Hà Nội: Dịch tay chân miệng chưa có dấu hiệu bùng phát

Trước thông tin Hà Nội gia tăng trẻ mắc bệnh tay chân miệng, đặc biệt ngày 20/9 lại có một em bé tử vong do căn bệnh này, nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo rất hoang mang, không dám đưa con tới lớp như thường lệ. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh cho con trẻ.

Vẻn vẹn 52 trẻ tới lớp/trường

Sau khi có tin một học sinh của trường Mẫu giáo số 5, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội tử vong vì tay chân miệng, rất nhiều phụ huynh có con theo học cùng trường đã lo sợ và cho con nghỉ học. Bởi vậy, ngày 23/9, cả trường Mẫu giáo số 5 chỉ vẻn vẹn có 52 trẻ đi học, trong khi ngày thường là khoảng 400 bé.

Trẻ sẽ không bị nhiễm bệnh tay chân miệng nếu đồ chơi, môi trường, đặc biệt là bàn tay trẻ và người chăm sóc... được vệ sinh sạch sẽ.


Theo bà Đỗ Thị Bích Vân, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo số 5, ngay chiều 20/9, sau khi có tin học sinh tử vong vì mắc tay chân miệng, y tế phường, quận đã xuống phun thuốc diệt khuẩn cả trường. Đồng thời, cùng giáo viên của trường tiến hành tổng vệ sinh đồ, bàn, ghế...

Đối với học sinh nghỉ học, giáo viên đã gọi điện đến từng nhà để theo dõi sức khỏe của trẻ. Nhưng chưa phát hiện thêm trẻ nào mắc bệnh tay chân miệng, một số trẻ sốt nhưng do sốt dịch, viêm họng.

Qua trường hợp một cháu bé bị tử vong do bệnh tay chân miệng, Ban giám hiệu Trường Mẫu giáo số 5 cho biết cũng đã rút kinh nghiệm, tăng cường sự kết hợp giữa gia đình với nhà trường trong công tác theo dõi sức khỏe con trẻ. Yêu cầu các cô giáo theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của các cháu, cần thông báo với phụ huynh ngay nếu trẻ bị sốt nhẹ, nhằm hạn chế nguy cơ hoặc những biến chứng đáng tiếc do bệnh tay chân miệng.

"Hiện nay, ngày nào nhà trường cũng tiến hành tổng vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn Chloramin B. Tôi hy vọng ngành y tế có biện pháp dập dịch, không để bệnh lây lan bùng phát, để mọi phụ huynh yên tâm cho con đi học", bà Vân chia sẻ.

Nỗi lo lắng và mong muốn của bà Vân là hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ rất nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ, đang theo học tại các trường mầm non, mẫu giáo cả công và tư thục đều tỏ ý hoang mang, đặt câu hỏi: “Để tránh lây bệnh tay chân miệng thì có nên cho con đi học nữa hay không?”.

Quan trọng là giữ gìn vệ sinh

“Tính từ đầu năm đến nay Hà Nội có 316 ca mắc tay chân miệng, hiện mỗi tuần cũng phát hiện vài chục ca bệnh mới. Tuy nhiên, diễn biến của bệnh tay chân miệng vẫn ở mức bình thường, năm nào Hà Nội cũng xuất hiện từ vài chục ca đến vài trăm ca tay chân miệng. Các bậc phụ huynh có con nhỏ cần cẩn trọng chú ý phòng tránh cho trẻ khỏi lây nhiễm bệnh tay chân miệng nhưng cũng không nên hoang mang”, ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, khẳng định với PV báo Tin Tức sáng ngày 23/9.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, phòng bệnh tay chân miệng quan trọng nhất là giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, từ môi trường, đồ chơi, bàn tay trẻ tới bàn tay người chăm sóc trẻ... “Một nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, 40% số trẻ mắc bệnh tay chân miệng là từ bàn tay người chăm sóc không đảm bảo vệ sinh. Do đó, việc các bậc phụ huynh cho con nghỉ học ở nhà cũng chưa phải là biện pháp hữu hiệu giúp con trẻ phòng tránh bệnh tay chân miệng”, ông Cảm khuyến cáo.

Trong thời điểm hiện nay, các bậc phụ huynh hãy cho con trẻ tới lớp bình thường. Khi trong một lớp có 2 cháu mắc bệnh tay chân miệng liên tiếp trong vòng 1 tuần thì chắc chắn nhà trường sẽ có thông báo, yêu cầu các bậc phụ huynh cho con trẻ nghỉ học. Trong thời gian này, nhà trường sẽ cùng ngành y tế tiến hành các biện pháp cần thiết để xử lý ổ dịch, xử lý môi trường, để tiếp tục đón trẻ tới lớp.

Khi gia đình có trẻ bị bệnh, cần thông báo với y tế xã, phường và thông báo với trường học của con. Khi đó, Trung tâm y tế quận/huyện sẽ cử cán bộ tới nơi có trẻ bệnh sinh sống để xem xét, đánh giá thực hư về trường hợp trẻ mắc tay chân miệng. Nếu có khẳng định rõ ràng, ngành y tế sẽ tiến hành xử lý ổ dịch theo đúng quy định của ngành y tế.

Bà Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bách Khoa: Mỗi buổi sáng, khi nhận các cháu từ tay phụ huynh, các cô giáo của trường Mẫu giáo Bách Khoa đều làm động tác kiểm tra xem trên tay, chân, thân thể con trẻ có nốt đỏ bất thường không. Trường hợp thấy trẻ sốt, hoặc có dấu hiệu bất thường, các cô yêu cầu bố mẹ đón trẻ về đưa trẻ đi khám. Khi trẻ có giấy chứng nhận của cơ sở y tế là không mắc bệnh tay chân miệng thì sẽ tiếp tục tới lớp. Với biện pháp này, từ 15 - 19/9, Nhà trường đã sớm phát hiện 5 cháu mắc bệnh tay chân miệng. Ngay sau khi nhận được khẳng định từ các bậc phụ huynh rằng các cháu bị mắc tay chân miệng, Nhà trường đã thông báo với trung tâm y tế phường yêu cầu được hỗ trợ công tác xử lý môi trường. Đồng thời, thông báo cho toàn bộ phụ huynh của lớp C4 (nơi có 4 cháu mắc bệnh tay chân miệng) cho các cháu nghỉ học 10 ngày theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. Đến nay, nhà trường vẫn tiến hành tổng vệ sinh toàn trường bằng Cloramin B 1 lần/tuần. Riêng 2 lớp có học sinh mắc bệnh thì được tổng vệ sinh bằng Cloramin B hàng ngày. Nhờ được xử lý ổ dịch kịp thời, nên từ 19/9 đến nay, Trường Mẫu giáo Bách khoa không có thêm ca mắc tay chân miệng mới.

Các bậc phụ huynh cũng không nên “đổ xô” đưa trẻ tới khám tại các cơ sở y tế ngay khi thấy con bị sốt, nổi ban... nhằm tránh tình trạng quá tải, khiến trẻ chưa nhiễm bệnh dễ trở thành trẻ nhiễm bệnh. “Trong thời điểm hiện nay, khi thấy trẻ có ban đỏ, sốt, cần đề phòng khả năng mắc bệnh tay chân miệng, phải chăm sóc, theo dõi trẻ sát sao. Các bậc cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện ngay khi có các triệu chứng như giật mình, kích thích, vật vã...”, ông Cảm khuyến cáo.

Đồng tình với quan điểm này, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ khẳng định: “Khi trẻ đã mắc bệnh rồi thì cần xác định thuộc thể bệnh nào, mức độ bệnh tiến triển ra sao. Nếu trẻ nổi ban nhưng vẫn ăn, chơi ngoan, không sốt thì có thể chăm sóc con tại nhà, giữ gìn vệ sinh thật tốt. Đặc biệt, nếu trẻ không hạ sốt khi uống thuốc hạ sốt và có biểu hiện co giật, rét run thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay”.

"Do thời gian tiếp xúc với bệnh nhi rất ngắn nên đôi khi ngay cả bác sĩ cũng khó xác định được giữa việc trẻ giật mình hay trẻ bị co giật và rét run (một trong những biểu hiện của bệnh tay chân miêng). Bởi vậy, gia đình phải sát sao chăm sóc khi trẻ mắc bệnh, tránh những biến chứng đáng tiếc do căn bệnh tay chân miệng có thể gây nên cho trẻ”, TS Trần Minh Điển, chia sẻ.

Bài và ảnh: Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN