60 năm giải phóng Thủ đô:

Giao thông Hà Nội phát triển hoàn thiện và đồng bộ

Thủ đô Hà Nội tròn 60 năm ngày giải phóng (10/10/1954 -10/10/2014) là mốc son quan trọng để nhìn lại một chặng đường đã qua và mở ra những hướng đi mới đầy khởi sắc. Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông vận tải đã có nhiều đột phá tạo nên bộ mặt giao thông đô thị thông suốt và thuận tiện, ngày một phát triển hoàn thiện, đồng bộ và bền vững.

 Nút giao đường Lê Văn Lương – Vành đai 3 - Khuất Duy Tiến. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN


"Thay da đổi thịt” từng ngày

Giao thông Thủ đô nhiều năm trước đây là nỗi ám ảnh của người dân và các cấp chính quyền, từ chuyện kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ dẫn đến tắc đường, tai nạn giao thông ngày một gia tăng… Trước thực trạng đó, nhiều năm nay Hà Nội đã tập trung trí và lực tăng cường đầu tư, kiện toàn quy hoạch, xây dựng phát triển mạng lưới giao thông theo hướng hiện đại, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chia sẻ: Trong 60 năm qua, giao thông Hà Nội có những bước phát triển hết sức nổi bật. Trước hết là về kết cấu hạ tầng các công trình giao thông đã được đầu tư tương đối đồng bộ theo đúng quy hoạch phát triển và đã kết hợp thành mạng lưới từ các đường vành đai (vành đai 1, 2, 3) và những tuyến đường xuyên tâm tạo nên một bộ mặt giao thông đô thị Hà Nội nhiều đổi thay.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện (áo trắng).


Điển hình là việc xây dựng đường vành đai 3 và đường cao tốc trên cao (trên đường vành đai 3) khi đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết rất lớn lưu lượng xe tải, xe con và xe khách. Vận chuyển hàng hóa, hành khách vào địa bàn Hà Nội không phải đi vào nội đô và tuyến đường này có thể đến bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, sân bay Nội Bài và là đầu nối đi các tỉnh phía Bắc…

Còn ở nội đô, những cây cầu vượt nhẹ đã giải tỏa ách tắc giao thông vào giờ cao điểm tại những khu đông dân cư như ngã tư Chùa Bộc - Tây Sơn, Láng Hạ - Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh - Láng, Bạch Mai - Đại Cồ Việt… Bức tranh về giao thông Hà Nội hôm nay đã có nhiều màu sắc tươi sáng, không còn là nỗi lo lắng, bức xúc của mỗi người dân như vài ba năm trở về trước. Tỷ lệ tắc đường đến nay đã giảm một nửa so với giai đoạn trước.

Khó khăn lớn nhất của ngành giao thông Thủ đô hiện nay là sự tăng nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân, trong khi đó kết cấu hạ tầng giao thông chưa thể đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp đột phá trong việc giải quyết ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp tình thế trước mắt, còn về lâu dài, cái khó của Thủ đô chính là việc cần tập trung đầu tư mạng lưới giao thông công cộng. Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay thành phố đang thực hiện 8 tuyến tàu điện trên cao kết hợp với hạ ngầm, cùng với mạng lưới xe buýt để mở rộng, kết nối các phương tiện giao thông công cộng, từng bước giảm tải được phương tiện giao thông cá nhân, giúp chống ùn tắc giao thông một cách tốt nhất và bền vững nhất.

Tầm nhìn chiến lược


Phát biểu tại hội thảo “Đô thị Hà Nội, 60 năm xây dựng và phát triển 1954-2014”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nhấn mạnh, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu và tầm nhìn là: Đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại; một mô hình đô thị đa cực, kết nối bằng hệ thống giao thông vành đai với hướng tâm, các không gian xanh, vành đai xanh…

Trên tinh thần ấy, để “trái tim của cả nước” có một diện mạo giao thông đô thị xứng tầm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô trong thời gian tới sẽ tập trung vào 3 vấn đề lớn. Một là hoàn thiện lại kết cấu hạ tầng giao thông, các hệ thống cầu, tuyến đường vành đai, tuyến đường xuyên tâm.

Theo đó, Hà Nội với đầu mối giao thông của 5 tuyến đường sắt, 7 tuyến quốc lộ hướng tâm vào Thủ đô. Sân bay Quốc tế Nội bài, từ thành phố Hà Nội có các tuyến bay tới hơn 40 điểm đến quốc tế. Hà Nội cũng đã được xây dựng các tuyến đường lớn nối liền với 2 cảng biển quốc tế Hải Phòng và Cái Lân (Quảng Ninh)…

Thứ hai là sẽ đầu tư tăng cường tuyến đường giao thông vận tải hành khách công cộng cho Thủ đô; vừa phục vụ hành khách công cộng nội tỉnh, vừa phục vụ hành khách của Hà Nội đến với các tỉnh bạn để đảm bảo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa để phát triển kinh tế Thủ đô và cả nước. Theo kế hoạch, vận tải hành khách công cộng sẽ bố trí khoảng 26% năm 2020 và 43% đến năm 2030. Thứ ba là tổ chức giao thông, xây dựng văn hóa giao thông để đảm bảo trật tự an toàn giao thông tốt nhất, hạn chế các số vụ tai nạn giao thông…


Nút giao thông Pháp Vân, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN.


Chiến lược phát triển xuyên suốt của Thủ đô trong những năm tới là phát triển giao thông tạo sự liên kết giữa Hà Nội với các vùng lân cận, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các trung tâm thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế, đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh.

Giải quyết ách tắc giao thông, gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng các tuyến vận tải công cộng lớn như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm (khoảng 5 tuyến đường sắt vào nội đô), các công trình ngầm… Dành quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 18 -20% diện tích đất đô thị (trong đó giao thông tĩnh 4-6%), riêng các quận nội thành cũ đạt khoảng 10-12%. Hà Nội sẽ liên kết đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh bằng đường sắt ngoại ô và xe buýt.

Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo nên một diện mạo mới, giao thông Thủ đô cần có một lượng kinh phí rất lớn cùng với sức mạnh tổng hợp của mọi nguồn lực xã hội. Nguồn vốn ngân sách từ Trung ương và thành phố hiện mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, nên các nguồn khác cũng cần được khuyến khích.

Trong đó, cần tranh thủ các nguồn vốn ODA, vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế, vốn đầu tư theo chương trình của các nước… để hỗ trợ chúng ta xây dựng các tuyến đường giao thông, phương tiện giao thông. Minh chứng là các dự án công trình giao thông thành phố đã và đang thực hiện theo hình thức đầu tư kết hợp công tư PPP, BOT, BT… hầu hết đều cho hiệu quả thiết thực. Từ đó, bức tranh giao thông Hà Nội từng bước được “thay da đổi thịt”, được phát triển hoàn thiện, đồng bộ và bền vững theo đúng tinh thần, định hướng và quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Nguyễn Văn Cảnh


Cầu Đông Trù sẽ thông xe dịp 60 năm giải phóng Thủ đô
Cầu Đông Trù sẽ thông xe dịp 60 năm giải phóng Thủ đô

Những ngày cuối tháng 9/2014, Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống (Hà Nội) đang đếm ngược thời gian để thông xe đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2014).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN