Hà Nội vẫn 'nóng' khiếu nại, tố cáo về đất đai

Thời gian qua, chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Hà Nội đã được nâng cao, tuy nhiên khiếu nại, tố cáo chưa có chiều hướng giảm.

Các vụ khiếu nại, tố cáo phát sinh chủ yếu vẫn là trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng tại một số dự án phát triển giao thông, đô thị; chuyển đổi mô hình một số chợ; công tác dồn điền, đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới tại một số huyện…

Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng một số công dân tập trung khiếu nại, tố cáo đông người, gây mất an ninh trật tự tại trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước của Trung ương và thành phố.

Theo Thanh tra thành phố Hà Nội, năm 2017, để thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tiếp, đối thoại với công dân; chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo ngay từ khi phát sinh tại cơ sở; nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo đúng quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn; tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây mất an ninh trật tự.

Thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật; đồng thời, tiếp tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo, qua đó kịp thời chấn chỉnh tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện công tác này.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Thành ủy về tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn gồm 13 người, do Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn là Trưởng ban.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp ủy đảng trực thuộc của thành phố trong việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; các chỉ đạo của Thành ủy và các quy định của pháp luật về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật qua giải quyết khiếu nại, tố cáo.


Thanh tra thành phố Hà Nội cho biết, năm 2016, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 32.611 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (trong đó lãnh đạo các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 7.668 lượt công dân); tiếp nhận và xử lý 30.895 đơn các loại; thụ lý theo thẩm quyền 2.193 vụ khiếu nại và 985 vụ tố cáo; đã giải quyết 1.986 vụ khiếu nại và 832 vụ tố cáo. Số còn lại đang giải quyết theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan chức năng đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 2.855 triệu đồng, 24.162 m2 đất; thu hồi 27 giấy chứng nhận quyền sử dựng đất, điều chỉnh 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trả lại quyền lợi cho công dân 2.770 triệu đồng và 373 m2 đất, điều chỉnh 11 phương án bồi thường, hỗ trợ và bán bổ sung một căn hộ tái định cư. Thành phố đã kiểm điểm trách nhiệm 38 tập thể và 130 cá nhân để xảy ra sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 6 vụ.

Minh Nghĩa (TTXVN)
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan khẩn trương tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân; đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN