Giành lại vỉa hè cho người đi bộ - Bài 1: Lấn chiếm tràn lan

Bất chấp hàng loạt các quyết định của UBND TP Hà Nội về việc quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn, vỉa hè ở Thủ đô vẫn bị những hộ dân có nhà mặt phố biến thành “lãnh địa” riêng. Một số cơ quan, đơn vị cũng “tích cực” chuyển “công năng” vỉa hè thành điểm trông giữ xe. Ngay cả những gánh hàng rong, quán giải khát cũng tranh thủ "làm chủ" vỉa hè.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra phổ biến như một sự "đương nhiên" không chỉ gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, nếp sống văn minh mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự và an toàn giao thông...

Bài 1: Lấn chiếm tràn lan

Phố Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng) là hai đường phố mới, rộng rãi và khá đẹp nhưng từ sáng sớm đến cuối đêm khuya, nhất là những ngày nghỉ cuối tuần, dọc hai con phố này tràn đầy bàn, ghế, xe cộ từ các quán cà phê, cửa hàng... lấn hết vỉa hè, khiến người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường.

Vỉa hè phố Trần Đại Nghĩa (Hà Nội) bị chiếm dụng, người đi bộ phải đi xuống lòng đường.   Ảnh: Lê Phú

Ông Nguyễn Tuấn Nam, nhà ở khu tập thể Trường Đại học Kinh tế quốc dân nói: “Sáng nào tôi cũng dắt cháu nội đi bộ qua phố Lê Thanh Nghị, nhưng hai ông cháu có lúc phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm. Biết đi như vậy dễ xảy ra tai nạn giao thông, nhưng chẳng còn cách nào khác. Vì vỉa hè đã bị các hàng quán chiếm dụng để xe máy, bán đồ ăn sáng, đặt biển quảng cáo... nên muốn đi qua chỉ còn cách xuống lòng đường”.

Trên những hè phố này, hàng quán mọc lên san sát với vô số biển quảng cáo, nào là cà phê, ốc nóng, nem chua rán, bún riêu, bánh bột lọc, chân gà nướng. Khách hàng chủ yếu là sinh viên ngồi ăn uống tràn hết cả vỉa hè, xe đạp, xe máy dựng bừa bãi như không hề biết tới các biển báo “Cấm bán hàng, họp chợ trên đường”. Thậm chí, ngay ngã tư Trần Đại Nghĩa – Lê Thanh Nghị còn có cửa hàng vật liệu xây dựng ngang nhiên chiếm hết vỉa hè làm nơi tập kết cát, sỏi, xi măng... Chị Lan, chủ một quán cà phê ở phố Trần Đại Nghĩa thanh minh: “Vẫn biết lấn chiếm vỉa hè là vi phạm, nhưng việc kinh doanh buôn bán thì khó tránh khỏi việc phải “nhao” ra vỉa hè, lòng đường".

Dọc theo tuyến phố Đại La, Trương Định, Bạch Mai, Phố Huế, hay ở đường Nguyễn Sơn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương, hoặc trên các tuyến phố đi bộ ở khu phố cổ..., cảnh hàng rong, xe máy để ngang nhiên, choán hết cả vỉa hè cũng diễn ra. Nhất là từ cuối chiều đến nửa đêm, việc chiếm dụng vỉa hè còn diễn ra ồ ạt, công khai hơn nhưng lạ một điều là không thấy bóng dáng của các nhân viên công vụ tới kiểm tra, xử lý theo quy định. Thậm chí, trước siêu thị Big C trên đường Trần Duy Hưng, cứ khoảng 17-18 giờ hàng ngày, hàng chục người bán bánh mì rong đứng tràn cả xuống lòng đường, có lúc ùn tắc cả giao thông trên đường phố.

Ảnh: Lê Phú

Đáng chú ý là ngoài các hàng quán chiếm dụng vỉa hè làm điểm kinh doanh, buôn bán, người dân cũng "vô tư" biến thành điểm hẹn "ẩm thực" thì trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, vỉa hè còn phải “cõng” một số lượng lớn xe ô tô, xe máy… Và nếu như trước cửa một số cơ quan, doanh nghiệp lớn, việc ô tô đỗ san sát được coi là... đương nhiên thì tại một số điểm khác, do không đủ chỗ đỗ dưới lòng đường, ô tô, xe máy còn "chễm chệ" lên vỉa hè “ngự”.

Trên nhiều vỉa hè Hà Nội chúng ta thấy những người vi phạm không chỉ là một số người dân thiếu ý thức, mà có cả những cơ quan nhà nước, những doanh nghiệp lớn. Từ cuối tháng 4 trở lại đây, nhiều người dân ở phố Bùi Ngọc Dương (quận Hai Bà Trưng) không khỏi giật mình khi thấy một đoạn vỉa hè của phố này - phía trước cổng Trung tâm bồi dưỡng chính trị của Quận ủy Hai Bà Trưng - được Tổ trật tự phường Bạch Mai "trưng dụng". Nơi đây được "quy hoạch" làm điểm trông giữ xe thay cho mấy bà bán hàng cùng mấy người xe ôm trước kia hay ngồi.

Cách đó không xa, vỉa hè khu A17 của Bách Khoa trên đường Tạ Quang Bửu cũng bị lấn chiếm gần hết để làm chỗ đỗ xe bằng cách đóng cọc sắt và nối lại bằng những dây xích sắt to. Cả đoạn vỉa hè rộng thênh thang là thế, nay chỉ còn chừng nửa mét... như miễn cưỡng dành lối cho người đi bộ. "Vì sao những trường hợp bán rong, kinh doanh trên vỉa hè thì bị phạt còn việc lấn chiếm rõ ràng như thế này thì không sao? Phải chăng vỉa hè ai muốn ngang nhiên lấn chiếm cũng được?" - chị Lê Thị Thu Phương, 30 tuổi, một người dân phường Bách Khoa bức xúc.

Không riêng gì khu A17, nhiều công sở khác cũng “trưng dụng” vỉa hè thành "sân nhà" của mình. Điển hình là sự "cửa quyền" tại Pacific Place tại 83b Lý Thường Kiệt khi "chiếm dụng" và sử dụng "độc quyền" trọn phần vỉa hè và không gian (cả lề đường) của tòa nhà này. Người dân chỉ cần dừng, đỗ xe tạm thời tại khu vực này là bị lực lượng bảo vệ xua đuổi.

Nhưng “cưỡng chiếm” ngang nhiên nhất phải tính đến tòa nhà BIDV Tower (số 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm) - liên doanh giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Bloomhill Holdings PTE.LTD. Singapore. "Tháp thông minh" này cao 106m với 25 tầng nổi và 2 tầng hầm, đã “quy hoạch” vỉa hè thành sân của mình bằng cách cơi nới diện tích vỉa hè, tự ý dựng hàng chục cột cờ ra ngoài chỉ giới, tạo lối đi thuận tiện cho xe máy, ô tô ra, vào tòa nhà. “Cả bốn phía chung quanh tòa nhà đều bị chiếm dụng hết. Muốn đi bộ thì phải xuống lòng đường mà đi. Nhưng như vậy là rất nguy hiểm bởi mật độ phương tiện giao thông ở đây rất đông”, một người dân phường sở tại phản ánh.

Nhóm PV

Bài 2: Qui định thì đủ, nhưng...

Giành lại vỉa hè cho người đi bộ - Bài cuối: Quy hoạch các điểm giao thông tĩnh
Giành lại vỉa hè cho người đi bộ - Bài cuối: Quy hoạch các điểm giao thông tĩnh

Tại cuộc họp giao ban báo chí gần đây, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cho biết: Trong công tác quy hoạch giao thông của Hà Nội, yếu kém nhất là vấn đề giao thông tĩnh; trong khi các loại phương tiện giao thông trên địa bàn đang phát triển quá nóng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN