái lập tỉnh

Sau 20 năm tái lập tỉnh (1/1/1997 - 1/1/2017), từ một tỉnh thuần nông, Hải Dương đã có sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, xây dựng được nền tảng kinh tế - xã hội đồng bộ, vững chắc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong thời kỳ 1997 - 2016 của tỉnh đạt 9,3%/năm, tăng cao hơn bình quân chung của cả nước. Năm 2016, quy mô kinh tế lớn gấp 17,2 lần năm 1997. Giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh đã thu hút được trên 135.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển toàn xã hội. Tỉnh hiện có gần 9.500 doanh nghiệp hoạt động, với tổng vốn đăng ký là 72.000 tỷ đồng. 

Toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp đang xây dựng và hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 60%. Nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường được đầu tư phát triển mở rộng. Năm 2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 10.600 tỷ đồng, gấp 26 lần so với năm 1997 (399,4 tỷ đồng), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46,5 triệu đồng, gấp 16 lần (năm 1997 là 2,9 triệu đồng). Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 1997 - 2016 tăng 28,8%/năm, năm 2016 đạt giá trị hơn 4,5 tỷ USD… 

Toàn cảnh thành phố Hải Dương.

Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp lần đầu tiên có tỷ trọng vượt qua nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, chiếm 36,6% (nông nghiệp 35,4%). Đến năm 2016, công nghiệp đã chiếm 53,1% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 250.000 lao động.

Hải Dương đang tập trung phấn đấu để sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu đến năm 2020, cơ cấu kinh tế sẽ là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 11%; công nghiệp, xây dựng 56%; dịch vụ 33%. Giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu tăng trưởng bình quân 11%/năm. Để tiếp tục khẳng định vị thế ngành kinh tế trọng yếu, tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch và định hướng phát triển công nghiệp. Các ngành Công nghiệp đang tái cơ cấu theo hướng tập trung phát triển, nâng cao năng lực và tỷ trọng sản phẩm có lợi thế, có giá trị nội địa cao như: Điện tử, viễn thông, thép chất lượng cao, ô tô, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí, may, giầy.

Nhà máy sản xuất linh kiện ô tô Kefico tại Khu công nghiệp Đại An, Hải Dương.

Tỉnh Hải Dương luôn quan tâm, chú trọng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư quy hoạch vùng sản xuất, thực hiện dồn điền, đổi thửa, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa. Năm 2016, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 136 triệu đồng/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Hải Dương đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, bình quân chung toàn tỉnh đạt 15,6 tiêu chí/xã; đã có 86 xã đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới. 

Nghề làm gốm Chu Đậu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Thực hiện khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, tỉnh Hải Dương đã tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng quan trọng có tác động tới phát triển liên vùng và phục đời sống dân sinh, như: Dự án cầu Hàn, nút giao lập thể Ngã Ba hàng trên quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và đường tỉnh 390, đường 388 đoạn An Thái - Mạo Khê và nhất là mạng lưới giao thông nông thôn… Các dự án này đã và đang góp phần hình thành những tuyến giao thông huyết mạch kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. 

Nhiều trang thiết bị y tế hiện đại được đầu tư phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Hải Dương luôn duy trì thứ hạng cao về chất lượng, trong đó số lượng học sinh giỏi quốc gia đứng thứ 6, chất lượng giáo dục đại trà đứng thứ 2 toàn quốc. Đến nay, toàn tỉnh có 517 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 55,85%). Mạng lưới hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được duy trì, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được nâng lên.

Ngoài ra, công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe được đẩy mạnh, các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện tốt. Năm 2016, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 81%, đạt 8,2 bác sĩ (năm 1997 là 3,2 bác sĩ) và 32,5 giường bệnh trên 1 vạn dân (năm 1997 là 20,5 giường bệnh).

Trồng cam Canh Thất Hùng mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Đây là những điều kiện có ý nghĩa tiền đề để từ năm 2017, Hải Dương vinh dự đón nhận trọng trách là trong số 16 tỉnh, thành sẽ cơ bản tự cân đối thu - chi và dần có đóng góp với ngân sách Trung ương.

Sau 20 năm tái lập, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo; khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế, phát huy tốt mọi nguồn lực, để xây dựng địa phương trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Bài và ảnh: Phương Hoa
Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Hải Dương
Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Hải Dương

Ngày 23/12, tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã tổ chức Trưng bày chuyên đề: “Hải Hưng- những năm tháng lịch sử và thành tựu kinh tế xã hội Hải Dương sau 20 năm tái lập tỉnh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN