Hà Nội giải quyết tình trạng trông giữ xe vỉa hè, lòng đường

86% điểm trông giữ xe tại Hà Nội qua kiểm tra hiện không có đăng ký kinh doanh, vi phạm niêm yết giá, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT), lộn xộn cảnh quan đô thị và ùn tắc giao thông (UTGT) trên các tuyến phố. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đau đầu chống ùn tắc và thất thoát lớn nguồn thu thuế từ các điểm trông giữ xe. Những vi phạm này một phần do trách nhiệm của các cấp chính quyền sở tại chậm, hoặc chưa xử lý kiên quyết. Thực tế này đáng báo động, phải siết chặt kiên quyết để răn đe!

Bãi gửi xe “nuốt trọn” vỉa hè

Tuyến phố Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) từ lâu đã được người đi đường nhắc đến như một điểm "đen" UTGT vào giờ tan tầm, vì trở thành "phố trông xe". Nhiều người dân tại đây đã không ít lần phản ánh với các cơ quan chức năng về tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm điểm trông giữ xe, không chỉ lấn chiếm phần đường dành cho người đi bộ, mà việc các phương tiện từ những điểm trông giữ xe tại đây ra vào lộn xộn, va chạm, dẫn đến UTGT trên tuyến phố, gây bức xúc dư luận và khó khăn cho người dân.

Hiện nay tình trạng sử dụng vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe diễn ra tràn lan. Ảnh: Lê Phú


Dạo qua nhiều tuyến phố có các điểm trông giữ xe gây bức xúc nặng nề ở Hà Nội hiện nay như: Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa); Giảng Võ, Kim Mã, Liễu Giai (quận Ba Đình); trục đường Nguyễn Khang (đoạn từ đầu cầu Trung Hòa đến ngã ba Trung Yên), Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Thị Thập, Hàm Nghi (quận Cầu Giấy); khu đô thị Định Công, khu vực dọc bờ sông Tô Lịch thuộc địa bàn phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo (quận Hai Bà Trưng)... mới thấy hết sự phức tạp của các điểm trông giữ xe. Chúng được mọc lên như nấm, gây mất trật tự ATGT, làm mất mỹ quan đô thị.

Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, phố Hoàng Đạo Thúy, nối từ trục Trần Duy Hưng - Lê Văn Lương với các đường ngang phố Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Thập... là những tuyến phố văn minh của thành phố, nhưng lại đang phải đối mặt với tình trạng hỗn độn từ những bãi đỗ xe tràn lan. Do được cấp phép, các nhà thầu tận dụng tối đa diện tích vỉa hè, lòng đường để căng dây, kẻ sơn làm chỗ trông xe ô tô và thu tiền theo ngày đêm. Mỗi lề đường bị chiếm dụng từ 2,5 - 3 m ở cả hai bên đường, khiến phần đường còn lại cho dòng xe lưu thông rất khó khăn. Thậm chí, những hộ dân sinh sống tại những khu vực này còn bức xúc: “Các điểm trông giữ xe không chỉ khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, tạo ra nhiều tai nạn giao thông, mà các nhà mặt tiền tại đây có lối ra vào riêng cũng đều bị lấn chiếm.

Cũng không quá khó để nhìn ra những “chiêu” làm tiền ở các điểm trông giữ xe hiện nay. Tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, trước tòa nhà “hàm cá mập” luôn được nhiều người dân phản ánh, với mức giá thu phí rất cao lên tới 50.000 - 60.000đồng/lượt trong ngày, thậm chí muốn vào gửi cũng không được nếu không phải là “khách” quen. Các điểm trông giữ xe khác tại khu vực hồ Thiền Quang, công viên Thống Nhất, trục đường Quang Trung... hàng ngày đều có số lượng xe đỗ rất đông (mỗi bãi số lượng xe khoảng 100 - 200 xe, có nơi lên tới 700 - 800 xe) nhưng tất cả đều kín chỗ, muốn vào gửi phải chấp nhận giá trên trời. Thậm chí có điểm trông giữ xe chỉ chấp nhận gửi xe miệng, không xé vé cầm tay, duy nhất chỉ là “gửi xe bao lâu, bao giờ lấy xe...”.

Phố Bà Triệu hiện đang phân làn phương tiện, nhưng hiện nay, hàng ngày nhiều loại ô tô vẫn ngang nhiên dừng đỗ ở nhiều đoạn lòng đường, vỉa hè. Đoạn vỉa hè dài trước trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) bị một loạt ô tô đỗ khiến diện tích vỉa hè bị “ngốn” gần hết, làm nhiều người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Dọc phố Trần Hưng Đạo (khu vực các cơ quan nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ…), phố Lê Đại Hành (đoạn Sở Xây dựng Hà Nội), phố Trần Khát Chân, phố một chiều Quang Trung... cả hai bên tràn từ vỉa hè xuống lòng đường đều bị các điểm trông giữ xe “nuốt trọn”. Còn khu vực phố cổ thì các tuyến phố từ lâu đã hết vỉa hè dành cho người đi bộ.

Theo Công an Hà Nội, 10 quận nội thành hiện nay đang có trên 1.000 điểm trông giữ xe, trong đó có 620 điểm trông giữ phương tiện được cấp phép, gần 400 điểm không phép. Thực tế này đã tồn tại lâu nay, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được xử lý triệt để và biến thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nguyên nhân, theo Thanh tra giao thông Hà Nội là do tính pháp lý để xử lý các vi phạm của các điểm trông giữ xe hiện nay đối với tình trạng đỗ xe chiếm lòng đường, vỉa hè chưa đủ mạnh. Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện quản lý việc khai thác các điểm trông giữ xe, nhưng chỉ đơn thuần bằng văn bản, chưa có quy chế, quy định kiên quyết. Vì vậy, nhiều trường hợp lực lượng thanh tra giao thông phát hiện xử lý, nhưng người vi phạm viện dẫn lý do không có quy định, hay biển cấm đỗ tại chỗ nên không xử lý được.

Ngừng cấp phép ô tô đỗ trên vỉa hè

Theo Công an TP Hà Nội, từ tháng 6/2011 đến nay, lực lượng liên ngành kiểm tra đã phát hiện, xử lý 232/271 điểm trông giữ xe vi phạm, xử phạt hành chính các điểm trông giữ xe hàng chục tỷ đồng, nhưng vẫn không xuể. Cá biệt, nhiều điểm trông giữ xe bị xử phạt hành chính theo quy định 25 triệu đồng/lượt, bị nhắc nhở nhiều lần, nhưng vẫn tái diễn vi phạm. Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã xử lý hơn 4.000 trường hợp vi phạm, tạm giữ hơn 200 ô tô, tước giấy phép lái xe gần 3.800 trường hợp ô tô dừng, đỗ trên vỉa hè, dưới lòng đường; lực lượng Thanh tra giao thông cũng đã kiểm tra xử lý hơn 8.800 trường hợp ô tô dừng đỗ sai quy định, gây cản trở giao thông.

Để chấn chỉnh, siết chặt lại tình trạng dừng đỗ xe trên vỉa hè, lòng đường, Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã hiện nay không cấp phép cho ô tô đỗ trên vỉa hè, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về điểm trông giữ xe trên hè phố; lực lượng liên ngành cơ sở tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT bằng các biện pháp xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề, phân luồng phương tiện, điều chỉnh những bất hợp lý về tổ chức giao thông và các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, rà soát, xử lý kiên quyết các điểm đỗ xe dưới lòng đường.

Tại cuộc họp khẩn giữa liên ngành Công an và GTVT Hà Nội mới đây về việc siết chặt hoạt động dừng, đỗ xe trên vỉa hè, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã khẳng định: Kiên quyết không cấp phép cho ô tô dừng đỗ trên vỉa hè và các đơn vị được cấp phép thì phải dành ít nhất 1,5 m vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, giải pháp này hiện nay theo ý kiến của các chuyên gia giao thông Hà Nội cần phải được thực hiện nghiêm minh từ các cấp chính quyền sở tại.

Cũng trong buổi làm việc mới đây của Bộ GTVT với Hà Nội, trước thực tế nhiều điểm lòng đường, vỉa hè tại nhiều tuyến phố được tận dụng làm chỗ trông giữ xe và được phân cấp cho các phường thu phí, khiến nhà nước thu ngân sách được rất ít, còn nhiều cá nhân thu lợi được nhiều, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, Luật Giao thông đường bộ và chỉ đạo của Thủ tướng đều nói rõ là nghiêm cấm dùng lòng đường để làm nơi trông giữ phương tiện. Do đó, Hà Nội cần kiên quyết không dùng vỉa hè, lòng đường làm điểm trông giữ xe; đồng thời cần ngừng ngay việc thu phí trông giữ xe dưới lòng đường.

Còn theo Thượng tá Cao Thắng, Phó Chánh văn phòng Công an TP Hà Nội, để răn đe các điểm trông giữ xe vi phạm, các cơ quan hữu quan ngoài tăng cường kiểm tra, kiên quyết đình chỉ các điểm trông giữ xe vi phạm, rút giấy phép đã cấp. Cụ thể, đối với các điểm trông giữ phương tiện: Không có đăng ký kinh doanh, sử dụng quá diện tích cấp phép, thu tiền quá mức phí quy định với chênh lệch lớn, không thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, nếu bị phát hiện cần phải truy thu thuế theo đúng quy định, nếu phát hiện có sai phạm nghiêm trọng, đủ căn cứ có thể chuyển cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội xử lý hình sự.

Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN