Hà Tĩnh: Hàng trăm hộ dân phá rừng phòng hộ để trồng sắn

Hàng trăm hộ dân đã tự ý lấn chiếm, khai hoang để trồng mới hàng chục ha sắn trong rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh và rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thuộc các tiểu khu 362, 381, 393a, 394. Chủ rừng và chính quyền địa phương lại thờ ơ, hành động không quyết liệt, để xảy ra nạn phá rừng trên diện rộng.

Theo thống kê sơ bộ của Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Nam Hà Tĩnh, xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh) có trên 40 hộ khai hoang, xâm hại hàng chục ha rừng để trồng sắn ở tiểu khu 381, 393A, 394. Tại xã Kỳ Thượng cũng có gần 50 hộ phá rừng trồng sắn thuộc rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ ở tiểu khu 362 và một số diện tích rừng thuộc rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh. Còn thống kê chưa đầy đủ của trạm kiểm lâm Kỳ Hợp cho thấy riêng rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ ở tiểu khu 362, 367 đã bị lấn chiếm hơn 38 ha.

"Khai hoang” rừng để trồng sắn. Ảnh: Công Tường


Đi trên con đường 12, đoạn qua địa phận xã Kỳ Sơn, khoảng 8 km đến tiểu khu 381, chúng tôi thấy ngay một khu rừng đã bị triệt hạ từ lâu còn trơ những gốc cây to nham nhở được hộ ông Phạm Hữu Quỳnh ở xóm 3 Sơn Bình (Kỳ Sơn) khai hoang trồng sắn. Theo ước tính của một cán bộ (BQL RPH) Nam Hà Tĩnh thì diện tích này khoảng trên 1.000 m2. Đứng ở quả đồi này nhìn ra xa, thấp thoáng trong màu xanh của rừng còn có những khoảng trống lộ đất vàng do người dân xâm hại. Sang quả đồi khác, chúng tôi phát hiện một lán trại đang còn mới nguyên của gia đình ông Đỗ Xuân Sơn, nguyên là Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn, mảnh đất khai hoang này rộng khoảng 5 ha.

Ở xã Kỳ Thượng, ông Lê Đức Thọ, Trưởng Công an, phụ trách lâm nghiệp xã cho biết: Hiện có gần 50 trường hợp người dân xâm hại đất rừng, trong đó có 19 trường hợp xâm chiếm rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và có khoảng hơn 30 trường hợp xâm chiếm đất rừng thuộc BQL RPH Nam Hà Tĩnh.

Ông Võ Xuân Sơn, Trưởng BQL RPH Nam Hà Tĩnh thừa nhận: Cuối năm 2010 và đầu 2011, tình trạng người dân ồ ạt vào rừng tái lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp để trồng sắn nguyên liệu khá phức tạp. Ban đã áp dụng nhiều biện pháp để xử lý nhưng vẫn không giảm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Khắc Dạ, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Huyện Kỳ Anh đã triển khai cuộc họp và giao nhiệm vụ cho các bí thư, trưởng thôn và chính quyền địa phương phối hợp với chủ rừng xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm đất rừng để tình hình được ổn định.

Công Tường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN