Giáo dục phạm nhân, người cán bộ quản giáo cần có một tấm lòng...

Không chỉ thực hiện nghiêm kỷ luật mà “để quản lý, giáo dục phạm nhân trở về làm người lương thiện, người cán bộ quản giáo cần có một tấm lòng” - đó là lời bộc bạch, chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Thanh Hùng, Phân trại trưởng Trại quản lý tạm giam thuộc Công an Vĩnh Long trong dịp chúng tôi đến trại tìm hiểu về sự chuẩn bị thực hiện công tác đặc xá, tha, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với các phạm nhân trong dịp Quốc khánh 2/9.

Chế biến nấm rơm muối - một trong những hình thức cải tạo lao động của phạm nhân ở Trại tạm giam Công an Vĩnh Long.


Trại tạm giam thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 100 phạm nhân đang thụ án với nhiều tội danh khác nhau và cả những người bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra. Hàng ngày, ngoài thời gian cải tạo lao động, đội ngũ cán bộ quản giáo còn trực tiếp giáo dục, tuyên truyền những bài học về tái hòa nhập cộng đồng, các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước… cho các phạm nhân. Mỗi tuần, cả trại còn có buổi giáo dục, sinh hoạt chung, được vui chơi thể thao (bóng đá, bóng chuyền), được đọc sách, báo…

Thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, các cán bộ quản giáo còn tuyên truyền, giáo dục đối với phạm nhân về sự nhân đạo, vị tha của Đảng ta trong việc xét đặc xá, đề nghị xét tha, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với các phạm nhân có nhiều nỗ lực cải tạo tốt. Dù cải tạo, giáo dục phạm nhân ở hình thức nào thì người cán bộ quản giáo cũng cần có tấm lòng, đối xử công bằng, tôn trọng phạm nhân. Bởi trong số người phạm tội đang cải tạo tại đây có không ít người đáng tuổi cha, chú, ông bà… của người quản giáo. Chính vì vậy, các anh xác định: Mỗi lời nói của mình với phạm nhân không còn là lời nói của cá nhân với cá nhân mà là người đại diện cho Nhà nước làm nhiệm vụ này nên phải cân nhắc, lựa chọn từng lời, từng câu, từng chữ sao cho có hiệu quả giáo dục, thuyết phục cao nhất.

Từ năm 2007, Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Vĩnh Long còn hỗ trợ Trại tạm giam tỉnh Vĩnh Long thành lập góc thư viện với trên 500 đầu sách các loại. Ngoài việc đọc sách tại thư viện, buổi tối hoặc sau giờ lao động, nhiều phạm nhân còn mượn sách về phòng đọc. Cứ mỗi 6 tháng, Thư viện tỉnh lại luân chuyển các đầu sách một lần. Việc đọc sách, báo đã trở thành một hoạt động thiết thực, bổ ích giúp những người lầm lỗi hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi chấp hành xong án phạt tù. Mô hình giáo dục phạm nhân từ đọc sách, báo không chỉ giúp phạm nhân cập nhật, nâng cao kiến thức mà còn giúp họ tự tin hơn khi được đặc xá, tha, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối năm 2001, sau khi tốt nghiệp Đại học Cảnh sát với chuyên ngành quản lý phạm nhân, Nguyễn Thanh Hùng được phân công về Trại tạm giam Công an Vĩnh Long với cấp bậc Thiếu úy. Qua 10 năm làm công tác quản giáo, Thiếu tá Hùng đã có nhiều kỷ niệm buồn, vui, nhiều trăn trở khi giáo dục, cải tạo phạm nhân. Mỗi đợt thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, mỗi người được trở về với đời thường là anh có thêm một niềm vui. Không ít phạm nhân từ đây trở về, chí thú làm ăn, cuộc sống đổi thay đã tìm đến anh nói những lời cảm ơn. Trường hợp phạm nhân T. khiến anh nhớ mãi, đó là một phạm nhân tuổi vị thành niên, phạm tội giao cấu với trẻ em, khi vào đây đã tha thiết xin được đem sách, tài liệu vào tự học, tự ôn ngoài giờ lao động, cải tạo chấp hành án phạt tù ở trại. Khi được trở về, đoạn tuyệt với tội lỗi, vượt qua mặc cảm, T. tiếp tục đi học và đã thi đậu vào một trường đại học. Mới đây, anh Hùng gặp lại T. nhưng trong một hoàn cảnh khác tốt đẹp hơn nhiều: T.vừa tốt nghiệp đại học. Kể câu chuyện này, Thiếu tá Hùng rất vui vì ít nhiều trong sự trưởng thành của những người như T., công sức của anh và đồng đội trong quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân đã không bị uổng phí.

Phạm Thị Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN