Giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông ở Hà Nội

Hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông ở thủ đô Hà Nội ngày càng trầm trọng. Mười năm về trước, Hà Nội chỉ xảy ra ùn tắc giao thông ở một số điểm vào giờ cao điểm, thì nay diễn ra hàng ngày trên hầu hết các tuyến phố.


Theo thống kê của ngành giao thông công chính và cảnh sát giao thông thành phố thì hiện nay Hà Nội có tới 246 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên trên các tuyến phố ở thủ đô Hà Nội. Ảnh: Lê Phú


Hệ lụy mà ùn tác giao thông gây ra đối với đời sống xã hội ở thủ đô là rất lớn. Theo kết quả của nhóm nghiên cứu thuộc Bộ Tư pháp thì chi phí một năm do ùn tắc giao thông ở Hà Nội là 21.594 tỷ đồng (lãng phí thời gian, tiêu tốn nhiên liệu, môi trường, mở rộng đường xá, lắp đặt và điều khiển hệ thống tín hiệu giao thông…). Không những vậy, ùn tắc giao thông gây nên tâm lý bất ổn trong cư dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội...

Có nhiều nguyên nhân để lý giải tình trạng trên, nhưng nguyên nhân cơ bản và sâu xa là: Từ trước đến giờ Hà Nội chưa có một quy hoạch tổng thể khoa học mang tầm chiến lược


Bởi trong quy hoạch những nội dung không thể thiếu như quy mô dân số, nhà ở, các dịch vụ như điện, nước, trường học, bệnh viện, công sở, khu sản xuất, thương mại, giao thông… đều phải được tính toán rất cụ thể, chi tiết, có tính đến sự phát triển nhiều thập kỷ sau này. Từ quy hoạch chung đó, từng khu vực sẽ có quy hoạch chi tiết. Và mọi kế hoạch, tính toán cho phát triển kinh tế -xã hội phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định trong quy hoạch đó.

Do chưa có quy hoạch mang tầm chiến lược nên sự phát triển về hạ tầng đô thị ở thủ đô thiếu đồng bộ, lộn xộn, chắp vá trong đó nổi lên hai vấn đề lớn là sự gia tăng quá nhanh về dân số và phương tiện giao thông, mà cơ sở hạ tầng giao thông và các loại hình dịch vụ không phát triển kịp. Sau nguyên nhân về thiếu quy hoạch mang tầm chiến lược thì việc tăng dân số và phương tiện giao thông là hai yếu tố chủ yếu gây nên tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay.

Về dân số: Hiện nay Hà Nội có 6,33 triệu dân (sau khi sáp nhập Hà Tây cũ về Hà Nội), tăng gấp 3 lần so với 1991. Mật độ dân số ở Hà Nội cao từ 4 đến 5 lần so với các địa phương lân cận. Quận Đống Đa có mật độ dân số cao nhất thủ đô: 35,341 người/km2. Đã vậy hiện nay bốn quận nội thành Hà Nội (Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm) có tới 16 cơ sở y tế, trong đó có 12 bệnh viện lớn của Trung ương, hàng ngày có tới hàng ngàn lượt người ở khắp nơi đến khám chữa bệnh.

Bốn quận nội thành cũng có 26 trường đại học và cao đẳng với hàng vạn sinh viên đang theo học. Ngoài ra, theo báo cáo của cơ quan chức năng, mỗi năm có 176.000 người nhập cư vào nội thành Hà Nội. Đó là chưa nói đến hàng ngàn cơ sở sản xuất, tiểu thủ công nghiệp, nhất là các khu phố cũ, văn phòng đại diện, các trung tâm thương mại, các sở giao dịch, hàng trăm chợ lớn nhỏ ở nội thành… quanh năm tấp nập người mua kẻ bán, hoặc đến giao dịch. Ngoài ra, theo thống kê của cơ quan chức năng, hằng năm, Hà Nội có tới 800 hội nghị lớn nhỏ, cộng thêm mỗi năm có từ 5 - 6 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch.

Một vấn đề khác là mấy năm gần đây ở các quận nội thành, thành phố đã đầu tư xây dựng khá nhiều khu chung cư cao tầng, dẫn đến tình trạng 1 ha đất có đến hàng nghìn hộ dân sinh sống thay vì 100 hộ dân trước đây, gây áp lực rất lớn cho các dịch vụ như trường học, bệnh viện, giao thông, điện, nước…

Hệ quả là dân số tăng thì phương tiện giao thông cũng tăng theo. Hiện nay Hà Nội có trên 3,6 triệu xe máy, 350.000 ô tô các loại, 1.000 xe buýt, 1.000.000 xe đạp… đó là chưa kể lượng xe vãng lai thường xuyên đến thủ đô, mỗi ngày từ 500 - 700 chiếc.

Trong khi đó, hệ thống đường xá ở Thủ đô vốn đã nhỏ hẹp, phần lớn được người Pháp đầu tư xây dựng cách đây một thế kỷ. 80% số đường có chiều rộng dưới 11 mét, lại rất nhiều điểm giao cắt, dù đã được nâng cấp mở rộng, hoặc làm mới, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu đi lại của toàn xã hội. Điều đáng chú ý là mạng lưới đường sắt đi các tỉnh với 6 tuyến, giao cắt với đường bộ 173 điểm, càng làm tăng thêm sự ùn tắc giao thông ở Thủ đô. Đã vậy, quỹ đất giành cho bãi đỗ xe còn quá ít, chỉ chiếm 8 - 10% nhu cầu.

Hiện thành phố chỉ có 384 điểm đỗ xe, tập trung ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Do thiếu nơi để đỗ xe, các phương tiện đành đỗ xe bừa bãi dưới lòng đường, vỉa hè. Theo thống kê của ngành giao thông công chính Hà Nội thì hiện nay có tới 12% số phương tiện đỗ trên lòng đường. Nhiều phường, khu phố tổ chức trông giữ xe ngay trên lòng đường, vỉa hè suốt ngày đêm để thu phí. Nhiều đường phố như : Nguyễn Đình Chiểu, Thể Giao, Hoa Lư, Trần Đại Nghĩa, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hào Nam, Kim Liên mới… xe đỗ thành hàng dài tới vài trăm mét trên đường nên ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày.

Từ sự phân tích trên, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, tiến tới cải thiện đáng kể trật tự, an toàn giao thông ở Thủ đô. Thiết nghĩ, trước hết ở tầm vĩ mô cần sớm hoàn thiện quy hoạch Hà Nội mang tầm chiến lược, làm cơ sở cho việc phát triển Thủ đô một cách khoa học và bền vững. Theo đó, các ngành, các khu vực, trong đó có ngành giao thông vận tải, cần có quy hoạch chi tiết của ngành mình, lĩnh vực mình.

Trước mắt, để giảm tải sức ép về tăng dân số các quận nội thành, cần nghiên cứu và sớm di dời những cơ sở y tế, giáo dục, các văn phòng đại diện, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, cơ quan một số bộ, ban ngành… ra ngoại ô sao cho phải đảm bảo hợp lý, khoa học, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung, không ảnh hưởng đến những hoạt động bình thường của bộ máy quản lý nhà nước cũng như nhân dân. Thành phố cần có những giải pháp phù hợp đúng với Luật Cư trú nhằm hạn chế số người nhập cư về Hà Nội.

Trên cơ sở quy hoạch chiến lược, Chính phủ và Hà Nội cần đầu tư phát triển các đô thị vệ tinh, tạo sức hút mạnh mẽ để giảm áp lực về dân số ở khu trung tâm.


Trong quy hoạch Thủ đô và quy hoạch ngành, Hà Nội cần phải giành quỹ đất thỏa đáng cho giao thông. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, Hà Nội cần giảm đến mức cần thiết các phương tiện giao thông cá nhân, đồng thời đầu tư cho các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe lửa nội bộ… Ứng với số lượng đăng ký mới phương tiện giao thông hàng năm, thì phải cương quyết loại bỏ phương tiện cũ, hết hạn sử dụng.

Thành phố cũng cần sớm hoàn chỉnh xây dựng các tuyến đường vành đai 1,2,3… kết hợp với phân luồng hợp lý lượng ô tô, xe tải chạy qua Hà Nội. Ở nội thành, cần sớm hình thành và hoàn thiện hệ thống bãi đỗ, để xe, khuyến khích doanh nghiệp, công ty xây dựng các nhà để xe nhiều tầng nhằm tiết kiệm diện tích và hạn chế việc đỗ xe trên vỉa hè, lòng đường như hiện nay.


Các cơ sở bệnh viện, trường học, công sở, các sở giao dịch, các trung tâm thương mại… phải dành diện tích thỏa đáng cho việc đỗ xe, trông xe và phải có cam kết bảo đảm không lấn chiếm vỉa hè lòng đường, vỉa hè trông giữ xe… Đối với những trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì phải xử lý thật nghiêm khắc, có tính răn đe, qua đó góp phần giáo dục ý thức chấp hành luật pháp của người dân khi tham gia giao thông.

Minh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN