Gắn kết dạy nghề với doanh nghiệp

Trước thực tế nhiều sinh viên, học sinh sau khi ra trường, đi làm vẫn phải đào tạo lại nên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã đưa ra định hướng: Đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp.


Để chất lượng nghề sát với thực tế


Tại các hội chợ việc làm, đại diện tuyển dụng doanh nghiệp phản ánh: Sau khi nhận sinh viên, học sinh trường nghề, thường doanh nghiệp phải đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu công việc. “Điều này cho thấy, việc đào tạo nghề cần gắn với thực tế và cụ thể theo yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Dạy nghề là dạy kỹ năng nên 70% là thực hành, chỉ nên 30% là lý thuyết. Tuy nhiên, nhiều nơi dạy “chay” hoặc thực hành với phương tiện lạc hậu”, ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.

 

Giờ thực hành môn điện công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Bắc Giang.
Quốc Khánh - TTXVN


Thực trạng trên dẫn đến năng lực nghề nghiệp lao động Việt Nam còn khoảng cách xa so với thế giới. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ trong vòng 2 năm qua, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tụt 16 hạng. Nguyên nhân chính là do chất lượng kỹ năng nghề của lao động Việt Nam còn yếu. Thêm vào đó, chiến lược cung cấp nguồn nhân lực giá rẻ sẽ không còn là lợi thế của Việt Nam, khi chuyển hướng sang mô hình phát triển dựa trên công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.


Tuy nhiên, việc đào tạo nghề hiện nay vẫn chưa được các địa phương quan tâm. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề chưa được đầu tư, chất lượng giáo viên còn nhiều bất cập. Khoảng 65% số giáo viên có trình độ dạy kỹ năng thực hành, trong đó chỉ có 41% dạy cả lý thuyết và thực hành.


Đào tạo gắn kết với thị trường


Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và trường nghề hiện vẫn trong giai đoạn “tự phát”, tự tìm đến nhau. Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội, chia sẻ: “Để gắn kết với doanh nghiệp, trường thành lập Trung tâm liên kết với doanh nghiệp, qua đó nhận đào tạo, hợp tác với 200 doanh nghiệp. Bên cạnh giáo trình chung, với nhu cầu của từng doanh nghiệp, sẽ có những giáo trình riêng. Chính vì vậy, hơn 80% sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm. Từ thực tiễn cho thấy, bên cạnh sự hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, Nhà nước cần có quy định gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với dạy nghề thông qua các chính sách ưu đãi doanh nghiệp tham gia vào dạy nghề”.

“Chúng ta làm sao phải hình thành được mối quan hệ chặt chẽ theo phương châm: Trường học là nhà máy sản xuất, người dạy là người điều hành, chỉ đạo sản xuất và người học là sản phẩm”.

Ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH


Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề, cho rằng: “Rào cản hiện nay mà dạy nghề đang vướng chính là nhận thức chung của xã hội khi coi nhẹ đào tạo lao động lành nghề, mà chỉ hướng tới đào tạo đại học; chất lượng và cơ cấu đào tạo nghề chưa phù hợp với thị trường cũng như nhu cầu của doanh nghiệp”.


Thị trường cần nhiều lao động với nhiều loại hình khác nhau. Từ thực tế Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho thấy, có tới hơn 70% công nhân được tuyển chọn từ những lao động phổ thông, chỉ cần đào tạo khoảng 2-3 tuần là có thể triển khai những công việc đơn giản, nhưng đồng nghĩa với việc họ có thể bị sa thải bất cứ lúc nào để lấy lực lượng trẻ khác thay thế. Trong khi đó, chỉ có khoảng 30% được tuyển chọn để đào tạo bài bản cho kế hoạch dài hạn. “Chính vì vậy, Việt Nam cần xây dựng được thông tin về thị trường việc làm và từ đó có chính sách định hướng và đào tạo nghề. Bộ LĐTBXH cần thay đổi những chính sách về chế độ cho người lao động, trong đó có quy định về sử dụng lao động qua đào tạo sớm ban hành”, ông Phạm Xuân Khánh đề xuất.


Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN