Gặp lại người anh hùng trong dịch SARS năm xưa

Cách đây 10 năm (28/4/2003 - 28/4/2013), Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới khống chế dịch SARS thành công. Trong thành tích đặc biệt ấy có sự đóng góp không nhỏ của GS.TSKH Lê Đăng Hà và những đồng nghiệp của ông tại Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương).


Đường lây của SARS


Gặp GS.TSKH Lê Đăng Hà, nguyên Viện trưởng Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới, tại ngôi nhà xinh xắn trong ngõ nhỏ trên phố Lê Tất Tố, tôi rất bất ngờ khi ở tuổi gần 80 nhưng GS Hà vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Ông nhớ chính xác đến từng chi tiết nhỏ của những ngày chống dịch SARS cách đây tròn 10 năm trước.


GS Lê Đăng Hà (phải) và đồng nghiệp kiểm tra phim X-quang của bệnh nhân SARS. Ảnh do GS Lê Đăng Hà cung cấp


“Ngày 23/2/2003, thương nhân gốc Hoa, quốc tịch Mỹ tên là Johnie Chun Cheng, đến Việt Nam. Trước đó, tại Hồng Công (Trung Quốc), người đàn ông này tiếp xúc với một bác sĩ (BS) người Trung Quốc nhiễm SARS. Do đó, ngày 26/2, ông Cheng phát bệnh và được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Việt - Pháp (Hà Nội). Ngày 28/2, BS Carlo Urbani, chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đến thăm khám cho bệnh nhân Cheng và phát hiện đây là một căn bệnh do virút lạ, có khả năng lây nhiễm cao. BS Carlo Urbani đã yêu cầu ngành y tế Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng ngừa và theo dõi chặt diễn biến của người bệnh”, GS Hà nhớ lại.


Sau đó, ngay khi BV Việt- Pháp có thêm một số ca bệnh tương tự, BS Urbani lập tức cảnh báo với WHO về việc Việt Nam xuất hiện một virút lạ dạng viêm phổi không điển hình, lây qua đường hô hấp rất nhanh nên có thể gây đại dịch. Ngày 9/3, WHO đã ra đưa ra cảnh báo toàn cầu về dịch SARS, yêu cầu hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhưng rất tiếc, BS Carlo bị lây nhiễm căn bệnh này trong quá trình điều trị cho bệnh nhân SARS tại Việt Nam. Ông đã tử vong ngày 12/3/2003 tại Thái Lan.

GS. TSKH Lê Đăng Hà sinh năm 1935 tại Thanh Hóa, ông từng là sinh viên của trường Đại học Y Hà Nội niên khóa 1954 - 1960. Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại trường làm công tác giảng dạy; năm sau đó, ông được cử sang Liên Xô làm luận án Phó tiến sĩ (năm 1972) và Tiến sĩ (năm 1986).


Lúc này, tại BV Việt - Pháp, số ca bệnh vẫn không ngừng tăng lên với hơn 30 ca, trong đó có 5 ca tử vong. Vì vậy, BV này buộc phải đóng cửa và chuyển toàn bộ số bệnh nhân SARS sang điều trị tại Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới từ ngày 12/3.


GS Hà kể: “Sau khi nhận chỉ đạo của Bộ Y tế, tôi tập trung tất cả cán bộ, công nhân viên lại để vừa thông báo, vừa động viên anh em cố gắng hợp lực để “chiến đấu” với “giặc” SARS. Tất nhiên, mọi người rất lo lắng vì WHO đã thông báo căn bệnh này có khả năng lây lan rất nhanh, cần hạn chế đi lại giữa các quốc gia. Hơn nữa, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi tại BV Việt - Pháp đã mắc và tử vong vì căn bệnh này”.


Hiểu và thông cảm với nỗi lo lắng của anh em trong Viện, GS Lê Đăng Hà ra thông báo: “Viện sẵn sàng chuyển công tác cho những ai e ngại khám, chữa bệnh cho bệnh nhân SARS”. Nhưng rồi, cũng không có lá đơn xin chuyển công tác nào được chuyển đến ban lãnh đạo của Viện.

Dùng quạt máy để… đuổi virus


Nhận “lệnh” điều trị cho bệnh nhân SARS từ Bộ Y tế, GS Lê Đăng Hà và đồng nghiệp xác định nhiệm vụ tối quan trọng lúc đó là phải làm tốt công tác phòng dịch ngay tại Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới, đồng thời phải giảm thiểu thương vong, biến chứng cho người bệnh.


“Tôi yêu cầu cán bộ y tế thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly bệnh nhân theo 3 khu vực: Khu bệnh nhân nặng, khu bệnh nhân nhẹ và khu buồng bệnh riêng biệt để tiếp nhận bệnh nhân mới vào khám và nhập viện. Mọi sinh hoạt ăn uống, chăm sóc cho bệnh nhân đều do cán bộ y tế đảm nhiệm. Cả Viện thực hiện chế độ làm việc 3 ca, đảm bảo “trực chiến” 24/24 giờ. Không có khẩu trang chuyên dụng, tất cả cán bộ, nhân viên đều phải đeo 2 lớp khẩu trang bằng giấy. Thiếu quần áo phòng hộ thì lấy áo của bệnh nhân khoác ngoài áo blu. Khi ra khỏi khu vực buồng bệnh, các bác sĩ, y tá phải bỏ khẩu trang, mũ, quần áo khoác ngoài rồi rửa tay sạch sẽ…”.


GS Hà cho biết, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân SARS, ông rất trăn trở khi thấy một số người không hề tiếp xúc với bệnh nhân mắc SARS nhưng vẫn mắc bệnh. Phải chăng có một đường lây trung gian?...


“Tôi phát hiện ra, ổ dịch chính là những phòng bệnh tại BV Việt Pháp, nơi những bệnh nhân SARS từng điều trị. Trong môi trường mát lạnh, nhiệt độ thấp do phòng nào cũng được gắn máy điều hòa nên virút cúm vẫn tồn tại. Vì vậy, dù bệnh nhân SARS được chuyển đi hết nhưng người bệnh mới hoặc thân nhân của họ vẫn có thể mắc bệnh nếu hít phải virút tồn lưu trong căn phòng đó. Vậy làm thế nào để buồng bệnh tại Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới không còn virút, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh cho y, bác sĩ và cộng đồng? Đó là câu hỏi mà tôi và các đồng nghiệp đã trăn trở nhiều đêm”, GS Hà chia sẻ.


Qua tìm hiểu tài liệu, GS Hà biết rằng muốn làm sạch không khí, diệt virút tại các buồng bệnh cần phải có những máy thông khí áp lực âm, mỗi chiếc trị giá tới vài trăm triệu đồng. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, cùng một lúc trang bị hàng chục chiếc máy thông khí có trị giá lớn như vậy cho Viện là điều không thể. Do vậy, thay bằng việc đóng kín cửa phòng bệnh như BV Việt - Pháp, GS Hà và các đồng nghiệp chọn biện pháp mở toàn bộ cửa sổ trong các buồng điều trị SARS và đóng chặt cửa ra vào; tiếp đó dùng các quạt máy đẩy virút ra ngoài để ánh nắng mặt trời tiêu diệt chúng. Ngoài ra, ông còn yêu cầu bệnh nhân phải đeo khẩu trang, cách ly, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người nhà. Mọi đồ thải của người bệnh đều được tiêu hủy theo quy định…


Chính nhờ sáng kiến độc đáo này, trong 45 ngày chống dịch SARS, không một thân nhân nào của người bệnh hay một cán bộ nào của Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới nhiễm bệnh. Gánh nặng từ dịch SARS nhờ vậy đã được giảm rất nhiều.


Phác đồ điều trị… “made in Vietnam”


Khi đó, bệnh nhân SARS ở Việt Nam hay nước ngoài đều bị tổn thương phổi ngày một nặng dẫn đến suy hô hấp rất nhanh nên vấn đề mấu chốt là hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân kịp thời. Bằng sự tinh nhạy của nghề nghiệp và kinh nghiệm của một nhà khoa học, GS.TSKH Lê Đăng Hà và các đồng nghiệp đã đưa ra quyết định quan trọng: Chụp phổi hàng ngày cho bệnh nhân để theo dõi diễn biến bệnh. Đặc biệt, thay vì chọn giải pháp thay khí nhân tạo xâm nhập như một số nước khác áp dụng (tỷ lệ tử vong khoảng 10%), GS Hà và đồng nghiệp đã sử dụng phương pháp thông khí nhân tạo không xâm nhập (không phẫu thuật mở khí quản hay đặt ống nội khí quản) nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm thêm bệnh cho bệnh nhân.

Từ ngày 16/11/2002 - 7/8/2003, dịch SARS xuất hiện ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 8.422 người mắc, trong đó có 916 người chết. Riêng tại Việt Nam, trong 45 ngày diễn ra dịch SARS, đã có 37/63 ca bệnh là các y, bác sỹ, trong đó có 5 người tử vong.


“Điều kiện vệ sinh buồng bệnh tại Việt Nam không đủ an toàn để áp dụng phương pháp thay khí nhân tạo xâm nhập, nếu phải mổ khí quản hoặc đặt nội khí quản thì bệnh nhân SARS có thể bội nhiễm cả vi khuẩn gây viêm phổi nữa, như vậy rất nguy hiểm”, GS Hà giải thích.


Nhưng chọn phương pháp điều trị này cũng có nghĩa các y, bác sĩ của Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới phải vất vả hơn. Riêng việc cho bệnh nhân ăn thôi cũng mất hàng giờ vì các y tá liên tục phải mở mask (mặt nạ) và úp mask, chỉ cần hở mask một chút là bệnh nhân khó thở nên cứ cho ăn được một miếng là phải úp mask vào ngay...


“Trong những ngày chống dịch, ngoài những áp lực về công việc, chúng tôi còn bị áp lực của xã hội. Lúc ấy, có không ít người dân không dám đi qua khu vực Bệnh viện Bạch Mai. Con em của nhiều y, bác sĩ cũng phải chịu áp lực nên nhiều em phải nghỉ học. Đồng nghiệp, người quen của các y, bác sĩ trong Viện cũng chỉ thăm hỏi qua điện thoại, ít đến nhà. Hàng xóm láng giềng cũng tránh gặp mặt…”, GS Hà cho hay.


Và rồi cuối cùng điều kỳ diệu đã đến: Sau 45 ngày chống SARS, không có bệnh nhân nào tại Viện tử vong, dịch SARS được chặn đứng và không hề lây lan ra cộng đồng. Chính vì vậy, ngày 28/4/2003, WHO thông báo trên toàn thế giới: Việt Nam là nước đầu tiên khống chế được dịch SARS.


Sau đó, để ghi nhận những công lao và cống hiến đặc biệt to lớn của GS Lê Đăng Hà trong cuộc chiến chống dịch SARS, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông.


Khi nhắc đến dịch SARS năm xưa, GS Hà cười nói: “Những ngày chống SARS là những ngày đầy lo âu, căng thẳng. Tuy nhiên, đó là những ngày đáng nhớ nhất của cuộc đời tôi. Tôi mong rằng, kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch bệnh nói chung và từ dịch SARS năm 2003 nói riêng sẽ là những bài học quý giá để chúng ta chủ động hơn trong việc đối phó với những dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, nhất là dịch cúm A/H7N9 đang diễn biến tại Trung Quốc hiện nay”.



Phương Liên

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN