Hà Nội: Người dân có xu hướng sử dụng xe cá nhân

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, điều cực kỳ quan trọng với xe buýt là phải đúng giờ. Lên xe buýt 1 tiếng đồng hồ chưa đi được 10km, không về được đến nhà, không đi làm đúng giờ thì người dân vẫn cứ sợ xe buýt.

Chiều 7/12, tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XVI, trả lời chất vấn của các đại biểu huyện Thạch Thất và Quốc Oai liên quan đến chất lượng dịch vụ xe buýt đang xuống cấp, phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn, gây nguy hiểm và gây tai nạn cho người, phương tiện tham gia giao thông.., ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, hiện nay đơn vị đang quản lý vận hành 71/132 tuyến buýt có trợ giá, vận chuyển trên 60% lượng hành khách trên toàn thành phố.

Chú thích ảnh
Tốc độ xe buýt ở Hà Nội trước đây là 22km/h, hiện giờ còn 16km/h, giờ cao điểm chỉ hơn 10km/h.

Tổng Giám đốc Transerco khẳng định, với những trường hợp vi phạm sẽ kiên quyết xử lý, không bao che, không có ngoại lệ dù thiếu hụt lao động. Điển hình như trong 11 tháng của năm 2023, đơn vị đã kiểm tra gần 120.000 lượt xe, xử lý khoảng 1.100 trường hợp.

Với chất lượng phương tiện, Transerco Hà Nội có khoảng 70% chiếc xe buýt đạt tiêu chuẩn, không có xe trên 10 năm tuổi, bình quân là 5,2 năm. Đơn vị luôn quan tâm đến hình ảnh, chất lượng kỹ thuật để đảm bảo xe đủ yêu cầu về hình thức, đáp ứng chất lượng.

Theo Tổng Giám đốc Transerco, sau dịch COVID-19, hoạt động xe buýt đã bộc lộ những khiếm khuyết và tồn tại như đại biểu nêu. Nhu cầu và thói quen đi lại của người dân sau dịch có nhiều thay đổi, người dân có xu hướng chuyển sang đi lại bằng xe cá nhân. Điều này làm sụt giảm sản lượng hành khách và doanh nghiệp vận tải đều chịu ảnh hưởng, giảm doanh thu cũng như "chảy máu lao động".

Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hàng năm thành phố đều dành kinh phí trợ giá để phát triển xe buýt. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, hành khách đã thay đổi thói quen, mua phương tiện cá nhân để sử dụng.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, vấn đề lớn nhất hiện nay với xe buýt là tốc độ lưu thông. Khi người dân mua xe, sử dụng phương tiện cá nhân nhiều thì ùn tắc tăng cao, làm tốc độ lưu thông giảm xuống.

Tốc độ xe buýt trước đây là 22km/h, hiện giờ còn 16km/h, giờ cao điểm chỉ hơn 10km/h. Điều cực kỳ quan trọng là phải đúng giờ. Nếu không đúng giờ, cứ trèo lên xe buýt 1 tiếng không đi được 10km, không về được đến nhà, không đi làm đúng giờ thì người dân vẫn cứ sợ xe buýt.

Theo ông Nguyễn Phi Thường, vừa qua sở đã trình UBND TP Hà Nội 3 nội dung, trong đó có việc tăng giá vé xe buýt. Bởi lẽ 10 năm nay, Hà Nội chưa tăng giá dù có nhiều định mức, cơ chế chính sách tăng về mặt chi phí nhưng giá vé xe buýt không tăng.

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Hà Nội thí điểm thẻ, vé xe buýt liên thông đa phương thức
Hà Nội thí điểm thẻ, vé xe buýt liên thông đa phương thức

Hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng tại 14 tuyến xe buýt đã được đưa vào hoạt động, đánh dấu bước chuyển mình mới cho giao thông công cộng ở Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN