Giáo sư Nguyễn Xiển: Vị Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc bộ

Giáo sư Nguyễn Xiển (1907-1997) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho lâu đời có tiếng của xứ Nghệ. Ông tiêu biểu cho lớp trí thức đầu thế kỷ XX đã có quyết định đúng đắn trước những khúc ngoặt của lịch sử.


Từ một công chức cao cấp trong bộ máy thuộc địa Pháp, ông trở thành một trí thức yêu nước cách mạng, toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng. Nhân kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta nhớ đến nhà trí thức lớn Nguyễn Xiển, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho trọng trách Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc bộ ngay sau Cách mạng thành công.


Thuở nhỏ, Giáo sư Nguyễn Xiển (ảnh) là học trò xuất sắc của trường Quốc học Vinh. Sau ông ra Hà Nội học ở trường Bưởi. Vì tham gia bãi khóa trong cuộc vận động học sinh để tang cụ Phan Chu Trinh, ông bị cấm dự thi tú tài bản xứ. Năm 1928, ông thi đỗ đầu tú tài Tây, giành được học bổng du học tại Pháp cùng Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Định, và Trần Văn Tỷ.



Những năm học toán học ở Pari, Toulouse, Nguyễn Xiển đã chịu ảnh hưởng tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng Pháp, được nghe đến Nguyễn Ái Quốc, được gặp những sinh viên cộng sản trẻ tuổi như Trần Văn Giàu, Phan Tư Nghĩa,…; đã có lần ông theo Phan Tư Nghĩa đi dự mít tinh chống thực dân Pháp đàn áp, khủng bố trắng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở quê nhà.


Năm 1932, ông về nước nhưng không ra làm quan cho triều đình Huế mà ra Hà Nội, đi dạy toán cho một số trường tư.


Đi theo cách mạng


Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra ông đang phụ trách Đài khí tượng Phủ Liễn ở Kiến An, Hải Phòng thay người Pháp. Như nhiều trí thức bấy giờ, ông cũng chưa có phương hướng nào rõ rệt, tin tức về Mặt trận Việt Minh thì biết lõm bõm, ông tự nhủ cần phải cẩn trọng, tránh vội vã đi lầm đường lạc lối, trước hết dồn tâm sức vào việc chuẩn bị để xây dựng ngành khí tượng Việt Nam mà chắc chắn rằng thời nào thì cũng cần đến.


Rồi ông quyết định rời Phủ Liễn lên Hà Nội, tham gia công việc của Phòng dự báo thời tiết ở Nha khí tượng. Trong không khí sục sôi của cuộc cách mạng, lần đầu tiên ông tham gia vào đoàn biểu tình ở vườn hoa Hàng Đậu, cùng hô khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”.


Nhưng điều bất ngờ nhất đã xảy ra khiến cho cuộc đời ông bước sang một giai đoạn hoàn toàn mới. Ngày 24/8/1945, một cán bộ đến mời ông lên gặp đại diện Ủy ban dân tộc giải phóng. Khi đến Bắc Bộ phủ, ông gặp cụ Nguyễn Văn Tố. Cụ Tố nói: “Ngài và tôi là hai trí thức Hà Nội được mời tham gia Chính phủ lâm thời. Tôi đã nhận Bộ Cứu tế, chúc ngài nhận một Bộ trong Chính phủ”.


Chưa kịp nói gì thì ông đã được mời tới gặp ông Võ Nguyên Giáp và được đề nghị nhận Bộ Giao thông công chính, nhưng ông cảm ơn và từ chối với lý do “Tôi chưa làm gì được cho Cách mạng, mới chỉ gửi điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị mà nhận một ghế Bộ trưởng thì dễ mang tiếng cơ hội” và xin tiến cử Trần Đăng Khoa, Đặng Phúc Thông.


Ngày hôm sau, lại có người mời ông đến gặp Hồ Chủ tịch. Cụ Hồ nói với ông ngắn gọn: Đã là trí thức yêu nước thì phải nhận trách nhiệm trước lịch sử, không nhận làm bộ trưởng thì phải nhận Ủy ban hành chính Bắc bộ. Ông từng làm công chức cao cấp trong bộ máy chuyên môn của Pháp nên có kinh nghiệm nhiều hơn anh em cách mạng... Trước lời lẽ giản dị, thái độ tin cậy ấy của Cụ Hồ, ông không thể từ chối được nữa, ông nhận nhiệm vụ: Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc bộ và kiêm nhiệm Giám đốc Nha khí tượng Việt Nam.


Ủy ban hành chính Bắc bộ làm nhiệm vụ quản lý hành chính, ngay sau khi thành lập đã bắt tay ngay vào việc quản lý bộ máy chính quyền cũ, xây dựng các ủy ban hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã, thu nhận các công chức cũ tình nguyện ở lại phục vụ cách mạng, đồng thời khẩn trương giải quyết các nhiệm vụ cấp bách, trong đó có việc sửa chữa đê đập bị vỡ bởi trận lũ lịch sử tháng 8/1945.


Khi ấy, các đê sông Thao, sông Lô, nhiều khúc đê sông Hồng, đê Hưng Nhân, Mỹ Lộc bị vỡ. Khối lượng công việc rất lớn, cần rất nhiều tiền cho việc tu sửa, kịp hoàn thành trước mùa nước năm sau, trong khi ngân khố sau cách mạng gần như trống rỗng, nhân dân kiệt quệ sau nạn đói năm Ất Dậu. Ông đã đề đạt lên Chủ tịch Hồ Chí Minh kế hoạch sử dụng cả thầu khoán và thợ đấu.


Đây là một ý nghĩ táo bạo vào thời điểm bấy giờ. Đối với một số người còn bị coi là kẻ bóc lột, nhưng thầu khoán vừa quen việc lại vừa có tiền ứng trước. Nghe ông trình bày, Hồ Chủ tịch đã ủng hộ và cho phép, Người nói: “Thầu khoán giúp dân chống lụt lúc này là yêu nước”. Việc sửa chữa và đắp đê đã hoàn thành đúng kế hoạch.


Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, năm 1946, ông và gia đình rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Gia đình ông phải đổi chỗ ở nhiều lần, cuộc sống khó khăn, có những ngày hết gạo, cả nhà ăn khoai sắn, con cái học hành bị gián đoạn. Con trai cả 16 tuổi lên đường đi bộ đội rồi hy sinh, con trai thứ hai là Nguyễn Toán cũng tham gia công tác phục vụ kháng chiến, đi dạy học ở vùng cao Na Rì, Bắc Kạn. Vợ ông, người phụ nữ Hà thành đảm đang tháo vát, một tay lo chăm sóc gia đình để chồng yên tâm công tác.


Trong kháng chiến, do điều kiện chiến trường bị chia cắt, Ủy ban hành chính Bắc bộ thu hẹp chỉ còn một bộ phận nhỏ giữ liên hệ với các tỉnh để bảo vệ đê điều chống lụt và một vài công việc khác. Vì thế ngoài việc về các tỉnh đôn đốc hộ đê, ông tình nguyện sang giúp Bộ Giáo dục mở lớp toán cao cấp hàm thụ. Trong thời gian này, ông biên soạn hai cuốn giáo trình Toán học đại cương và Cơ học thuần lý, đây là hai cuốn sách dạy toán, lý cao cấp đầu tiên viết bằng tiếng Việt, được ra đời trong điều kiện kháng chiến gian khổ và ác liệt.


Kháng chiến thành công, ông và gia đình về Hà Nội, ở nhà số 1C Tràng Tiền, ngay sau Nhà hát Lớn Hà Nội (hiện nay, con trai thứ hai PGS.TS Nguyễn Toán đang ở). Căn nhà này được xây trong những năm 1935-1937, dành cho các giám đốc Sở Khí tượng từ thời Pháp. Sau này, ông giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ và Quốc hội như: Phó Chủ tịch UBTV Quốc hội từ khóa II đến khóa VII, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII... Nhưng ông vẫn dành tâm huyết cho ngành khí tượng, gắn bó cả cuộc đời với ngành này cho đến khi mất.


Nhà khoa học khí tượng đầu tiên của Việt Nam


Năm 1937, Nguyễn Xiển làm việc ở Đài Khí tượng Phủ Liễn (đây được coi là một trong những công trình mà người Pháp rất tự hào lúc bấy giờ ở Đông Nam Á). Giám đốc Nha khí tượng Đông Dương khi ấy sắp về hưu, đang cần người hiểu biết toán lý để nâng cao nghiệp vụ tính toán về thiên văn, khí tượng, trong khi đó những người Pháp khác làm việc trong ngành khí tượng đều là kỹ sư nông nghiệp. Thế là ông trở thành một trong ba trí thức Việt Nam đầu tiên vào ngành này, ngành mà vốn chỉ dành cho người Pháp.


Trong suốt thời gian sau đó, cả khi vào công tác ở Sài Gòn, ông đã tích lũy cho mình đủ vốn liếng về ngành để phụ trách Đài Khí tượng thủy văn Phủ Liễn vào năm 1941. Thực tế giúp ông nhận ra rằng, công việc này chủ yếu phục vụ cho Tây chứ không phục vụ cho nông dân nước ta, dự báo khí tượng hàng ngày bằng tiếng Pháp không phải bằng tiếng Việt.


Ông đã đấu tranh cho việc này và đòi được đào tạo cán bộ khí tượng thủy văn là người Việt nhưng không được. Chỉ đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, được Hồ Chủ tịch giao cho nhiệm vụ Giám đốc Nha Khí tượng Việt Nam thì vai trò và sự cống hiến của ông cho ngành khí tượng nước nhà mới chính thức được khẳng định. Ông giữ chức vụ này cho đến năm 1977.


Ông đã làm rất nhiều việc cho ngành bắt đầu từ con số không, bởi sau năm 1954, ngành khí tượng gần như phải xây dựng lại từ đầu, từ việc tập hợp những người làm công tác khí tượng tản mát ở khắp nơi, huấn luyện, đào tạo lại, cũng như xây dựng lại gần như hoàn toàn mạng lưới khí tượng ở các địa phương. Bản thân ông gấp rút dịch cuốn sách giáo khoa về khí tượng học từ tiếng Pháp ra tiếng Việt.


Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, ngành khí tượng không chỉ dự báo nắng mưa, bão lụt giúp cho sản xuất, bảo đảm thóc gạo nuôi quân; mà còn chọn lựa thời gian thuận lợi nhất để hành quân, tiếp tế, mở chiến dịch, không quân xuất kích, hải quân ra khơi,…


Trước lúc mất, ông vẫn cố hơi sức cuối cùng để nói với người kế cận mình: “Ngữ ơi (GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ khi đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy Văn), nói với Chính phủ quan tâm hơn đến ngành khí tượng thủy văn”.



Xuân Phong

(Trong bài có sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Giáo sư Nguyễn Xiển: Cuộc đời và sự nghiệp” và thông tin do gia đình cung cấp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN