Hà Nội truy trách nhiệm đơn vị để sốt xuất huyết bùng phát

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu chững lại, nhưng theo quan điểm của Bộ Y tế thì chưa kiểm soát được dịch. Nếu không quyết liệt hơn, dịch sốt xuất huyết sẽ căng thẳng.

Tìm diệt bọ gậy. Ảnh: Lê Phú

Chiều ngày 24/8, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH).


Theo Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.195 ổ dịch, hầu hết là ổ dịch nhỏ. Có 2.361 ổ dịch chỉ có 1-2 bệnh nhân; 437 ổ dịch có 3-5 bệnh nhân; 117 ổ dịch có 6 bệnh nhân trở lên. Đến nay đã có 2.204 ổ dịch được khống chế. 


Hà Nội có 220 máy phun thuốc đeo vai, 10 máy phun mù nóng (sắp tới được trang bị thêm 30 máy nữa), 24 máy phun công suất lớn; đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi được hơn 53 nghìn hộ dân (chiếm hơn 86%)...


Những ngày gần đây, số ca mắc SXH ở Hà Nội có xu hướng giảm nhẹ (tuần từ 10-16/8 có 3.440 ca mắc; tuần từ 17/23-8 có 3.100 ca). Đến nay số ca mắc SXH đã có xu hướng chững.


Xác định việc diệt bọ gậy là rất quan trọng, Hà Nội đã thành lập các Tổ diệt xung kích ở tất cả các phường. Tuy nhiên, theo đánh giá độc lập của Đoàn giám sát của Bộ Y tế, việc phun hóa chất và diệt bọ gậy chưa được triệt để, 10% nhà đóng cửa không tiếp cận được vào nhà, 35% các hộ không chấp nhận phun hết các tầng, tỷ lệ hộ chỉ cho phun tầng khoảng 50-60%. Mỗi đội phun chỉ có một người là không hợp lý, bởi khi chống dịch phải leo lên các tầng với thời gian lâu nên chỉ 1 người phung dễ ngại sau khi đã thấm mệt.


Đội xung kích tại các xã phường đã hoạt động nhưng qua kiểm lại còn sót ổ bọ gậy: Tây Hồ, Phúc Thọ, Chương Mỹ, có nơi các đội chỉ kiểm tra tầng 1, không lên các tầng trên kiểm tra.


Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Hà Nội đứng đầu về ca mắc SXH và sẽ còn diễn biến phức tạp. Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu chững lại, nhưng theo quan điểm của Bộ Y tế thì chưa có dấu hiệu kiểm soát được dịch. Nếu không quyết liệt hơn, dịch sẽ căng thẳng.


Vừa qua, Hà Nội đã tập trung xử lý phòng dịch sốt xuất huyết tập trung 12 quận nội thành. Tuy nhiên, nếu không quyết liệt, dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, vì sắp tới có 1 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng về Hà Nội học và học sinh các cấp phổ thông, tiểu học nhập học. Đây là vấn đề đáng quan ngại. "Lãnh đạo Hà Nội thì chỉ đạo quyết liệt nhưng thực hiện tại quận huyện đủng đỉnh, cấp xã phường bình chân như vại”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận xét.


Để phòng, chống sốt xuất huyết phải diệt loăng quăng, bọ gậy; nhưng kiểm tra giám sát tại các bồn hoa, chậu cảnh còn rất nhiều loăng quăng, bọ gậy. Điều này cho thấy việc kiểm soát chưa hiệu quả. Việc phun thuốc chỉ mang tính tức thời, nhiều hộ gia đình không hợp tác. Do đó, các quận huyện, xã phường phải vào cuộc mạnh mẽ, đặc biệt là các công trình xây dựng phải được phun thuốc, diệt loăng quăng, bọ gậy.


Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thẳng thắn chỉ ra: Công tác nắm tình hình diễn biến dịch sốt xuất huyết của Hà Nội chưa tốt. Trung tâm y tế dự phòng phát hiện mầm bệnh từ tháng 1, nhưng mãi tháng 6 mới tổ chức hội nghị phổ biến. Nếu Sở Y tế làm tốt công tác dự báo, truyền thông ngay từ đâu, thì tình hình dịch sẽ không như hiện nay. Trách nhiệm thuộc Trung tâm y tế dự phòng và Sở Y tế Hà Nội.


“Bên cạnh đó, sự vào cuộc diệt bọ gậy, phun thuốc của các địa phương còn chậm và chủ quan. Nếu quận Đống Đa tổ chức diệt và xử lý ổ dịch ngay từ đầu thì tình hình dịch sốt xuất huyết không đến mức như thế này. Công tác phân loại khám chữa bệnh chưa thực hiện triệt để”, ông Chung khẳng định.


Do đó, ở những nơi mới xuất hiện bệnh nhân SXH, nếu không làm quyết liệt, sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ lan rộng hơn, nhất là khi tình hình thời tiết còn diễn biến bất thường. Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu các quận huyện, phường xã tập trung tuyên truyền, tập trung xử lý ổ dịch sốt xuất huyết để người dân tự giác diệt bọ gậy. 


Lãnh đạo các quận, huyện phổ biến đến các bí thư, tổ trưởng tuyên truyền đến từng nhà. Cụ thể giao cho cảnh sát khu vực, dân quân tự vệ, tổ chức đoàn thể tuyên truyền đến từng nhà, cơ quan, trường học… 


Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội giám sát việc phun thuốc phải đảm bảo, nhất là tại các trường học, phải đảm bảo phun 3 lần từ này đến 5/9; tiếp đó là phun thuốc tại các chợ, trung tâm thể thao, cơ quan công sở. 


Cùng với việc phun thuốc là tăng cường kiểm tra đột xuất tại các địa bàn, chú trọng dọn vệ sinh môi trường với phương châm: Phun thuốc là giải quyết phần ngọn, vệ sinh môi trường để giải quyết tận gốc trong phòng chống, sốt xuất huyết.


XC/Báo Tin Tức
Hà Nội bùng phát sốt xuất huyết - Bài 2: 'Xung kích' theo kiểu phong trào
Hà Nội bùng phát sốt xuất huyết - Bài 2: 'Xung kích' theo kiểu phong trào

Diệt bọ gậy được ngành Y khẳng định là biện pháp chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả nhất. Hà Nội cũng đã thành lập hơn 26.000 đội xung kích những mong giảm nhanh mật độ muỗi và bọ gậy. Tuy nhiên, thực tế, hoạt động này vẫn mang tính chất phong trào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN