Hà Nội sắp có xe buýt nhanh

Thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công tuyến đường dành cho xe buýt nhanh (BRT), nhằm đưa loại hình vận tải khách này đi vào hoạt động từ tháng 6/2015. Dự án trị giá 1.000 tỷ đồng này nằm trong kế hoạch phát triển giao thông công cộng, từng bước hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội.

 

Sự cần thiết của BRT


Theo Ban Quản lý Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội), trong bối cảnh hạ tầng đô thị phát triển không theo kịp sự gia tăng của phương tiện thì các cơ quan chức năng phải tính đến phương án hạn chế phương tiện cá nhân, từng bước phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng. Để giảm thiểu ùn tắc, BRT là giải pháp khả thi. Đây được coi là bước đi trước đón đầu để BRT kết nối với các loại hình giao thông khác là đi bộ, xe đạp hay tàu điện ngầm, đường trên cao mới bắt đầu được đầu tư.

Xe buýt nhanh sẽ được ưu tiên phát triển ở Thủ đô.


Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, BRT có các ưu điểm cơ bản như tốc độ vận hành cao từ 20 - 35 km/giờ, có thể chở mỗi chuyến khoảng 200 người/xe và lên tới hàng ngàn hành khách/giờ/hướng. Mặt khác, chi phí xây dựng BRT thấp hơn nhiều so với đường sắt nhẹ mặt đất hay tàu điện ngầm. Chi phí vận hành BRT không cao, công nghệ xây dựng BRT cũng không quá phức tạp và đắt đỏ. Thêm vào đó, với mục tiêu cải tạo hình ảnh xe buýt thủ đô, BRT sẽ sử dụng nhiên liệu sạch, sử dụng thẻ vé, bố trí ghế ngồi cho người khuyết tật... Tại các điểm đỗ dừng đều có nhân viên chốt trực và bố trí máy quẹt thẻ. Hành khách đi xe sẽ quẹt thẻ trước khi lên xe. Không những vậy, do được thiết kế chạy riêng làn đường, nên BRT sẽ khắc phục được tình trạng lộn xộn và các tệ nạn ở những trạm chờ và trên xe buýt như hiện nay.


Ban Quản lý Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết: Dự án BRT đầu tiên của Hà Nội đang bắt đầu được triển khai, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng (vốn vay của Ngân hàng Thế giới). Dự kiến, dự án này sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 6/2015. Tuyến buýt nhanh này dài 14 km với lộ trình từ Bến xe Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài - Lê Trọng Tấn - Quang Trung - Ba La - và điểm cuối là Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông). Tuyến BRT này hoạt động với tần suất khoảng 3 - 5 phút/chuyến, tốc độ trung bình là 22 km/giờ. Dự kiến, số lượng xe đưa vào phục vụ tuyến buýt nhanh này là 35 xe. Trong đó, mỗi lượt xe buýt chở khoảng 90 hành khách. Các xe đều có hệ thống GPS, kết nối với Trung tâm điều hành để giải quyết các sự cố có thể phát sinh. Hiện nay, dự án BRT đoạn từ Giảng Võ đến Khuất Duy Tiến đang được khẩn trương thi công.

 

Vì mục tiêu giảm ùn tắc


Theo Sở GTVT Hà Nội, làn đường dành riêng cho BRT được các đơn vị thi công tính toán thiết kế đảm bảo việc lưu thông của những phương tiện giao thông khác, đặc biệt vào giờ cao điểm. Việc dành đường ưu tiên cho BRT tất nhiên sẽ thu hẹp lòng đường lưu thông của các phương tiện khác, nhưng việc này phải thực hiện nhằm ưu tiên phát triển loại hình vận tải công cộng tiên tiến. Dựa vào lưu lượng phương tiện trên tuyến, BRT sẽ được điều chỉnh để chạy đúng giờ, không tạo thành vật cản gây ùn tắc giao thông. Làn đường ưu tiên BRT cũng đã được nghiên cứu kỹ trên các tuyến phố đủ rộng, vỉa hè và dải phân cách giữa hai làn đường có thể cắt xén phục vụ làm làn đường riêng cho BRT.


Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Xe buýt hiện tại đang phải lưu thông lẫn vào dòng các phương tiện giao thông khác, nên tốc độ di chuyển chậm; thậm chí còn bị coi là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Muốn phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân trong thời điểm Hà Nội chưa thể nhanh chóng đưa vào sử dụng dịch vụ đường sắt đô thị thì việc phát triển BRT là phương án khả thi.
Trước những lo ngại làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh sẽ “lấn” phần diện tích đường đi của các phương tiện khác trên những tuyến phố có BRT đi qua, có thể gây ùn tắc giao thông, đại diện Ban Quản lý Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội nhận định: Tuyến BRT đi vào vận hành sẽ tạo điều kiện cho người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang đi BRT. Do đó, các phương tiện giao thông khác đi trên các tuyến phố này cũng sẽ được điều tiết hợp lý.


Bài và ảnh:Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN