Giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương, làm giàu trên quê hương

Với việc tư vấn, dạy nghề và tìm việc làm, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống, mô hình "Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương" ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã giúp nhiều người lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời.

Anh Trần Duy Cư (góc trái) giới thiệu về mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng của gia đình mình.


Anh Trần Duy Cư, trú tại thôn Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, là một tấm gương hoàn lương làm lại cuộc đời nhờ mô hình "Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương". Sau khi chấp hành án tù vì tội trộm cắp tài sản, anh Cư trở về địa phương. Do không có nghề nghiệp, thiếu vốn sản xuất, nên cuộc sống gia đình anh rất khó khăn. Biết hoàn cảnh của anh, Ban Chỉ đạo mô hình cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương đã bảo lãnh, tham mưu với UBND thị xã Hương Thủy tạo điều kiện cho anh vay vốn mở dịch vụ ăn uống, kết hợp phát triển mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng. Anh Cư cho biết: “Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền và cộng đồng, tôi được cấp đất và vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Với dịch vụ kinh doanh ăn uống và phát triển mô hình vườn - ao - chuồng, mỗi năm vợ chồng tôi thu trên 200 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Tình làng nghĩa xóm, sự hỗ trợ của chính quyền là động lực lớn giúp tôi đứng dậy sau một lần vấp ngã”.

Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ đạo mô hình cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương ở xã Thủy Thanh cho biết: Với những người từng một thời lầm lỡ, việc vượt qua mặc cảm, trở thành người có ích cho xã hội là cả một quá trình và phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Thực tế, nhiều trường hợp sau khi trở lại cuộc sống cộng đồng đã bị chính người thân và những người xung quanh phân biệt, kỳ thị; có trường hợp đi xin việc đã bị từ chối khi mới xem qua hồ sơ... Chính vì vậy chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể đã quyết định xây dựng mô hình "Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương" để hỗ trợ cơ chế, pháp lý giúp đỡ những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Bước đầu mô hình đã góp phần tích cực giảm phát sinh tội phạm, tái phạm tội, nhiều người được cảm hóa đã vượt qua lỗi lầm, mặc cảm trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Mô hình "Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương" đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo cơ hội và điều kiện cho những người từng lầm đường, lạc lối quay về nẻo thiện. Mô hình này không chỉ góp phần giữ vững an ninh trật tự của địa phương, mà còn thể hiện sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân sẵn sàng giúp đỡ những người lầm lỗi hoàn lương, làm lại cuộc đời.

Mô hình "Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương" đi vào hoạt động từ năm 2012. Ban Chỉ đạo mô hình đã phân công trách nhiệm cụ thể đến thành viên là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ...; đồng thời phối hợp với thôn, xóm và người thân theo dõi, quản lý và giúp đỡ người mãn hạn tù trở về sinh sống tại địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ kỳ thị, phân biệt trong cộng đồng dân cư được chú trọng. Các ban, ngành tích cực hỗ trợ các thủ tục pháp lý như đăng ký cư trú, cấp giấy chứng minh nhân dân cho người chấp hành xong án phạt, xóa án tích; thăm hỏi động viên, vận động các đối tượng cam kết không tái phạm để hòa nhập cộng đồng. Các thành viên cũng thường xuyên gặp gỡ đối tượng để phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức pháp luật cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tìm giải pháp giúp đỡ phù hợp.

Đặc biệt để tạo việc làm cho các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù, UBND xã phối hợp với Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức các đợt tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề và tìm kiếm việc làm; tổ chức nhiều đợt tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, xây dựng mô hình kinh tế và đứng ra bảo lãnh vay vốn sản xuất...

Trên địa bàn xã Thủy Thanh có nhiều đối tượng, sau khi ra tù trở về địa phương và được các cấp quan tâm, giúp đỡ đã vươn lên hòa nhập, tu chí làm ăn, có thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng như anh Nguyễn Viết Chiêm, Trần Duy Thịnh. Nhiều người còn là những thành viên tham gia tích cực vào công tác an ninh trật tự ở nơi sinh sống; phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng ngừa tố giác tội phạm, tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự.

Thời gian tới, UBND xã Thủy Thanh sẽ thành lập câu lạc bộ những người được tha tù do Trưởng Công an xã làm chủ nhiệm nhằm tạo môi trường để những đối tượng đã chấp hành xong án tù giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và tạo nguồn vốn xoay vòng để phát triển kinh tế.


 Bài, ảnh: Tường Vi
Hỗ trợ phụ nữ lầm lỡ hoàn lương
Hỗ trợ phụ nữ lầm lỡ hoàn lương

Để hỗ trợ, giúp đỡ những phụ nữ từng hành nghề mại dâm và những người đang hoạt động mại dâm có mong muốn hoàn lương tái hoà nhập cộng đồng, các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN