Hà Nội chậm giao đất dịch vụ cho dân

Thực hiện chính sách giao đất dịch vụ cho các hộ dân khi Nhà nước thu hồi phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội, ngay sau khi hợp nhất địa giới hành chính Thủ đô, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, sau gần 6 năm triển khai thực hiện, tiến độ cấp đất dịch vụ “trả nợ” người dân vẫn còn chậm, gây bức xúc.

Mới có 23% hộ dân được giao đất

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong tổng số 82.393 hộ gia đình thuộc diện được giao đất dịch vụ, với tổng diện tích đất 822 ha (tập trung chủ yếu tại các địa phương thuộc tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc cũ), đến nay, các quận, huyện mới tổ chức giao được 92,54 ha đất dịch vụ cho 19.717 hộ (đạt 23,4 %). Trong đó, chỉ có 3 địa phương cơ bản hoàn thành công tác giao đất dịch vụ, gồm: Đan Phượng, Thường Tín, Hoàng Mai. Trong khi còn nhiều địa phương chưa giao được đất cho hộ gia đình nào, điển hình như: Thanh Oai, Ứng Hòa, Quốc Oai, Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn...

Cũng theo báo cáo của các chủ đầu tư, hiện diện tích đất dịch vụ đã hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng, chưa tổ chức giao là 314,30 ha; diện tích đất dịch vụ đã có quyết định thu hồi đất, đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 69,36 ha; diện tích đất dịch vụ đã có thông tin quy hoạch, UBND cấp huyện đang hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư là 345,8 ha.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, kết quả thực hiện công tác giao đất dịch vụ cho dân nhiều năm qua vẫn chưa đạt tiến độ đề ra, đặc biệt chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân là do những khó khăn, vướng mắc về đối tượng, hạn mức, quy hoạch, nguồn vốn, hồ sơ giao đất dịch vụ…

Ảnh minh họa - TTXVN


Một số dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật để giao đất dịch vụ vẫn đang phải dừng lại do chờ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch phân khu được phê duyệt. Nhiều khu đất đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nay bị chồng lấn với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chẳng hạn như 17 khu đất dịch vụ tại các xã: Vân Canh, La Phù, An Khánh, Lại Yên, Kim Chung (huyện Hoài Đức)...

Khó khăn về kinh phí đầu tư từ ngân sách để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật là nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ trong việc giao đất dịch vụ. Theo phương án sơ bộ về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các khu đất dịch vụ còn lại (416,16 ha), tổng kinh phí cần phải bố trí để thực hiện việc giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 11.200 tỷ đồng (cụ thể: Mê Linh 812 tỷ đồng, Bắc Từ Liêm 314 tỷ đồng, Thanh Oai 430 tỷ đồng, Thanh Trì 177 tỷ đồng, Hoài Đức 422 tỷ đồng, Hà Đông 1.094 tỷ đồng, Thạch Thất 1.510 tỷ đồng, Đông Anh 318 tỷ đồng). Trong khi đó, ngân sách các quận, huyện, thị xã mới cân đối, bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng; Quỹ phát triển đất thành phố có thể bố trí ứng 500 tỷ đồng, còn lại chưa bố trí được nguồn.

Từ thực tế triển khai cho thấy, nhiều địa phương không có khả năng cân đối ngân sách để thực hiện, song, một số địa phương cũng chưa chủ động, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho nhiệm vụ giao đất dịch vụ; chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt trong cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động người dân bị thu hồi đất hiểu rõ và đồng thuận với chính sách chung. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư dự án sau khi nhận đất, thiếu trách nhiệm trong việc giao đất dịch vụ, phó mặc cho chính quyền địa phương giải quyết tồn tại.

Cũng theo lý giải của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, chính sách giao đất dịch vụ tồn tại từ trước khi hợp nhất; cơ chế, đối tượng, hạn mức giao đất dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Tây (trước đây), tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội thực hiện khác nhau nên một số trường hợp phải chờ xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Qua tìm hiểu thực tế, việc vận dụng chính sách giao đất dịch vụ của một số địa phương còn hạn chế. Đặc biệt, trong thời gian qua, đã có tình trạng nhiều UBND cấp xã xác nhận hợp đồng chuyển nhượng tiêu chuẩn được hưởng đất dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, gây khó khăn cho công tác xét duyệt, công khai phương án và tổ chức thực hiện. Tại một số dự án, người dân có nguyện vọng được nhận hỗ trợ bằng tiền theo chính sách hiện hành, không muốn nhận đất dịch vụ nhưng ngân sách địa phương chưa cân đối được (đơn cử như huyện Sóc Sơn, hầu hết các hộ dân có nguyện vọng nhận bằng tiền và nếu thực hiện theo phương án đó ngân sách phải bố trí khoảng 320 tỷ).

Năm 2015 sẽ cơ bản bàn giao xong

Hà Nội lại thêm một lần nữa gia hạn cho các địa phương trong năm 2015 phải cơ bản giao xong đất dịch vụ cho các hộ dân. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, yêu cầu các quận, huyện phải lập kế hoạch giao đất dịch vụ theo từng tháng và báo cáo cấp ủy thống nhất chỉ đạo. Đây sẽ là một trong những tiêu chí để thành phố đánh giá thi đua, đánh giá kết quả điều hành, quản lý của lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã trong năm tới.

Trước mắt, thành phố ưu tiên hỗ trợ ngân sách cho cấp huyện để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ thông qua cơ chế ứng vốn từ ngân sách thành phố và Quỹ phát triển đất thành phố. Theo đó, thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch phân khu; các trường hợp phù hợp với quy hoạch chung thì cho phép hoàn thiện quy hoạch chi tiết, cập nhập vào quy hoạch phân khu và triển khai ngay việc đầu tư xây dựng hạ tầng, giao đất cho các hộ dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh chỉ đạo, đối với 314,3 ha đất dịch vụ đã hoàn thành xong hạ tầng kỹ thuật, các địa phương phải tổ chức giao ngay cho các hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, các địa phương cần kiểm tra, rà soát để xem xét nguồn lực, chính sách hỗ trợ người dân bằng tiền (trên cơ sở tự nguyện của người dân) thay bằng giao đất dịch vụ.

Thành phố cũng huy động người dân tự nguyện ứng trước kinh phí để làm hạ tầng và dự kiến giao đất dịch vụ trên cơ sở quy hoạch tổng mặt bằng đã được phê duyệt. Trường hợp xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư thì yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện; trường hợp cố tình không thực hiện thì giao cơ quan Thanh tra kết luận, xử lý theo quy định.


Minh Nghĩa (TTXVN)
Bàn giao đất dịch vụ cho người dân Xuân Quan
Bàn giao đất dịch vụ cho người dân Xuân Quan

Sáng 9/9/2014, UBND huyện Văn Giang và xã Xuân Quan đã tiến hành tổ chức lễ bàn giao đất trên thực địa dự án khu dịch vụ Chiêm Mai cho 622 hộ dân xã Xuân Quan, góp phần hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân ổn định đời sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN