Giải quyết tình trạng trẻ em lang thang ở tp Hồ Chí Minh: “Bắt cóc bỏ đĩa”

Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định 19/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, bị xâm hại tình dục, lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, ngành LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, giải quyết vấn đề trẻ em lang thang xin ăn. Trong đó 90 - 95% chỉ tiêu đề ra đã được thực hiện, một số vụ trẻ bị xâm phạm đã được can thiệp, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, việc giải quyết trẻ em lang thang xin ăn ở TP Hồ Chí Minh vẫn đang trong tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.

Chùa Bà (nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 5) luôn đông đảo "đội quân" ăn xin là trẻ em.


Việc đưa trẻ lang thang vào các mái ấm nhà mở, trung tâm xã hội rồi cho hồi gia được cho là khá rắn và cương quyết. Tuy nhiên số trẻ quay lại thành phố kiếm sống không những không giảm mà còn tăng nhanh, có em được hồi gia 4-5 lần nhưng vẫn trở lại thành phố, thậm chí xuất hiện những đường dây chăn dắt lao động trẻ em. Ở quận Bình Tân, nhiều cơ sở may gia công sử dụng lao động trẻ em theo kiểu “bỏ nhốt” trong xưởng ròng rã hàng tháng, có khi 2 - 3 năm. Trẻ được bao ăn ở nhưng hạn chế đi lại, không nhận được tiền lương, trợ cấp vì bố mẹ đã “nhận giùm” từ tay ông chủ. Môi trường làm việc độc hại, thiếu ánh sáng, thời gian nghỉ ngơi ít, phải tăng ca liên miên khiến cho sức khỏe và tinh thần các trẻ mau chóng suy sụp.

Tính từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn thành phố có trên 10.000 trẻ em lang thang kiếm sống trên các đường phố không nhà, không có nơi che chở, chăm sóc. Tuy nhiên thành phố chỉ mới hồi gia chưa được 2.000 em. Có đến 70 - 80% là trẻ nhập cư, trong đó hơn 5.000 em không biết chữ hoặc bỏ học, khoảng 28% là bé gái. Những trẻ em này rất dễ bị tổn thương và là nạn nhân bị bóc lột sức lao động, nguy cơ nhiễm HIV/AIDS, lạm dụng tình dục và bị đối xử tàn tệ.

Đa số trẻ em thuộc diện mồ côi bị bỏ rơi, gia đình khó khăn về vật chất, bố mẹ ly hôn, sống trong môi trường bạo hành… Đường phố là điểm đến quen thuộc của các em. Không ít em có nhận thức sai lệch, muốn lên thành phố kiếm tiền cho gia đình trong khi không có người thân quen, muốn xa gia đình để được sống tự do, thoải mái hơn, bị dụ dỗ, chăn dắt. Nhiều người vào làm thuê, mướn phòng trọ, đưa cả gia đình con nhỏ vào, hình thành nên các khu trọ ngụ cư. Con cái họ không được học hành, đi bán vé số, đánh giầy kiếm sống, từ đó làm gia tăng trẻ lang thang.

Trần Xuân Tình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN