Gian nan hành trình đòi nợ bảo hiểm xã hội

Nợ và đòi nợ luôn là vấn đề nhức nhối của ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH), đặc biệt là vào thời điểm cuối năm khi các doanh nghiệp phải xoay xở nguồn vốn để phục vụ cho sản xuất kinh doanh thì việc chiếm dụng tiền bảo hiểm để làm vốn càng trở nên phổ biến.

Bảo hiểm Xã hội Hà Nội tổ chức tốt việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ cho các đơn vị và đối tượng đến giao dịch theo hình thức "một cửa". Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng Ban Thu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 9/2011, số nợ đọng đã lên đến 5.852 tỷ đồng; trong đó, nợ BHXH là 4.562,5 tỷ đồng, nợ BHYT là 1.287,6 tỷ đồng. Điều đáng lo ngại là số nợ được xếp vào dạng khó đòi, nợ BHXH từ 6 tháng trở lên lên tới 1.679,2 tỷ đồng.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương có số nợ đọng BHXH lớn nhất. Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội Bùi Ngọc Hà, đến 30/9/2011, các đơn vị còn nợ cơ quan này 864,5 tỷ đồng, chiếm 14,77% tổng số nợ của toàn ngành. Trong đó, số tiền nợ BHXH dưới 3 tháng là 57,76 tỷ đồng. Nợ từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 194,76 tỷ đồng. Nợ từ 6 đến dưới 12 tháng là 279 tỷ đồng. Nợ trên 12 tháng là 332,93 tỷ đồng. Nhiều đơn vị mặc nhiên nợ đìa cả trên dưới chục tỷ đồng với thời gian kéo dài từ 2 – 3 năm. Điển hình như Công ty cổ phần cầu 12 nợ 28 tháng với số tiền 12 tỷ đồng. Công ty cổ phần cầu 14 nợ 23 tháng với số tiền 7,6 tỷ đồng. Công ty TNHH may mặc xuất khẩu VIT Garment nợ 7,4 tỷ đồng kéo dài hơn 3 năm.

Không chỉ các doanh nghiệp mà ngay cả nhiều đơn vị sự nghiệp, ngân hàng cũng chây ỳ không đóng BHXH. Tổng cục Thuế hiện nợ BHXH Hà Nội 1,3 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương Việt Nam - Chi nhánh Láng – Hòa Lạc nợ BHXH 4 tháng, số tiền 117 triệu đồng. Trường THPT Yên Lãng (Hà Nội) nợ 4 tháng, số tiền 194 triệu đồng. Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục – Đào tạo nợ 165 triệu đồng với thời gian 6 tháng. Trường tiểu học dân lập Ban Mai (Hà Nội) nợ 293 triệu đồng, thời gian 10 tháng...

Cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, một đại diện của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết: Vì lợi nhuận, chủ sử dụng lao động bất chấp các quy định của pháp luật, trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các đơn vị ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, hộ cá thể đã lách luật bằng cách không ký kết hợp đồng lao động hoặc chỉ ký hợp đồng dưới 3 tháng.

Ông Mai Đức Thắng cho rằng: Mức lãi suất quy định cho các khoản nợ BHXH chỉ 10,5%/năm, so với lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay có sự chênh lệch quá lớn đã tạo sức hấp dẫn, thúc đẩy các doanh nghiệp mặc nhiên chiếm dụng tiền BHXH làm vốn. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm BHXH lại chưa đủ sức răn đe, tính cưỡng chế của pháp luật chưa nghiêm. Mức phạt tối đa quy định hiện chỉ là 30 triệu đồng đối với những doanh nghiệp nợ đọng BHXH quá hạn, trốn đóng BHXH, nên nhiều chủ sử dụng lao động còn tìm cách né tránh, không thực hiện tham gia và trích nộp BHXH đúng, đủ và kịp thời cho người lao động.

Để khắc phục những vướng mắc trong việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHXH nói chung, tình trạng trốn đóng BHXH nói riêng, việc sửa đổi các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH cần theo hướng nâng mức xử phạt, quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH linh hoạt hơn, tối thiểu phải bằng mức lãi suất tiền vay quá hạn của các ngân hàng thương mại quy định tại từng thời điểm tính lãi là điều cần thiết. Để khuyến khích các ngành, các cấp phối hợp và tăng cường công tác thu hồi nợ đọng tiền đóng BHXH, BHXH Việt Nam kiến nghị bổ sung khoản kinh phí đặc thù chi cho công tác này theo tỷ lệ phần trăm trên số tiền nợ thu hồi. Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ giao cho thẩm quyền thanh tra, xử phạt các doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng tiền BHXH.

Theo BHXH Việt Nam, việc sửa đổi Điều 92 của Luật BHXH, quy định để lại 2% số thu BHXH tại đơn vị sử dụng lao động để chi chế độ ốm đau cho người lao động cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay sẽ tạo thuận lợi cho việc quản lý đối với cả doanh nghiệp và cơ quan BHXH.

Chu Thanh Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN