Ghép gan cho một bệnh nhi suy gan giai đoạn cuối

Vào khoảng 18 giờ ngày 4/9, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiến hành nối ống mật, sau đó đóng ổ bụng, kết thúc ca phẫu thuật ghép gan lần thứ 8 cho một bệnh nhi bị suy gan giai đoạn cuối.

 

Ê kip phẫu thuật đang tiến hành nối ống mật cho bệnh nhi. Ảnh: VOV

 

Bệnh nhi P.N.M.H (sinh ngày 5/9/2013, ở quận 8, Thành phố Hồ Chí minh) sinh ra không bị thiếu tháng nhưng bị vàng da bẩm sinh và teo đường mật. Tuy đã được phẫu thuật Kasai (phẫu thuật để tạo ra đường lưu thông mật từ gan bằng một phần của ruột non) vào lúc hơn 3 tháng tuổi nhưng tình trạng sức khoẻ của bé ngày càng yếu và bị suy gan giai đoạn cuối. Trước phẫu thuật, bệnh nhi có các triệu chứng như vàng da, bụng to, gan lách to, biếng ăn, suy dinh dưỡng, có biến chứng nhiễm trùng đường mật, viêm phổi…, nếu không kịp thời phẫu thuật có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Sau khi được tư vấn từ các bác sĩ, gia đình đã quyết định để mẹ của bệnh nhi là chị N.H.H (29 tuổi) cho một phần gan để ghép gan cho bé.

 

Ca phẫu thuật được bắt đầu vào khoảng 9 giờ 30 phút sáng 4/9 và được thực hiện bởi các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Đại học Saint-Luc (Vương quốc Bỉ). Người mẹ được lấy một phân thùy 2x3, trọng lượng 250gram vừa đủ thể tích ghép và phần còn lại đủ để phục hồi sức khỏe. Đến khoảng 11 giờ 30 phút, một phần gan của người mẹ đã được bóc tách.

 

Theo bác sĩ Trương Quang Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, quá trình phẫu thuật diễn ra tương đối thuận lợi ở cả người mẹ và người con. Đến nay, sức khỏe của người mẹ diễn biến tốt và đã tỉnh táo nhưng phải sau 2 hoặc 3 tuần mới có thể hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhi sau phẫu thuật sẽ được theo dõi chặt chẽ trong 3 tháng và thực hiện các xét nghiệm để đánh giá mức độ thải ghép gan.

 

Về tình hình ghép tạng ở bệnh viện, theo bác sĩ Trương Quang Định, trong năm 2014, bệnh viện đã tiến hành 2 ca ghép thận và dự kiến cuối năm sẽ tiếp tục tiến hành 2 ca ghép thận. Tuy nhiên, về vấn đề ghép gan, bệnh viện đang gặp trở ngại do thiếu nguồn tạng trầm trọng. Nguyên nhân là do nhóm máu giữa mẹ và bệnh nhi không tương thích, cha mẹ bị viêm gan siêu vi nên không thể cấy ghép gan và đặc biệt là chưa có sự đồng ý hiến tạng từ phía người nhà bệnh nhi. Vì vậy, để có nguồn tạng cứu sống nhiều bệnh nhi hơn nữa thì người dân cần có sự sẵn sàng trong việc hiến tạng cũng như triển khai việc hiến tạng từ người chết não.

 

Ở Việt Nam , ca ghép gan đầu tiên được thực hiện vào năm 2004 trên một trẻ teo đường mật bẩm sinh. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, với sự hợp tác chuyển giao kỹ thuật của các giáo sư, chuyên gia ghép tạng đến từ Viện Trường đại học Saint-Luc (Vương quốc Bỉ) bệnh viện đã thực hiện ca ghép gan đầu tiên vào năm 2005. Đến nay, bệnh viện đã tiến hành ghép gan 7 bệnh nhi, trong đó bệnh nhi nhỏ tuổi nhất chưa đầy 12 tháng. Trường hợp bé P.N.M.H là ca ghép gan thứ 8 được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

 

H.Chung

Bệnh viện Chợ Rẫy lần thứ 2 ghép gan thành công
Bệnh viện Chợ Rẫy lần thứ 2 ghép gan thành công

Ngày 18/9, Bệnh viện Chợ Rẫy đã công bố kết quả ca ghép gan thành công cho bệnh nhân Huỳnh Công Thịnh, sinh năm 1963. Đây là ca ghép gan thứ 2 ở người lớn được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN