Hà Nội: Cải tạo chung cư cũ - vênh giữa lợi ích và qui hoạch

Mặc dù trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có hàng chục chung cư cũ cần phải cải tạo ngay vì đã ở mức độ nguy hiểm đối với người đang sử dụng, nhưng hàng loạt những vướng mắc từ thực tiễn đến cơ chế, chính sách đã khiến kế hoạch cải tạo chung cư cũ của Hà Nội lâm vào cảnh “đi thì mắc núi mà trở lại thì vướng sông”.

Dân không chịu đi

Ông Nguyễn Văn Quang, trú tại căn 413, nhà A1 tập thể Thành Công phản ánh, nhiều năm nay đã và đang phải sống trong sự phấp phỏng lo âu vì nhà A1 đã quá cũ nát. Nhưng so sánh mức độ nguy hiểm của căn hộ ông Quang đang ở với những căn hộ cùng tòa A1 nằm ở phía đầu đường Nguyên Hồng thì chưa thấm vào đâu. Ở khu này, hành lang của tòa nhà từ tầng 2 đến tầng 4 đều bị dốc nghiêng ra phía ngoài. Người lần đầu bước trên hành lang này chắc chắn sẽ có cảm giác đi rón rén từng bước vì sợ hàng lang có thể sập gãy.

Nhiều khu chung cư cũ tại Hà Nội đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được cải tạo.


Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố đang có khoảng 1.200 chung cư cũ từ 4 – 9 tầng, trong đó có gần 1.000 chung cư thuộc Thành phố quản lý và hơn 170 chung cư, nhà tập thể khác do doanh nghiệp phát triển nhà thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Phần lớn các khu tập thể được xây từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước như Kim Liên, Thành Công, Văn Chương, Giảng Võ…, đã xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người sử dụng. Đặc biệt, có 11 chung cư ở mức độ nguy hiểm cấp D (mức độ buộc người đang ở phải di dời).

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam đánh giá, trong số các chung cư được xây dựng từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, rất nhiều chung cư đã vào dạng cực kỳ nguy hiểm, chỉ cần xảy ra các trận động đất từ 4 – 5 độ richter là không thể chịu nổi.

Mặc dù biết mối nguy hiểm cận kề thế nhưng điều khá lạ lùng là hầu hết người dân ở các chung cư này vẫn “vô tư” sống. Trao đổi vấn đề này, chị Nguyễn Thúy Hằng, một hộ dân ở chung cư A1 Thành Công cho biết, dù biết đang sống trong nguy hiểm nhưng do không có căn nhà thứ hai nên phải ở lại; thứ hai là với tỉ lệ bồi thường thấp, chỉ từ 1,5 – 1,7 lần (1 m2 căn hộ tập thể cũ được bồi thường từ 1,5 – 1,7 m2 căn hộ khi tòa nhà được xây mới) nên hầu hết người dân không đồng ý cho chủ đầu tư tiến hành cải tạo; thứ ba là dân chung cư hầu hết là lao động nghèo, chỗ ở hiện tại liên quan mật thiết tới sinh kế (buôn bán, kiếm sống quanh khu vực) nên người dân không muốn rời bỏ vị trí cũ dù đã có chủ đầu tư ngỏ ý bồi thường gấp 2 – 2,5 lần nếu ra ở hẳn chung cư ngoại ô.

Chính sách ngày càng vướng

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Công ty Đầu tư và Xây dựng 573 – CIENCO5, đơn vị đang triển khai cải tạo 2 chung cư cũ tại khu K5 và 18 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông cho biết, khi bắt tay vào triển khai dự án cải tạo chung cư cũ, công ty của ông cũng như hầu hết các chủ đầu tư trên địa bàn Hà Nội đều bị vướng ở khâu giải phóng mặt bằng (di dời dân chung cư). Lý do người dân không chịu di dời bất chấp tòa nhà đã vào cấp nguy hiểm đến tính mạng vì cho rằng mức bồi thường chưa thỏa đáng.

Nếu như trước đây, các chủ đầu tư chỉ vướng giải phóng mặt bằng thì sau khi Quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt, vấn đề vướng lại nhân lên gấp đôi. Đó là theo Quy hoạch chung, 4 quận nội thành sẽ là khu vực hạn chế gia tăng dân cư và sức ép lên hạ tầng, nghĩa là việc cải tạo đô thị đi đôi với việc giãn bớt dân trong khu vực chứ không phải thu hút thêm từ ngoài vào.

Trên thực tế, các khu tập thể như Kim Liên, Văn Chương, Thành Công, Giảng Võ đã quá tải, gây sức ép không chỉ với cơ sở hạ tầng, giao thông mà còn ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân trong khu vực. Theo đó, nếu thực hiện đúng theo tinh thần Quy hoạch chung như Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội khẳng định thì các dự án cải tạo chung cư cũ của Hà Nội từ nay sẽ không được xây cao tầng.

Như vậy, chương trình có vẻ đi vào ngõ cụt bởi nếu việc cải tạo các chung cư cũ mà không được xây cao tầng thì doanh nghiệp sẽ không tham gia. Khi doanh nghiệp đồng loạt từ chối cũng có nghĩa chương trình sẽ… phá sản, bởi ngân sách thành phố sẽ không thể “bao” được việc cải tạo, xây mới tới gần 1.000 chung cư cũ trên địa bàn.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đã chuẩn bị khoảng hơn 7 tỉ đồng để nghiên cứu triển khai việc cải tạo lại chung cư cũ, dự kiến sẽ có khoảng gần 80 chung cư nằm trong danh sách phải cải tạo ngay. Đối với 13 dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ trên địa bàn đang trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”, lãnh đạo Hà Nội khẳng định: Sở Xây dựng phải đốc thúc chủ đầu tư, chủ đầu tư nào không có năng lực thì thay. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản thế.

Ông Phạm Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng, đơn vị triển khai cải tạo chung cư B14 và B4 Kim Liên cho biết, nếu không được xây từ 20 tầng trở lên, công ty sẽ không tham gia vào việc cải tạo chung cư cũ. Bởi với một tòa nhà xây khoảng 20 tầng, đã mất 10 tầng cho người dân tái định cư. Chủ đầu tư phải có được ít nhất 10 tầng kinh doanh mới có lãi. “Nếu cải tạo chung cư cũ mà không có lãi thì doanh nghiệp không làm!”, ông Hùng nói.

Với các khúc mắc trên, dường như chương trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đang đi vào ngõ cụt bởi các mâu thuẫn: Quy hoạch chung thủ đô thì không cho phép xây cao tầng trong nội đô, nhưng không được xây cao tầng thì không thể thu hút doanh nghiệp tham gia, chưa kể tỉ lệ bồi thường như hiện nay cũng chưa được người dân đồng thuận.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN