Giúp đỡ người nghèo là trách nhiệm xã hội

Sau hơn 10 năm thực hiện NQ10-NQ/TW, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đầu tư của Chính phủ, sự nỗ lực của các địa phương; kinh tế Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Nhờ đó mà các chính sách an sinh xã hội, chăm lo phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng tặng quà cho người có công với cách mạng của tỉnh Gia Lai. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Ông Trần Đức Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: Thời gian qua Nhà nước và chính quyền các cấp đã quan tâm, chăm lo phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội của người dân. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đã có những chủ trương, chính sách mang tính đột phá nhằm tập trung giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, nhà ở,… giao đất giao rừng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển giáo dục, y tế. Nhiều buôn, làng DTTS từ nghèo đói đã vươn lên khá, từng bước thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.

Trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ người dân là đồng bào DTTS, ngành ngân hàng và các doanh nghiệp trong cả nước đã tự nguyện hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho các tỉnh Tây Nguyên. Từ năm 2013 trở lại đây, ngành ngân hàng và các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố đã cam kết hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên hàng trăm tỷ đồng để xây dựng mới thêm nhiều trường học, trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, giúp đồng bào DTTS nghèo có thêm hàng ngàn ngôi nhà mới, hàng ngàn con bò giống, phục vụ lao động, sản xuất, thoát nghèo bền vững. Ngoài cam kết thực hiện hỗ trợ kịp thời bằng tiền mặt, hàng năm thông qua hệ thống công đoàn cơ sở, các cán bộ, công chức, người lao động của ngành ngân hàng đã tự nguyện tham gia đóng góp ngày lương ủng hộ các Quỹ tình nghĩa, Quỹ xã hội - từ thiện của ngành để từ đó trích ra ủng hộ các chương trình từ thiện xã hội đối với các đối tượng chính sách tại các tỉnh Tây Nguyên. Ngành ngân hàng cũng trích quỹ đầu tư xây dựng nhiều công trình trường học, trung tâm giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, nhà ở cho đồng bào DTTS nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne, huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai cho biết: Thời gian qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai đã đưa đồng vốn đến với đồng bào nghèo với phương châm "vận động hộ đến để vay, không chờ hộ đến để xin vay" nên đồng vốn chính sách đến với hộ nghèo và cận nghèo ở Kon Pne ngày càng nhiều. Nếu như năm 2003 chỉ có 3 hộ vay 17 triệu đồng, đến năm 2014 có 95 hộ ở xã Kon Pne được vay vốn gần 1 tỷ đồng.

Để triển khai cam kết tài trợ an sinh xã hội, ông Trần Đức Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục vận động các ngân hàng thương mại tài trợ cho các tỉnh Tây Nguyên. Các chương trình an sinh xã hội sẽ tập trung vào mục đích y tế, giáo dục và hỗ trợ hộ nghèo. Hiện các ngân hàng thương mại chi nhánh tại các tỉnh, thành phố đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị đầu mối nhận tài trợ khẩn trương triển khai theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng. Tính đến hết năm 2014 đã giải ngân 20,36 tỷ đồng và đang triển khai gói hỗ trợ xây dựng một trường học trị giá 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở Tây Nguyên vẫn còn khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp và các điều kiện về y tế, giáo dục còn thiếu thốn, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận dân cư chậm được cải thiện, nhất là đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng và những nơi thường bị thiên tai, lũ lụt. Do tình hình di cư tự do vẫn diễn biến phức tạp, nhất là nơi đến của người dân với hàng chục ngàn hộ gia đình chưa được giải quyết nơi ăn chốn ở, nên vấn đề an sinh xã hội, hộ khẩu, hộ tịch vẫn làm đau đầu các cấp, các ngành trong vùng Tây Nguyên. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh các chương trình di dân theo kế hoạch, do nhu cầu về cuộc sống nên đã có nhiều hộ di cư tự do vào khu vực Tây Nguyên. Người di cư đã làm cho dân số, cơ cấu dân cư và thành phần dân tộc vùng Tây Nguyên biến đổi nhanh chóng, gây không ít khó khăn cho các địa phương, để lại nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cần giải quyết.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, chính sách mang tính đột phá nhằm tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh trên của Tây Nguyên để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đặc biệt coi trọng việc ổn định chính trị, xã hội; chú trọng yếu tố phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội, cơ cấu đầu tư được điều chỉnh hợp lý, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các dự án giao thông, thủy điện, thủy lợi, bưu chính viễn thông, cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là tập trung nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân các dân tộc trong vùng…

Do vậy, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên mong muốn các tập đoàn, các tổng công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… tích cực tham gia đóng góp hơn nữa vào cuộc vận động an sinh xã hội trên các lĩnh vực nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện cho người nghèo các tỉnh Tây Nguyên, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, hòa nhập vào sự phát triển.

Việc giúp đỡ người nghèo là trách nhiệm xã hội của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thể hiện đạo lý, truyền thống tương thân tương ái, một truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc ta. Thời gian qua, công tác an sinh xã hội đã nhận được sự tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp trong, ngoài nước và của cộng đồng. Nhờ vậy, hàng chục vạn gia đình đồng bào nghèo vùng Tây Nguyên đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên



Viết Tôn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN