Hà Nội: Cán bộ làm đám cưới không quá 50 mâm

Cán bộ, đảng viên không được tổ chức đám cưới ở khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp và không được làm quá 50 mâm cỗ… là nội dung trong dự thảo chỉ thị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vừa được Hà Nội đưa ra thảo luận.


Trong việc thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, Thường vụ Thành ủy Hà Nội dự kiến quy định cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý các cấp phải gương mẫu, đi đầu trong tổ chức đám cưới cho người thân, gia đình với tinh thần trang trọng - lành mạnh - tiết kiệm.


Đặc biệt, dự thảo đưa ra thảo luận có quy định cán bộ, đảng viên, lãnh đạo khi làm đám cưới có số lượng khách mời không quá 300 người, tương đương 50 mâm cỗ. Nếu hai gia đình trai gái tổ chức chung thì không mời quá 600 người.


Trước đó, trong buổi họp về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng lưu ý cán bộ không được tổ chức đám cưới nhiều lần, nhiều ngày và làm nhiều mâm, mời nhiều người…

Tại cuộc họp chiều ngày 28/9, Bí thư Phạm Quang Nghị tiếp tục nhấn mạnh đám cưới phải tổ chức ở những nơi bình dân, phù hợp với mức thu nhập chung của mọi người, vì sẽ có cả người thu nhập thấp, thu nhập trung bình đi ăn cưới. Nếu tổ chức ở khách sạn 5 sao, những người này sẽ băn khoăn đưa bao nhiêu tiền mừng cưới, nếu đưa ít thì sau này sẽ nghĩ ngợi.


Theo ông Nghị thành phố không cần phải thành lập một ban chuyên đi đếm người dự cưới. Việc này người dân sẽ giám sát thực hiện quy định của lãnh đạo, nếu đám cưới quá đông khách thì người đi dự tiệc sẽ phản ảnh.


Quận Hà Đông đã quy định đám cưới không được làm quá 40 mâm cỗ, tổ chức cưới gọn ở một nơi, trong một ngày, không mời tràn lan; khuyến khích tổ chức tiệc trà, cưới tập thể, cô dâu mặc áo dài dân tộc; cán bộ, đảng viên, công chức không đi ăn cỗ trong giờ hành chính...


Trước đó, Hà Nội quy định trong việc tang và lễ hội không được thả tiền và đốt đồ mã trong việc tang, lễ hội. Khi các gia đình có người qua đời phải bỏ hủ tục phạt mộc, yểm bùa, bắt tà, trừ ma… nhập quan trước 12 giờ; không tổ chức làm cỗ, mời khách ăn uống trong việc tang; nghi thức cúng, an táng, cải cát chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình và thân tộc.


Đối với việc cưới, lễ cưới chỉ được tổ chức sau khi đôi nam nữ đã đăng ký kết hôn, nên tổ chức gọn tại một điểm, một ngày; khuyến khích không sử dụng thuốc lá, rượu bia, không mở nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm…


Nhằm hạn chế những bất cập trong lễ hội, các địa phương tổ chức lễ hội lần đầu, lễ hội phục dựng, lễ hội có nguồn gốc nước ngoài phải xin phép các cấp có thẩm quyền trước khi tổ chức; nguồn thu từ công đức, từ thiện, tài trợ, thu phí dịch vụ, thắng cảnh và các nguồn thu khác từ lễ hội phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có sự giám sát của chính quyền địa phương.



Theo dantri.com.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN